Canh tác lúa giảm phát thải

Chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng được hình thành từ năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mong muốn xây dựng một khu vực nông nghiệp được công nhận là nhà SX hàng đầu về thực phẩm an toàn.
Vừa qua, tại Thái Nguyên, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa giảm phát thải với sự tham gia của đại diện các quốc gia đến từ 5 nước thuộc tiểu vùng Mê Kông là Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).
Phía chủ nhà Việt Nam có lãnh đạo một số cục, vụ, viện của Bộ NN-PTNT, đại diện ngành nông nghiệp một số địa phương tiêu biểu trong thực hiện canh tác lúa giảm phát thải.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN-PTNT cho biết, SX lúa gạo tại Việt Nam làm phát thải 27,8 triệu tấn khí thải CO2, chiếm 67% tổng lượng phát thải từ ngành nông nghiệp.
Theo công bố gần nhất thì Việt Nam bị xếp là quốc gia có tổng lượng phát thải nhà kính đứng thứ 31 trên thế giới.
Vì vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ với cá nước trong tiểu vùng để không ngừng giảm thiểu lượng phát thải từ canh tác lúa.
Từ đề dẫn nói trên, tham luận của các đại biểu tập trung vào việc đánh giá hiệu quả của các phương pháp canh tác, SX lúa gạo bền vững.
Theo đó, tại khu vực Đông Nam Á, hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) được đánh giá là một hướng tiếp cận mới với kỹ thuật thích hợp mang lại nhiều hy vọng cho bà con nông dân SX lúa có quy mô nhỏ; phương pháp canh tác nói trên vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
Theo đánh giá, SRI là tiếp cận theo hướng nông nghiệp sinh thái với 5 nguyên tắc: Cấy mạ non 1 dảnh/khóm; mật độ thưa thích hợp, không sử dụng thuốc trừ cỏ; làm cỏ sục bùn, sử dụng ít thuốc trừ sâu bệnh; quản lý nước phù hợp với nhu cầu cây lúa; giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ.
Canh tác lúa giảm phát thải đòi hỏi sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong tiểu vùng Mê Kông
Thực tế áp dụng phương pháp canh tác SRI đã tiết kiệm được 70 - 90% hạt giống, 30% phân bón hóa học, 50% công cấy, 40 - 50% nước tưới. Không sử dụng thuốc trừ cỏ, giảm lượng thuốc trừ sâu.
Trong chương trình, các đại biểu đã tham quan và dự hội thảo đầu bờ về phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) tại 2 huyện Phú Lương và Định Hóa (Thái Nguyên).
Kết quả là năng suất lúa tăng được 13 - 29%, lợi nhuận từ thay đổi phương pháp canh tác tăng từ 8 - 32%.
Đáp ứng yêu cầu giảm phát thải, canh tác lúa SRI sẽ giảm ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, làm giảm phát thải 4 tấn CH4/ha.
Quan trọng hơn, phương pháp canh tác đơn giản, hiệu quả, phù hợp với nông dân sản xuất quy mô nhỏ nhưng lại tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 1,5 triệu nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) với trên 500.000 ha thuộc 29 tỉnh, thành. SRI đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới và tặng thưởng danh hiệu Bông lúa vàng Việt Nam.
Thống nhất phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI là lựa chọn để thực hiện giảm phát thải, tham luận của các đại biểu tại hội thảo đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa quy mô, hiệu quả của phương pháp trên.
Các giải pháp tập trung vào việc đẩy mạnh nghiên cứu để hoàn thiện phương pháp canh tác; đẩy mạnh vận động, tuyên truyền; tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; xây dựng cơ chế hỗ trợ…
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, dịch heo tai xanh đã và đang xảy ra trên 8 tỉnh, thành phố trong cả nước chưa qua 21 ngày, trong đó có những tỉnh lân cận với Long An đang xảy ra dịch như Đồng Nai, Bình Dương. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, Long An là tỉnh có nguy cơ xảy ra dịch rất cao.

Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã có từ hơn 20 năm nay. Nhiều người dân đã làm giàu từ nghề này.

Ngày 27/5, ông Lê Hoàng Ngọc, Chủ tịch UBND xã An Chấn (Phú Yên) cho biết, hơn 17,8 triệu con ốc hương của 14 hộ dân trong xã thả nuôi từ 2 đến 7 tháng tuổi tại khu vực Hòn Chùa đã bị chết, ước thiệt hại 1,2 tỉ đồng.

Theo Sở Công Thương An Giang, giá thu mua cá tra trên thị trường toàn tỉnh liên tục giảm đã kéo theo giá cá tra bột, cá tra giống giảm theo.

Theo định hướng phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT thì mục tiêu là thì tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất tăng từ 70% hiện nay lên 95%; đối với khâu gieo trồng, chăm bón từ 25% lên 70%; khâu chế biến từ 30% lên 80%.