Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cặp vịt trời cho đại phát của tỷ phú Bắc Giang

Cặp vịt trời cho đại phát của tỷ phú Bắc Giang
Ngày đăng: 14/10/2015

Sự nghiệp làm giàu từ vịt trời xuất phát từ... đôi vịt trời cho.

Làm giàu từ đôi vịt trời cho

Anh Tô Quang Dần, ở thôn Đoàn Tùng, xã Đông Phú, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang được biết đến là người đầu tiên thuần hóa được giống vịt trời, vốn là loài hoang dã.

Tuy nhiên, ít ai biết, việc thuần hóa vịt trời của anh lại là một cơ duyên hết sức tình cờ.

Trong một lần đi đánh cá năm 2011, anh Dần bắt được 2 con vịt trời đang vùng vẫy trong lưới cá sau nhà.

Lúc đó, chỉ vì thấy lạ mắt và bị hấp dẫn bởi màu lông đẹp nên anh Dần nuôi để làm vịt cảnh chứ không hề có ý định thuần hóa, bởi anh nghĩ điều đó là không thể.

Sau khi nuôi được 7 - 8 tháng, thì đôi vịt đẻ trứng, ý tưởng nuôi gây giống bắt đầu từ đây.

 

Chàng " tỷ phú" vịt trời Tô Quang Dần

Anh Dần bắt đầu cho trứng vịt vào ấp thử với gà đang nuôi trong nhà và nở ra được 3 con vịt con.

Sau 1 năm, lứa vịt đầu tiên của anh có thể xuất chuồng.

Những còn vịt lứa F1 theo anh đi bán từ đầu làng đến cuối làng, mỗi con thu được từ 200-250.000 đồng khiến anh Dần càng tin tưởng làm giàu từ vịt trời.

“Tôi vốn xem đôi vịt như thú chơi làm cảnh, tình cờ phát hiện được những quả trứng của chúng nên mới đem đi ấp.

Khi bán được vịt, nhiều khách hàng gọi điện tới đặt hàng, may mắn chợt đến cũng khá bất ngờ” – anh Dần chia sẻ.

Vì là giống vịt hoang dã nên những ngày đầu, anh Dần phải cắt lông cánh để phòng chúng khỏi bay mất.

Một cách giữ chân khác của anh Dần là luôn cho vịt ăn đầy đủ và đúng bữa để dù chúng có bay đi đâu cũng nhớ về nhà ăn.

Từ cuối năm 2013, anh Dần bắt đầu nhân giống với số lượng lớn.

Với lứa vịt trời một tuần tuổi đổ lại, anh Dần bán với giá 100.000 đồng/con, vịt trời mái để sinh sản giá 350.000 đồng/con.

Khi đàn vịt trời đã nhiều lên, anh Dần bắt đầu chuyển sang phương pháp ấp trứng bằng máy.

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất đã có hiệu quả hơn hẳn so với phương pháp thủ công trước đây.

Anh cho biết, lúc vịt nở anh cho chúng ăn cám của gà con.

Sau 20 ngày, anh chuyển qua cho vịt ăn cám của vịt đẻ.

Tới tháng thứ 3, anh bắt đầu chỉ cho ăn toàn thóc.

4-5 tháng sau là đàn vịt có thể xuất bán, mỗi con nặng khoảng trên dưới 1kg.

Nếu muốn nuôi đẻ, phải kéo dài tới 7 tháng.

Trung bình mỗi năm, một con vịt trời đẻ được khoảng 100 trứng.

Tỷ phú vịt trời

Với mức giá bán vịt giống 100 nghìn đồng/con, vịt thương phẩm 220 - 250 nghìn đồng/con và nếu mỗi tháng trung bình xuất bán 1.000 con thì trừ chi phí vận chuyển, thức ăn, quá trình chăm sóc… anh Dần thu về từ 100 - 150 triệu đồng/tháng.

Tính trung bình một năm, anh có 1 - 2 tỷ đồng từ vịt trời.

Hiện tại, anh Dần có 2 trang trại chăn nuôi, cung cấp từ vịt thương phẩm đến trứng, vịt giống, không chỉ cho miền Bắc mà còn trên cả nước.

Mô hình của anh được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành khắp 3 miền.

Giấc mơ làm giàu đã hiện hữu từ 4 sào Bắc Bộ mặt nước nuôi vịt của gia đình.

Vịt trời được ưa chuộng nhiều hơn bởi vịt có xương nhỏ, thịt dai thơm, ngọt, màu hồng đào và ít mùi tanh, mùi hôi như vịt thường.

