Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Chú Trọng Chất Lượng Cà Phê Trong Khâu Thu Hoạch Và Chế Biến

Cần Chú Trọng Chất Lượng Cà Phê Trong Khâu Thu Hoạch Và Chế Biến
Ngày đăng: 23/10/2014

Là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Quảng Trị, những năm qua, nông dân trồng cà phê lẫn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn đều tìm nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng cà phê, tạo chỗ đứng vững chắc của cà phê catimor Quảng Trị trên thị trường trong nước và thế giới.

Mặc dù diện tích cà phê không nhiều do quỹ đất có hạn, toàn tỉnh chỉ có huyện Hướng Hóa trồng được cà phê với diện tích đến nay khoảng 5.000 ha nhưng cà phê Quảng Trị với tiểu vùng khí hậu Bắc Hướng Hóa đã tạo ra được sản phẩm cà phê chất lượng thơm ngon.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trong khâu thu hoạch và bảo quản cà phê trước khi nhập cho các nhà máy không được đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê xuất khẩu của huyện. Vì vậy, để phát triển cà phê bền vững nông dân và cả doanh nghiệp cần nắm vững và có ý thức tốt trong việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến thành phẩm.

Cà phê là cây công nghiệp lưu niên nên trong một vụ mùa, trên cùng một cây, một vườn các lứa hoa ra không đồng đều dẫn đến quả chín không cùng một lúc. Trên cùng một cành, hay một cây có nhiều lứa quả xanh, chín ở nhiều mức độ khác nhau cùng tồn tại.

Vì thế trong khâu thu hoạch cà phê cần chú ý phương thức thu hái chọn lọc. Những năm qua, do những hộ nông dân chủ vườn cà phê thiếu lao động vào vụ thu hoạch nên phần lớn thuê lao động ở các nơi khác đến thu hoạch. Những người lao động này phần lớn một mặt không được tham gia tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, mặt khác ý thức trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động chưa cao nên khi thu hoạch cà phê thường làm không đúng kỹ thuật để giảm công lao động.

Nên tiến hành thu hoạch cà phê nhiều lần trên cùng một vườn, cùng một cây, quả chín trước hái trước, quả chín sau hái sau, không nên thu hái tuốt cả quả xanh lẫn quả chín cùng một lúc.

Sau khi thu hái, các đại lý thu mua lại của nông dân cần nhập ngay trong ngày cho nhà máy để đưa vào chế biến, tránh để cà phê hạt qua đêm mới thực hiện chế biến.

Nếu trong trường hợp thu hoạch về mà chưa kịp nhập cho nhà máy thì nông dân cần rải cà phê trên vật dụng khô ráo, tránh dồn thành đống hoặc tiếp xúc với nước, không để cà phê trên nền đất ẩm, cà phê sẽ hút nước làm giảm chất lượng cà phê sau chế biến. Trong quá trình chế biến, dùng phương pháp chà xát cà phê ướt cũng làm giảm chất lượng cà phê do dễ lây nhiễm nấm bệnh.

Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, ngoài yếu tố giống, cách chăm sóc thì kỹ thuật thu hái cà phê cần có sự giám sát chặt chẽ và ý thức trách nhiệm cao của nông dân đối với sản phẩm mình làm ra. Ở đây, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Doanh nghiệp cần ký hợp đồng cụ thể với nông dân và kiểm định chặt chẽ chất lượng cà phê nguyên liệu mua vào. Không nên thu mua cà phê xanh (dù với giá rẻ) thì nông dân không bán được cà phê xanh sẽ cẩn thận hơn trong thu hoạch.

Hiện nay, thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa đang tìm được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều kiện tự nhiên đã tạo ra cho Hướng Hóa một sản phẩm cà phê chất lượng tốt, song để thương hiệu cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa đứng vững trên thị trường xuất khẩu và trong nước cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nông dân lẫn doanh nghiệp và có mối liên kết “4 nhà” tốt hơn.

Cùng với việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho cà phê phù hợp với thời kỳ hội nhập, cần tăng cường công tác khuyến nông, nhất là trong công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo huấn luyện. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm cà phê tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Tuyệt Kỹ Diệt Chuột Không Cần Mồi Tuyệt Kỹ Diệt Chuột Không Cần Mồi

Từ chiếc bẫy bán nguyệt, ông Nguyễn Văn Giàu ở tổ 6, thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng đã chế thành công chiếc bẫy chuột không cần mồi. Mỗi ngày, ông Giàu diệt được hàng trăm con chuột…

23/02/2014
Mô Hình Tưới Tiết Kiệm Nước Cho Cây Cà Phê Mô Hình Tưới Tiết Kiệm Nước Cho Cây Cà Phê

Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vừa cho ra đời phương pháp tưới mới cho cây cà phê đó là phương pháp tưới tiết kiệm nước,mô hình được thí điểm tại tỉnh Đắk Lắk.

20/03/2014
Nuôi Bò Sữa Gây Ô Nhiễm Môi Trường Nuôi Bò Sữa Gây Ô Nhiễm Môi Trường

Nghề nuôi bò sữa đang ngày càng phát triển ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM). Tuy nhiên, do không có quy hoạch vùng nuôi, không có hệ thống xử lý chất thải nên việc nuôi bò sữa đang khiến xã này ô nhiễm nghiêm trọng.

23/02/2014
Trồng Sắn Dây Thu Nhập 300 Triệu Đồng/ha Ở Kon Tum Trồng Sắn Dây Thu Nhập 300 Triệu Đồng/ha Ở Kon Tum

Kết quả, các hộ thu hoạch được 6 tấn tinh bột, bán với giá 70.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, nông dân còn thu được trên 300 triệu đồng/ha. Việc trồng cây sắn dây đang được người dân huyện Sa Thầy tiếp tục nhân rộng.

23/02/2014
Lắp Béc Tưới Cà Phê Lắp Béc Tưới Cà Phê

Hệ thống tưới nước bằng béc tiết kiệm cho chị Thu đến 30% nước tưới, 40% tiền điện, giảm được 70% nhân công lao động.

20/03/2014