CEO ngoại chỉ ra 4 điểm đáng tiếc của nông nghiệp Việt Nam
Chia sẻ tại một hội thảo tổ chức giữa tuần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết:
Năm 2014, xuất khẩu nông sản đạt 30,8 tỷ USD, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nông nghiệp cũng là một ngành xuất siêu của Việt Nam.
Một tín hiệu vui là từ năm 2010 đến nay, lĩnh vực tư nhân đầu tư vào nông nghiệp tăng xấp xỉ 2 lần. Tuy vậy, Thứ trưởng Doanh cho biết: Đầu tư tư nhân vào nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp, quy mô rất nhỏ.
“Đặc biệt, thời gian gần đây, FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài – PV) vào nông nghiệp rất hạn chế, có sự chững lại. Cách đây 5 năm, tỷ trọng FDI vào nông nghiệp chiếm 5%, thì 3 năm gần đây, tỷ trọng này chỉ đạt được gần 0,5%”, ông Doanh nói.
Vì đâu tỷ trọng FDI vào nông nghiệp sụt mạnh đến vậy?
Ông Richard Gilmore – CEO Tập đoàn GIC, sáng lập viên kiêm Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu – đã chỉ ra rằng: Thực chất, nông nghiệp là một lĩnh vực cạnh tranh ở Việt Nam và đáng tiền để đầu tư.
“Tuy nhiên, khi nghĩ tới FDI, ai cũng nghĩ ra những ưu điểm, thuận lợi mà không nghĩ đến những hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn đầu tư ban đầu”, ông Richard nói.
Những hạn chế này, theo ông Richard, gồm:
Một là, nếu bước vào nông nghiệp Việt Nam, FDI phải làm sao để đầu tư được đến từng giai đoạn của chuỗi giá trị, tức đến tận hạ nguồn của chuỗi giá trị.
Điều này liên quan mật thiết đến mô hình đầu tư.
Hai là, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn nhiều điểm hạn chế.
“Trong 7 quốc gia ASEAN chúng tôi nghiên cứu, Việt Nam đứng thứ 5 về thời gian chuyên chở sản phẩm trong lãnh thổ Việt Nam cũng như thời gian cần để vận chuyển sản phẩm ra khỏi lãnh thổ quốc gia”, ông Richard cho biết.
“Việc mất nhiều thời gian vận chuyển sẽ ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả kinh doanh, gây thất thoát, thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn. Những ai từng làm hoạt động xuất khẩu có thể hiểu điều này”.
Điều kiện cơ sở vật chất như vậy cho thấy những hạn chế rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam muốn tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ba là, cần có hệ thống làm lạnh.
Để đầu tư cho hệ thống làm lạnh cần lượng đầu tư lớn cũng như kỹ năng quản lý.
Việc quản lý sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đặt ra những yêu cầu khác so với những gì nông nghiệp Việt Nam từng làm được cách đây 5 - 10 năm.
“Sẽ cần có nhiều quy định như an toàn thực phẩm chẳng hạn. Mặc dù nhiều cơ quan tổ chức đã triển khai việc này, nhưng chúng tôi vẫn rất quan ngại vì vấn đề này chưa được giải quyết triệt để”, ông Richard cho hay.
Bốn là, vấn đề gia nhập thị trường, tìm nguồn vốn ngắn và dài hạn.
Chúng ta cần có khả năng tiếp cận nguồn tài chính ngắn hạn nếu muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, còn có các công cụ tài chính cũng như các công cụ để phòng ngừa rủi ro như vấn đề bảo hiểm, công nghệ thấp trong nông nghiệp.
“Hãy nhớ khi nói về nông nghiệp ở bất cứ điểm nào trong chuỗi giá trị, chúng ta đều nói về hình thức sản xuất nông nghiệp thâm dụng vốn, từ hoạt động sản xuất đến đóng gói, bao bì…
Chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, không chỉ đáp ứng yêu cầu chất lượng trong nước mà còn cả yêu cầu của nước ngoài theo chuẩn quốc tế”, ông Richard nhấn mạnh.
“Yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng càng cao thì yêu cầu về tài chính cũng càng cao”.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lúa thu đông năm 2013, các mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trúng đậm. Năng suất lúa bình quân từ 6,5 - 7 tấn/ha, cá biệt có một số nơi lên đến 7,5 tấn/ha, tăng từ 0,5 - 1 tấn/ha so với các ruộng lúa không áp dụng mô hình CĐML.
Là địa phương có thế mạnh về trồng gừng, nhiều nông dân ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn - An Giang) vẫn kiên trì bám núi theo nghiệp trồng gừng, dù giá cả lên xuống thất thường.
Nhờ xuất khẩu thuận lợi đã kéo giá tôm nguyên liệu ở mức rất cao. Chiều 2-1, thương lái các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá 320.000 đồng/kg; loại 30 con/kg, giá 250.000 đồng/kg; loại 40 con/kg, giá 220.000 đồng/kg…
Trong đó, chi phí thức ăn từ 10.500đ tăng lên 17.880đ (gấp 1,7 lần) do hầu hết nguyên liệu sản xuất thức ăn đều được nhập khẩu từ nước ngoài; chi phí lãi vay ngân hàng từ 500đ tăng lên 1.880đ (gấp 3,76 lần).
Trong các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu, con tôm luôn là thế mạnh của Cà Mau. Những tháng cuối năm, giá tôm tăng cao, người nuôi tôm phấn khởi và tích cực đầu tư vào sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến các mô hình nuôi tôm bền vững như quảng canh cải tiến (QCCT), nuôi tôm sinh thái (NTST).