Anh Dần cũng cho biết, để nuôi vịt trời thành công, khâu quan trọng là chọn vịt trời sinh sản.

Cụ thể, cần chọn vịt lên giai đoạn sinh sản lúc 21 – 22 tuần tuổi.

Thời điểm này, tỷ lệ loại thải thấp hơn thời điểm chọn lên hậu bị.

Vịt trống được chọn khắt khe hơn và ghép trống mái theo tỷ lệ 1:5, 5:6.

Khi sắp đẻ, vịt đã thay lông xong, bộ lông mượt trở lại.

Nhìn bộ lông có thể đánh giá tương đối chính xác chất lượng nuôi dưỡng giai đoạn hậu bị.

Anh cũng chia sẻ thêm, mật độ nuôi tốt nhất là khoảng từ 2 – 3 con/m2 nền chuồng.

Khi nuôi cần chú ý lót nền chuồng và ổ đẻ bằng rơm khô, cỏ khô, trấu, tránh ẩm mốc.

Ổ đẻ được làm bằng gỗ, tre, tấm cót… thành từng ô có kích thước 40x60x40 cm.

Tính trung bình, mỗi ô cho 4 – 6 con mái đẻ.

Là người đầu tiên thuần hóa được vịt trời, anh Dần vinh dự nhận được nhiều bằng khen của các cơ quan, đoàn thể.

Anh Dần cũng là người thường xuyên được mời đi chia sẻ kinh nghiệm nuôi vịt trời cho nhiều người có khát khao lập nghiệp từ giống gia cầm hoang dã này.

Vừa qua, anh Tô Quang Dần vừa được Hội Nông dân Việt Nam trao giải 3 tại Lễ trao giải cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5 (2013-2014).


Có thể bạn quan tâm

Đàn Bò Sữa Thành Phố Hồ Chí Minh Chạm Ngưỡng 100.000 Con Đàn Bò Sữa Thành Phố Hồ Chí Minh Chạm Ngưỡng 100.000 Con

Hiện nay, đàn bò sữa TPHCM dịch chuyển dần ra các huyện ngoại thành, riêng huyện Củ Chi chiếm 63,8%. Chủ trương của ngành nông nghiệp TP là nâng chất con giống, tăng quy mô đàn và giảm số hội nuôi để giảm dần, còn khoảng 85.000 con.

20/08/2014
Trồng Nấm Rơm Mùa Mưa Trồng Nấm Rơm Mùa Mưa

Nghề trồng nấm rơm ở Chợ Mới (An Giang) đã có từ lâu đời, nhất là ở các xã: Long Giang, Long Kiến… Dù trồng nấm rơm theo phương pháp cổ truyền hay hiện đại, những hộ dân ở đây cũng đều có thu nhập khá ổn định từ việc tận dụng nguồn rơm sau khi thu hoạch lúa.

20/08/2014
Vũng Liêm (Vĩnh Long) Mở Rộng Diện Tích Trồng Ớt Chỉ Thiên Lên 100ha Vũng Liêm (Vĩnh Long) Mở Rộng Diện Tích Trồng Ớt Chỉ Thiên Lên 100ha

Ớt chỉ thiên trồng được quanh năm, sau 2 tháng rưỡi thu hoạch, năng suất từ 15- 20 tấn/ha/vụ. Từ năm 2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT Vũng Liêm đã có kế hoạch thực hiện mô hình trồng ớt tại 10 xã với 25ha. Qua vận động trồng được 8ha, so canh tác 3 vụ lúa/năm, ớt chỉ thiên cho lợi nhuận cao hơn 3- 4 lần.

20/08/2014
Trái Thanh Long Đi Trước… Về Sau? Trái Thanh Long Đi Trước… Về Sau?

Trái kiwi có nguồn gốc từ Trung Quốc với tên gọi trái lý gai. Hạt giống trái này được mang đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có đất nước New Zealand vào năm 1904. Năm 1958, New Zealand chính thức lấy tên là kiwi từ loài chim kiwi tiêu biểu của đất nước này. Thực tế nơi trồng nhiều kiwi không phải là New Zealand, nhưng kiwi của New Zealand lại là loại số 1 thế giới.

20/08/2014
Thanh Long Đã Hết Thời Chạy Theo Số Lượng Thanh Long Đã Hết Thời Chạy Theo Số Lượng

Dù kim ngạch xuất khẩu thanh long tiếp tục có sự bứt phá ấn tượng ở hầu hết các thị trường, nhưng người nông dân đang được khuyến cáo phải tập trung vào chất lượng của trái để tránh rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” như bài học đối với dưa hấu đầu năm nay

20/08/2014