Cánh Đồng Hoang Nửa Thị Xã Bỏ Vụ Mùa
Chẳng những Bí thư mà Phó Bí thư, Phó Chủ tịch cùng hàng loạt cán bộ khác trong xã đứng ra gương mẫu làm vụ lúa mùa đều chịu thất bại thảm hại.
Chuyện bà nông dân
Bà Phạm Thị Khá ở xóm Yên Phong (Yên Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn thỉnh thoảng vác cuốc ra đồng như một thói quen khó bỏ. Mỗi lần ra, bà lại rên rẩm, than trời về những cánh đồng hoang quê bà cỏ vòi voi, cỏ lồng vực mọc ken dày như lau sậy.
Bà Khá đã trải qua ba đời đế quốc Pháp, Nhật, Mỹ nên thấm thía lắm chuyện tấc đất tấc vàng, mỗi hạt thóc đều là hạt ngọc. “Ai cũng phải ăn cơm mà sống chứ không thể ăn được đá, được sỏi”. Bà luôn miệng động viên đám con cháu nhà mình như vậy mỗi khi thấy cái cuốc, cái cày trong tay chúng bị lơ là.
Chỉ đến khi cả làng, cả xã đều không cấy ruộng vụ mùa nữa, mương máng bị bịt nước nôi không có chỗ dẫn chỗ tiêu, cả cánh đồng hoang bao sâu bệnh dồn lại mảnh ruộng nhà gây thất bát bà mới đành phải bỏ. Thấm thoắt thế mà đã ba vụ mùa rồi ruộng hoang như thế.
Gặp tôi, tưởng là cán bộ ở trên về nắm tình hình nên bà níu lại mà bức xúc ra mặt: “Chúng tôi đang bị chết đói lây đây các ông ơi! Người ta bảo vụ mùa sâu bệnh, chuột bọ lắm nhưng đến thằng Pháp, thằng Mỹ mình còn thắng được chẳng lẽ lại thua cả con chuột, con sâu? Người ta bảo không cấy vụ mùa vẫn còn vụ lúa chét để mà ăn nhưng như chúng tôi đây nào có được nổi một hạt thóc”.
Trên cánh đồng làng Yên Đồng một bóng phụ nữ luống tuổi đang lầm lụi. Thân ngập trong bùn và cỏ dại, lưng khom gập xuống bờ, mặt người là là mặt bèo, chị móc từ trong hang ra những con cua bé chỉ bằng độ ngón chân cái.
Chị là Lụa, Phạm Thị Lụa, người nông dân có năm sào ruộng tốt. Kể từ khi toàn dân bỏ hóa vụ mùa, ruộng nào nhắm có thể thả cá được sẽ được chủ ao trả cho 5 kg/sào gọi là phụ giúp công đắp lại bờ sau một vụ nuôi. Cá thả một hai năm đầu còn cho thu hoạch nhưng đến năm thứ ba, thứ tư thân cứ ngẳng ra như một bắp ngô cọc, chẳng chịu lớn cho. Người bảo do giống kém, người đổ cho đồng ruộng đã hết màu. Cánh đồng Yên Đồng trước có 8 hộ mướn ruộng nuôi cá giờ chỉ còn 4 hộ còn duy trì thập thõm, lời lãi chẳng được bao lăm.
Ai đời, bảy tám tháng ăn bờ, ngủ bụi, đầu tư bao công sức trông coi nhưng cuối vụ tiền lãi thu về chia đều mỗi tháng không được quá 500.000đ/người. Đó là số còn may chứ nhiều người nuôi cá còn rước nợ vào thân như thằng con chị Lụa.
Nó thả cá vụ rồi thua lỗ trắng tay nên bỏ vào Nam chấp nhận làm nghề cửu vạn. Đã hơn một năm rồi nó không dám về quê cũng chẳng thấy gửi tiền nong gì, bỏ lại vợ dại với hai đứa con thơ, đứa nhỏ còn chưa có một ký ức nào về mặt mũi người bố.
Ngày ngày con dâu đi Cty, chị Lụa ngoài trông cháu còn làm cỏ, bứt dứa thuê hay mò cua, bắt ốc ngoài đồng hoang. Khác với bà Khá, nói đến chuyện bỏ lúa vụ mùa chị ủng hộ nhiệt tình bởi vì hiệu quả không có. Cái thôn Yên Đồng nhà chị từng nổ ra hàng chục cuộc họp gay gắt để vận động dân cấy lúa vụ mùa nhưng đều thất bại cả. Như bệnh ung thư đã đến hồi di căn, từ thôn Yên Đồng nạn bỏ vụ mùa đã lây lan ra hết thảy thôn trong xã.
Chuyện ông Bí thư
Đem những phận người lấm lem bùn đất ấy vào câu chuyện kể với ông Nguyễn Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã tôi ngờ đâu chính ông cũng là một nạn nhân của chuyện bỏ ruộng.
Cũng như bao cán bộ xã khác vợ Bí thư cũng là một nông dân chân chỉ hạt bột. Nhà ông đông khẩu nên có tới 1,7 mẫu ruộng. Khi toàn dân đã bỏ vụ mùa, ông vẫn chỉ đạo thậm chí “ốp” vợ con làm quyết liệt. Vụ mùa năm 2013 lép nhiều hơn chắc, mỗi sào chỉ được 50 kg trong khi chi phí đầu tư từ khi làm đất đến khi thu hoạch lên tới 1 triệu. Lỗ chỏng, lỗ chơ, hụt vào tiền gà, tiền lợn của nhà mất trên 10 triệu. Vợ tiếc của chì chiết. Con dâu tiếc công ca thán. Cái tai ông chẳng mấy khi được nhàn mỗi khi trở về nhà.
