Bất Cập Xung Quanh Công Tác Giao Rừng Tự Nhiên Cho Người Dân Quản Lý
Năm 2005, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị xây dựng Đề án giao rừng tự nhiên nhằm mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân sống trong và ven rừng, huy động sức mạnh của cộng đồng tham gia bảo vệ, phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng.
Được sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, người dân huyện Hướng Hóa đã thành lập 19 tổ bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tại nhiều thôn bản, người dân tự nguyện xây dựng quy ước bảo vệ, phát triển rừng. Thậm chí, một số hộ còn cam kết với nhau đồng lòng, đồng sức bảo vệ diện tích rừng nhận khoán. Ai tiếp tay cho lâm tặc, lấn chiếm rừng, săn bắt động vật quý hiếm… sẽ bị phạt nặng.
Nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân, năm 2006, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Húc và A Dơi tiến hành giao rừng thí điểm cho cộng đồng và nhóm hộ gia đình. Tổng diện tích rừng tự nhiên được bàn giao là 140 ha, trong đó 86 ha giao cho cộng đồng thôn Tà Rùng (xã Húc) và 54 ha giao cho 8 nhóm hộ gia đình trú tại thôn Prin C (xã A Dơi).
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng kiểm lâm và người dân nên rừng giao khoán được bảo vệ rất tốt; không còn tình trạng khai thác gỗ, săn bắn trái phép; nạn phát rừng làm nương rẫy được hạn chế đáng kể. Từ tín hiệu đáng mừng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa tiếp tục giao rừng cho người dân ở 13 bản gồm: Măng Sông (Ba Tầng), Chênh Vênh (Hướng Phùng), Ra Ty (Hướng Lộc), Cuôi (Hướng Lập), Trăng (Hướng Việt)… Hiện tại, gần 750 hộ dân ở các thôn bản này đang bảo vệ hơn 5.650 ha rừng. Ngoài ra, gần 400 ha rừng cũng đã được 30 hộ gia đình ở xã A Dơi và Hướng Sơn nhận khoán.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa còn vận động người dân tham gia kiểm tra, đánh giá lượng tăng trưởng của rừng.
Kết quả đáng mừng là bình quân mỗi năm trữ lượng rừng tăng khoảng 2,5%. Hiện tại, ở một số thôn bản của huyện Hướng Hóa, rừng giao khoán đang bước vào giai đoạn khai thác. Hạt Kiểm lâm huyện đã tạo điều kiện cho người dân tạm ứng sản phẩm gỗ để phục vụ nhu cầu cuộc sống.
Tính đến nay, công tác giao rừng tự nhiên đã được triển khai tại huyện Hướng Hóa hơn 7 năm. Qua đó, nhận thức của cộng đồng được nâng lên khá cao.
Tình trạng khai thác lâm thổ sản, thú rừng trái phép và phá rừng làm nương rẫy giảm đi đáng kể. Diện rích rừng được giao khoán sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng thôn bản được phát huy tích cực. Tuy nhiên, công tác giao rừng tự nhiên vẫn còn gặp phải một số khó khăn, hạn chế.
Ở một số xã, chính quyền và người dân địa phương vẫn chưa lập được kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng nên không phát huy được sức mạnh tập thể cũng như thu hút mọi người dân tham gia.
Công tác tuần tra, kiểm tra rừng của các tổ bảo vệ được triển khai nhưng việc báo cáo kết quả chậm, thiếu tính thường xuyên. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ vẫn chưa được tập huấn về nghiệp vụ dẫn đến hiệu quả công việc còn thấp. Việc giám sát, thực hiện quy ước bảo vệ rừng của chính quyền xã vẫn chưa được tiến hành thường xuyên.
Hiện nay, rừng tự nhiên trên địa bàn phần lớn thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (chiếm khoảng 60%). Diện tích do UBND xã quản lý chiếm khoảng 36%, thường nằm cách xa khu dân cư nên gây ra nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ.
Hơn nữa, một số khu rừng của cộng đồng là “rừng ma”, “rừng thiêng”. Theo phong tục của người dân, không ai được tác động các biện pháp kỹ thuật vào những khu rừng này. Thế nên, việc chăm sóc và phát triển rừng chưa phát huy hết hiệu quả.
Dù cộng đồng là chủ thực sự của các khu rừng đã bàn giao nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa được hưởng lợi. Được biết, trình tự, thủ tục để đăng ký hưởng lợi từ rừng là chủ rừng làm đơn xin khai thác và tiến hành thống kê diện tích, sản lượng, số cây cần khai thác…
Sau đó, trình các loại giấy tờ này cho UBND xã xác nhận, tiếp theo phải có giấy phép khai thác do UBND huyện cấp và cơ quan Kiểm lâm xác nhận. Tuy nhiên, do không nắm rõ quy trình nên việc xin khai thác nguồn lợi rừng của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một thực tế khác là có những diện tích rừng được khai thác không bền vững do người dân chưa nắm rõ về kỹ thuật cũng như biện pháp lâm sinh.
Theo Quyết định số 112/2008/QĐ- BNN của Bộ NN&PTNT, định mức kinh tế - kỹ thuật để xác định lao động, vật tư, nhiên liệu và các phụ cấp cần thiết phục vụ công tác giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ quản lý rừng là quá thấp so với thị trường.
Được biết, định mức chi phí lao động đối với cộng đồng hiện là 345 ngàn đồng/ha rừng và đối với gia đình là 634 ngàn đồng/ ha (tính cả chi phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và công lao động của cán bộ kỹ thuật cũng như người dân). Vì vậy, người dân nhận khoán bảo vệ rừng còn nhiều thiệt thòi.
Ông Lê Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hướng Hóa khẳng định, chủ trương giao rừng chỉ có thể phát huy được hiệu quả khi giúp người dân sống được bằng rừng.
Theo ông Thành, để khuyến khích người dân, cộng đồng, nhóm hộ gia đình nhận bảo vệ rừng cần xây dựng quy chế ứng trước sản phẩm và hưởng lợi nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Đối với diện tích rừng sản xuất và phòng hộ do UBND xã quản lý, đang nằm rải rác, cần tập trung khoanh vùng và tiếp tục giao cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ, hưởng lợi và phát triển.
Cần sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 112/2008/QĐ-BNN, đồng thời bố trí kinh phí hỗ trợ cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng, thành lập quỹ bảo vệ phát triển cấp xã, xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng. Ngoài ra, cấp trên cũng cần bố trí kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu rừng được giao cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần lớn diện tích cây cà phê Catimor tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) được trồng trong giai đoạn 1990-1991. Tính đến nay tuổi thọ trung bình đã hơn 20 năm trong khi chu kỳ khai thác hiệu quả nhất của cây cà phê vào khoảng 12 đến 15 năm.
Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí mua hạt giống cây trồng để thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu vụ Xuân Hè, vụ Hè Thu, vụ Thu Đông năm 2014 và vụ Đông Xuân 2014-2015 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện nhiều mô hình, dự án, áp dụng khoa học kỹ thuật để đưa nông sản, trong đó có cây quýt thành sản phẩm hàng hóa.
Sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn GAP là hết sức cần thiết cho nông nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện cho các sản phẩm này gia nhập vào thị trường rộng lớn của thế giới.
Cá hồi hay còn gọi là cá Hồi Vân có nguồn gốc từ vùng biển Thái Bình Dương, khu vực Bắc Mỹ, được thuần hóa và đưa vào nuôi ở các nước châu Âu từ những năm 80 của thế kỷ trước.