Cánh Đồng Liên Kết Giúp Ổn Định Đầu Ra
Ông Nguyễn Minh Tiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho hay: “Mô hình cánh đồng liên kết gắn với hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lúa trên địa bàn huyện bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Diện tích liên kết sản xuất từng bước mở rộng, đa số các doanh nghiệp tham gia liên kết đều có cung ứng đầu vào cho nông dân, tạo sự ràng buộc hơn giữa các bên tham gia liên kết, giúp người nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất, góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích”.
Trong năm 2014, toàn huyện triển khai thực hiện cánh đồng liên kết được 4.000ha tại các xã Phương Thịnh, Gáo Giồng, Phong Mỹ, Ba Sao, Tân Nghĩa, Mỹ Thọ và Tân Hội Trung với sự đồng hành của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV lương thực Tân Hồng, Công ty TNHH MTV KD và Xay xát lúa gạo Cẩm Nguyên, Công ty TNHH TM-DV Thiên Nhiên và Doanh nghiệp Xay xát Hữu Tài, Công ty TNHH MTV Hiếu Nhân, Cơ sở xay xát Hồ Văn Tràng. Đến nay, diện tích lúa ký hợp đồng tiêu thụ là 1.375,3ha (đông xuân 2013-2014: 751ha, hè thu 2014: 624,3ha)
Mô hình cánh đồng liên kết mang lại hiệu quả đáng ghi nhận là giúp nhiều nông dân tìm đầu ra nông sản. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng hoàn toàn như mong đợi. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, có sự chênh lệch khá lớn giữa hợp đồng liên kết và diện tích thực tế được tiêu thụ. Đơn cử mùa vụ đông xuân 2013-2014, hợp đồng tiêu thụ là 2.873ha, trong khi diện tích tiêu thụ thực tế chỉ có 750ha.
Theo ông Nguyễn Minh Tiền, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc chưa gặp nhau giữa người nông dân và doanh nghiệp là giá cả. Một số công ty ký hợp đồng với hợp tác xã không có ràng buộc đầu vào cho các hộ sản xuất, nên khi giá lúa biến động hai bên ít chịu thương lượng và kết quả không thực hiện được hợp đồng. Mặt khác, khi giá lúa đang lên hoặc ở mức cao, người dân không muốn bán cho công ty. Ngược lại, khi giá lúa đang xuống công ty lại chờ giá xuống thêm.
Hình thức thu mua cũng là vấn đề gây trở ngại. Một số doanh nghiệp tổ chức thu mua tại nhà máy trong khi nông dân lại ưa chuộng hình thức bán lúa tươi tại ruộng. Ngoài ra, năng lực quản lý, điều hành hoạt động của các hợp tác xã chưa đủ mạnh, công tác ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, thực hiện các dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào chưa đáp ứng yêu cầu và tình hình thực tế. Nông dân chưa nhận biết đầy đủ lợi ích của việc tham gia cánh đồng liên kết, vẫn còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải mua với giá cao.
Dự kiến trong năm 2015, huyện sẽ triển khai thực hiện trên 5.000ha cánh đồng liên kết. Định hướng giai đoạn năm 2016 - 2025, sẽ triển khai thực hiện khoảng 18.500ha cánh đồng liên kết.
Có thể bạn quan tâm
Xã Nhơn Lý có trên 55% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Toàn xã có trên 332 tàu thuyền, trong đó có 14 tàu thuyền đánh bắt xa bờ, số còn lại chuyên đánh bắt ở ngư trường trong tỉnh.
Theo ngư dân xã An Ninh Đông, mùa vụ khai thác tôm hùm giống từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Đây là vụ khai thác tôm hùm giống trúng đậm nhất từ 3 năm trở lại đây ở địa phương này.
Ở khía cạnh xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ ở các nước đang có phần khởi sắc hơn. Tuy nhiên, giá xuất khẩu cũng mới có dấu hiệu tăng nhẹ. Điều này một phần còn chịu ảnh hưởng khá lớn từ tình trạng cạnh tranh quyết liệt về giá bán giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước.
Thời gian qua, tuy Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang, song tình trạng ngư dân dùng ngư cụ bị cấm như: Xung điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại... để khai thác thủy sản vẫn tiếp tục xảy ra.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, chiều ngày 6-3, tỉnh đã họp và quyết định sẽ công bố dịch cúm gia cầm tại xã Mã Đà và Thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).