Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cào Trứng Sò Huyết, Nghề Lạ Dễ Sống

Cào Trứng Sò Huyết, Nghề Lạ Dễ Sống
Ngày đăng: 08/05/2014

Không cần vốn nhiều, dụng cụ đánh bắt rẻ tiền, dễ tiêu thụ sản phẩm, mỗi ngày thu nhập trung bình 200.000 - 300.000 đồng, nhiều người sống khỏe nhờ nghề này.

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân, đa phần là người Khơme sinh sống dọc theo đê biển thuộc xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có cuộc sống ổn định nhờ nghề bán trứng sò huyết cho thương lái.

Vào những đợt cao điểm trúng mùa, mỗi ngày có đến hàng ngàn ngư dân bán trứng cho mấy chục thương lái đến từ các địa phương.

Chị Thạch Thị Hồng, ngụ ở ấp 13, xã Vĩnh Hậu A làm nghề này đã 2 năm cho biết: “Công việc kéo dài khoảng 4 đến 5 tiếng kể từ khi nước chuẩn bị “ròng”, người lao động dùng dụng cụ cào cát lẫn trứng sò vào túi lưới mành, sau đó lựa trứng sò ra riêng và mang vào bờ bán lại cho người mua”.

Nói nghe dễ chứ theo chị thì cái khó nhất của nghề này là việc biết lựa chọn khoảng cát nào có nhiều trứng sò huyết nằm lẫn lộn trong đó, muốn vậy phải tự dò tìm hàng chục cây số theo bãi biển mới phát hiện được. Sau đó phải biết cách đưa chúng vào dụng cụ cào thật an toàn và phải bảo quản chúng chu đáo vào đến nơi bán.

Anh Thạch Thon, một ngư dân khá nổi tiếng về tay nghề bắt trứng sò huyết với hơn 20 năm kinh nghiệm nói thêm: “Nói vậy chớ dân chúng tôi sống rất ổn định nhờ nghề này đó nghe. Bản thân tui mỗi ngày kiếm được 200.000 - 300.000 đồng, vô cao điểm tiền kiếm được còn nhiều hơn gấp bội".

Anh kể thêm, mỗi tháng ngư dân tập trung vào 2 đợt nước nhằm ngày 15 và 30 âm lịch hằng tháng, trong đó mỗi đợt cào trứng kéo dài từ 5 đến 6 ngày.

Trong những ngày này, người lao động mang dụng cụ để đánh bắt gồm cào (lưới được niềng miệng bằng khung sắt hình chữ nhật), thau, rổ, dĩa nhôm và chia nhau đi cào trứng dọc theo bãi biển theo phán đoán kinh nghiệm của từng người.

Điều rất ngạc nhiên và có lẽ cũng không đâu có hình thức mua bán lạ thường như nghề bán trứng sò huyết, bởi lẽ bên mua và bán thỏa thuận giá cả chỉ bằng hình thức mua sô, mua mớ mà không sử dụng bất kỳ dụng cụ cân đo trọng lượng, kích cỡ nào.

Không cần vốn nhiều, dụng cụ đánh bắt rẻ tiền, dễ tiêu thụ sản phẩm, được thanh toán tiền mặt ngay sau khi bán, được thiên nhiên ban tặng bãi biển khá dài và có nhiều trứng sò huyết, đó chính là những ưu thế tốt giúp cho hàng ngàn lao động tại xã Vĩnh Hậu A có việc làm ổn định, phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Thái Học, kinh doanh nghề này đã trên 20 năm nói: “Tập quán mua bán đó có từ lâu rồi, thuận mua vừa bán, ngư dân bây giờ nắm chắc giá lắm, mình mua ép giá không được đâu”.

Hôm chúng tôi đến tìm hiểu, chỉ trong ngày hôm đó anh đã mua được khoảng 80 triệu đồng trứng sò huyết, có hôm lên đến 120 triệu. Số lượng thương lái mua tại đây ước khoảng 20 đến 30 người tùy theo số lượng trứng cào được ít hay nhiều.