Chẳng những Bí thư mà Phó Bí thư, Phó Chủ tịch cùng hàng loạt cán bộ khác trong UBND xã đứng ra gương mẫu làm vụ lúa mùa đều chịu thất bại thảm hại như thế cả. Đó là chưa kể hai vụ mùa trước cũng chẳng có thu nên vụ mùa năm 2014 ai cũng buông xuôi, giã từ cày cuốc.
Một địa phương có diện tích đất lúa lên tới gần 400 ha như Yên Sơn nên bỏ ruộng không phải là chuyện đùa. Trước đó, trên đã đổ ra nhiều tiền của đầu tư cải tạo hồ Mang Cá, hồ Lì, hồ Đồi Bống, hồ Sòng Cầu, trạm bơm tiêu, kênh cấp một cùng kênh tưới. Trước đó, xã đã thử tất cả khung thời vụ từ mùa sớm, mùa trung đến mùa muộn, các giống lúa lai đến lúa thuần, các cách đánh chuột, phòng sâu...Kết quả của sự cố gắng ấy cuối cùng chỉ đạt được năng suất lúa trung bình 40-50kg/sào.
Không cấy lúa thì phủ xanh đồng bằng rau màu? Yên Sơn vừa rồi đang trồng thử nghiệm mấy héc ta ngô ở vụ mùa. Cán bộ HTX, cán bộ nông nghiệp thị xã xúm vào chỉ đạo nhưng tới giờ cỏ mọc còn tốt gần bằng ngô. Xem ra kết quả không nói ai cũng đã đoán trước được.
Chẳng phải đợi đến tận lúc nông dân bỏ ruộng mà cách đây gần 20 năm xã cũng đã thử đưa cây ngô đông vào. Người ta cặm cụi lên luống cho đất rồi đặt bầu. Được dăm bữa, nửa tháng, cây ngô nào cũng lụi vàng, thối rễ rồi chết. Xứ đồng lầy thụt như ở đây chỉ hợp nhất với cây lúa nên cây màu nào đưa xuống không chóng thì chầy đều thất bại như vậy cả.
Tôi hỏi ông Bí thư rằng trước đây vụ mùa có lỗ nhiều như vậy không ông bảo lỗ nhưng dân vẫn làm. Thấy tôi có vẻ không hiểu, ông phân tích: Trước ngày công cấy hái, gặt thuê chỉ 50.000-70.000đ nay đã 150.000-200.000đ. Trước không làm lúa nông dân chẳng biết làm gì giờ nhà máy, xí nghiệp mọc ra như nấm bỏ ruộng vẫn làm được công nhân, mà cho dù không đủ tuổi đi công nhân vẫn làm tự do kiếm sống được.
Nông dân chán ruộng là phải. Ở Yên Sơn không hiếm chuyện mua bán đất đai với giá rẻ như bèo 5-6 triệu/sào mà tìm mối bán còn khó. Toàn giao dịch kiểu sang tay, kiểu dấm dúi, xã biết thừa đi nhưng không thể can thiệp.
Ông Thân bảo: “Ruộng đất đang có giá quá rẻ mạt! Chúng tôi rất buồn bởi tới giờ vẫn không nghĩ ra được cách chuyển đổi hiệu quả hơn cho bà con… Đất đai muôn đời vẫn là cái cơ bản nhất đối với người nông dân. Tôi tin, nông dân không thiết tha với ruộng đồng chỉ là thiểu số và chỉ ở thời điểm này mà thôi”.
Ở cái thị xã con con này, ngoài Yên Sơn còn Yên Bình, Đông Sơn, Tân Bình đều bỏ ruộng vụ mùa như vậy cả. Ước tính trong khoảng 500 ha cấy được lúa vụ này có chừng nửa diện tích bị để hoang hóa. Muốn có một con số thật cụ thể, muốn biết được dù chỉ một tia sáng cuối đường hầm gỡ thế bế tắc cho tình trạng bỏ ruộng trong hai ngày ở Tam Điệp tôi qua văn phòng UBND rồi phòng Kinh tế mấy bận.
Ở đâu tôi cũng cảm nhận được một thái độ dè dặt. “Vấn đề tế nhị quá anh ạ! Để từ từ chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo”. Thấy tôi ngơ ngác chưa hiểu, một người còn rỉ tai bảo rằng: Vụ mùa năm ngoái một lãnh đạo xã trót nói về chuyện mấy héc ta ruộng hoang mà còn bị lãnh đạo cấp trên “cạo” lên, “cạo” xuống.
Có thể bạn quan tâm
Đồng thời, hỗ trợ 30% hóa chất sát trùng chuồng cho các hộ nông dân tham gia mô hình. Các hộ nông dân tham gia mô hình được các kỹ sư, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, xây dựng chuồng và khu vực thả vịt hợp vệ sinh.
Trên vùng cát hoang trước đây ở xã Hải Quế, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) vốn rất khó để canh tác cây trồng, đây cũng là trăn trở lớn đối với địa phương.
Nhiều năm qua, ở huyện Sơn Hòa (Phú Yên) không xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc. Để có địa bàn “sạch bệnh” các ngành, các cấp, người dân ở đây đã triển khai có hiệu quả nhiều biện pháp phòng bệnh.
Thời gian qua, nhiều nông dân thu hoạch mủ cao su theo kiểu tận thu, dẫn đến vắt kiệt sức cây cao su. Bên cạnh đó, việc chăm sóc vườn cao su chưa hợp lý làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây.
Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện dự án liên tục đến năm 2017.