Nhà máy đường lo thiếu mía
Diện tích giảm mạnh
Là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ nên Tây Ninh tập trung 3 công ty sản xuất đường lớn, có tổng công suất gần 15.000 tấn mía cây/ngày.
Thế nhưng bước vào niên vụ sản xuất mía 2015 - 2016, theo thống kê, toàn tỉnh chỉ có 10.000 ha mía, giảm khoảng 1/2 diện tích so với niên vụ trước.
Người dân trồng mía tại đây cho biết, do vụ mía năm trước xuất hiện dịch sâu đục thân nên năng suất giảm, trong khi giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy lại thấp so với những loại cây trồng khác như cây lúa, thu nhập của người trồng mía lại không cạnh tranh bằng...
Ngoài ra, các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, vận chuyển... đều tăng từ 10 - 20% dẫn đến người trồng mía bị thua lỗ nặng nên họ đã “rủ nhau” chuyển sang trồng các loại cây khác.
Diện tích mía của Hậu Giang từ 12.300 ha giảm xuống còn 11.000 ha.
Trong niên vụ mía này tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diện tích trồng mía đang tụt dốc không phanh.
Khảo sát của ngành nông nghiệp các địa phương cho thấy, diện tích trồng mía đều đồng loạt giảm mạnh so với niên vụ trước.
Theo đó, tỉnh có diện tích trồng mía giảm nhiều nhất là Long An với hơn 1/3 diện tích, Sóc Trăng giảm khoảng 2.000 ha, Hậu Giang giảm từ 12.300 ha xuống còn gần 11.000 ha...
“Có diện tích trồng mía lớn nhất tỉnh với hơn 7.400 ha, nhưng hiện người dân huyện Cù Lao Dung đã chủ động chuyển đổi khoảng gần 60% diện tích sang trồng hoa màu và nuôi thủy sản nước lợ.
Như nhiều tỉnh thành khác, tốc độ giảm diện tích trồng mía ở tỉnh Sóc Trăng là rất lớn nhưng các doanh nghiệp chế biến đường lại chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu.
Điều này rất dễ xảy ra căng thẳng do thiếu mía nguyên liệu cho sản xuất khi vào vụ chế biến.
Trong khi đó, cây mía ở khu vực này lại rất khó để cơ giới hóa và chỉ có thể áp dụng những biện pháp tăng chất lượng đường và năng suất mía”, ông Đào Văn Sự, Phó chánh văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện các nhà máy đường đã thống nhất thu mua mía với giá sàn 860 đồng/kg (mía 10 chữ đường), cao hơn mức giá quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 119 đồng/kg.
Tuy nhiên, tình trạng tranh nhau thu mua mía nguyên liệu sẽ xảy ra khi các nhà máy đường bắt đầu vào cao điểm sản xuất.
Phản ánh của nhà nông cho thấy, hiện các doanh nghiệp đang cạnh tranh nhau bằng cách “xí phần”, tranh đăng ký trước vùng nguyên liệu... và giá thu mua mía nguyên liệu đang nhích lên theo hướng có lợi cho người trồng mía.
Sắp xếp lại ngành mía đường
Việc các nhà máy đường lo ngay ngáy thiếu nguyên liệu trong niên vụ này xuất phát từ thực tế phát triển quá “nóng” trong thời gian qua của ngành mía đường.
Theo đó, việc phát triển rất nhiều nhà máy đường sớm vượt công suất quy hoạch, trong khi nguồn cung nguyên liệu ngày càng có chiều hướng thu hẹp do giá thấp, chi phí cao... đã khiến nguồn cung đã thiếu nay còn thiếu hơn.
Ông Trương Văn Phỉ, Phó Giám đốc phụ trách nông nghiệp Công ty CP Mía đường Thành Công (Tây Ninh), cho hay để đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất, công ty đã sang Campuchia thuê đất trồng mía, đồng thời tổ chức ký kết với bà con trồng mía ở các tỉnh lân cận trong vùng.
Về lâu dài, doanh nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh để quy hoạch, đầu tư giống, khoa học công nghệ nhằm nỗ lực giảm giá thành, ổn định vùng nguyên liệu.
“Hiệp hội đã khuyến cáo các công ty sản xuất đường và nông dân cần nhanh chóng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao được năng suất, giảm giá thành.
Về lâu dài, ngành nông nghiệp sớm có quy hoạch lại ngành sản xuất mía đường theo hướng nâng cao giá trị cây mía, đáp ứng đủ lượng đường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Những nhà máy nhỏ dưới 1.000 tấn mía cây/ngày và vùng nguyên liệu nhỏ lẻ cần sớm cơ cấu lại theo hướng sáp nhập vào các nhà máy lớn hơn, vùng trồng mía kém hiệu quả nên chuyển sang cây trồng khác”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết.
Trong nỗ lực giúp ngành mía đường phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có dự thảo nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường.
Theo dự thảo, việc quyết định giá mua mía nguyên liệu sẽ do Sở Tài chính các tỉnh trồng mía và nhà máy đường đang hoạt động quyết định thông qua hiệp thương với doanh nghiệp và nông dân trồng mía.
Mía nguyên liệu cung cấp cho nhà máy phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dựa trên sự đánh giá chất lượng của các tổ chức độc lập với các nhà máy đường và người sản xuất mía.
Bộ cũng đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, vùng nguyên liệu phải đáp ứng công suất nhà máy; bảo đảm liền vùng, liền khoảnh, thuận lợi cho việc thực hiện những tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt và áp dụng cơ giới hóa.
Đồng bộ với quy hoạch vùng nguyên liệu là triển khai thực hiện dự án phát triển giống mía mới bằng việc nâng cao năng lực nghiên cứu lai tạo, chọn dòng giống mía lai thương hiệu Việt.
Hiện các Trung tâm khuyến nông quốc gia và các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất mía đường lớn đã tiến hành điều tra, thu thập số liệu, hướng dẫn chuyển giao quy trình “Thâm canh mía theo hướng công nghệ cao” cho người trồng mía.
Ngoài ra, ngành chức năng tổ chức vận động nông dân ở những vùng mía trọng điểm “dồn điền, đổi thửa”, cho thuê đất hình thành các vùng sản xuất mía quy mô lớn, tập trung, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành mía đường...
Có thể bạn quan tâm
Rồng đất (còn gọi là kỳ tôm hay càng tôm) sống trong môi trường hoang dã, là đặc sản của các nhà hàng ở Tây Nguyên thời gian gần đây.
Thông tin từ UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang), Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu cho HTX chăn nuôi thỏ Hợp Thành (Sơn Động).
Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.
Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.
Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.