Nhiều ngư dân cho biết, mùa trứng sò huyết tập trung vào tháng 3 đến hết tháng 4 âm lịch, lái buôn sau khi thu mua sẽ thả chúng vào những khu chăm sóc “đặc biệt” để tăng trọng.

Sau khoảng 6 đến 7 tháng sống trong đất sình lầy chúng lại tiếp tục được bán lần 2 cho người nuôi trong những ao hồ. Khi phát triển đúng mức chúng lại được bán lần 3 để có mặt trong những điểm kinh doanh ăn uống và rất được “thượng đế” ưa chuộng, bởi chúng có độ dinh dưỡng cao, vị ngọt, dễ chế biến.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Thỏ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Mô Hình Nuôi Thỏ Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Đó là trại thỏ Tuấn Phát do anh Trần Thanh Tuấn ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh làm chủ. Trại gồm 3 khu, với tổng diện tích hơn 400 m2, qui mô hơn 450 con thỏ. Trong đó có 50 con đực và 400 con thỏ cái gồm các giống thỏ gốc Mỹ, Pháp, Đức, Hungari và New Zealand. Đây là những giống thỏ có trọng lượng cao gấp 2 lần so với giống thỏ địa phương.

10/10/2014
Doanh Nghiệp Úc Muốn Đầu Tư Nuôi 20.000 Con Bò Ở Quảng Ninh Doanh Nghiệp Úc Muốn Đầu Tư Nuôi 20.000 Con Bò Ở Quảng Ninh

Dự án cần diện tích từ 200 - 250 héc ta, quy mô chuồng trại khoảng 15.000 - 20.000 con bò thịt. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Dự án khi hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 200 - 300 lao động địa phương. Hiện đoàn đã tiến hành khảo sát địa điểm xây dựng tại hai huyện Hải Hà và Ba Chẽ.

10/10/2014
Su Su Sa Pa Rớt Giá Nông Dân Xót Lòng, Người Tiêu Dùng Nhăn Nhó Su Su Sa Pa Rớt Giá Nông Dân Xót Lòng, Người Tiêu Dùng Nhăn Nhó

Năm 2014 là thời điểm nông dân huyện SaPa (Lào Cai) nói chung và người trồng su su trên địa bàn nói riêng gặp nhiều khó khăn, khi đầu năm tuyết rơi, đến nay là sản phẩm nông nghiệp lại rớt giá. Thời điểm hiện tại, nông dân chỉ bán được quả su su cho tư thương với giá 800 - 1.000 đồng/kg.

10/10/2014
Tân Sơn (Bắc Kạn) Mùa Thu Hoạch Gừng Tân Sơn (Bắc Kạn) Mùa Thu Hoạch Gừng

Năm nay toàn huyện Chợ Mới trồng được hơn 80ha gừng, trong đó xã Tân Sơn chiếm hơn 90% diện tích. Năm nay, giá gừng đầu mùa khá cao, gấp 2 - 3 lần những năm trước, thương lái thu mua với giá trên 20.000 đồng/kg.

10/10/2014
Đậm Đà Hạt Tiêu Núi Cấm (An Giang) Đậm Đà Hạt Tiêu Núi Cấm (An Giang)

Đối với vùng núi Cấm (An Giang), tiêu được xếp trong nhóm đặc sản (trái su, sầu riêng, tiêu, quýt, măng…), thuộc loại nông sản mang lại giá trị kinh tế cao cho cư dân lập vườn đồi, vườn rừng. Dây tiêu ở đây chỉ trồng xen canh, diện tích nhỏ lẻ, sản lượng không nhiều. Thế nhưng, hương vị hạt tiêu núi Cấm rất riêng, không thua tiêu Phú Quốc hay tiêu khu vực Tây Nguyên.

10/10/2014