Trứng Thật Trứng Giả Vòng Quay Của Những Tin Đồn
Tin đồn tưởng chỉ độc quyền ở mồm miệng dân đen, ở quán cóc vỉa hè giờ bỗng chễm chệ, hiện hình trên các phương tiện truyền thông nhất là cộng đồng báo mạng khiến cho độc giả co rúm lên sợ hãi vì không biết mình sẽ phải ăn gì, mặc gì, dùng gì cho khỏi bị ngộ độc…
Mới đây một số báo điện tử đã đồng loạt đăng tải bài viết “Trứng gà bóp không vỡ, đốt cháy khét xuất hiện ở Hà Nội”. Dư luận hoang mang, lo lắng. Tình hình tiêu thụ trứng gà giảm sút rõ rệt.
Sự việc trầm trọng đến mức Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản đã phải ra công văn chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội ngay lập tức thành lập đoàn kiểm tra chuyên ngành xuống hiện trường xác minh nhân vật trong bài viết.
Bản thân người phản ánh thông tin là chị Úy Thị Ngọc Yến ở địa chỉ 153 Bạch Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng hết sức bất ngờ trước mức độ của sự việc.
Có thể tóm tắt như sau: Ngày 26/7/2014 gia đình chị Yến có việc riêng nên cần sử dụng trứng gia cầm để làm sa lát. Một người cậu của chị Yến đem đến cho chị 9 quả trứng gia cầm (4 quả trứng gà, 5 quả trứng vịt). Sau khi luộc trứng, bóc ra, chị nghi ngờ 2 quả trứng gà là giả dù trông bề ngoài chúng không khác gì trứng gà bình thường nhưng bên trong lòng đỏ dẻo quánh, bóp mạnh không bị vụn vỡ mà chỉ nứt ra như bị rách, lấy lửa đốt thì bắt lửa cháy xèo xèo, khét lẹt như mùi nhựa cao su.
Vì đã từng đọc rất nhiều thông tin về trứng gà giả, nhất là những video clip về chuyện sản xuất trứng giả ở Trung Quốc nên chị càng tin chắc chuyện đó và đưa thông tin lên facebook “Hội làm cha mẹ” - một diễn đàn mở trên internet để chia sẻ với các thành viên của diễn đàn.
Không ngờ chỉ sau đó ít lâu, hàng loạt các trang mạng như (tienphong.vn, baomoi.com…) lấy thông tin trên facebook “Hội làm cha mẹ” để đăng tải lại mà các tác giả không thèm liên hệ và xin phép chị trước.
Có nhiều thông tin trên báo chưa chính xác, không đúng với các thông tin mà chị Yến đã đưa như: Cậu của chị là người bán bánh mỳ chứ không phải là người buôn bán trứng, cậu chị hiện ở quận Hoàng Mai và không lấy trứng gà của một trang trại ở ngoại thành mà lấy của nhiều đầu mối vãng lai.
Người có tên là Lê Hằng trong bài viết được nói là bạn của chị Yến hiện đang sống ở Trung Quốc và thỉnh thoảng có mua phải loại trứng như trên thực tế không phải là bạn của chị Yến mà chỉ là một thành viên của facebook “Hội làm cha mẹ”.
Tại thời điểm kiểm tra, xác minh thông tin, gia đình chị Yến không còn lưu giữ số trứng nêu trên, do vậy đoàn kiểm tra không lấy được mẫu để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên đoàn cũng lấy ngẫu nhiên 10 quả trứng (5 quả trứng gà và 5 quả trứng vịt) kinh doanh trên địa bàn để luộc kiểm tra chất lượng, kết quả kiểm tra cảm quan hoàn toàn bình thường.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Mậu Hải - Chi cục phó Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho biết ngay từ lúc tiếp cận thông tin trên đã nghĩ chắc trong đầu là tin đồn rồi bởi: Trứng giả để đạt đến độ tinh vi, công sản xuất có khi còn cao hơn giá trứng thật.
Trong khi trứng thật hiện bán ê hề, giá rất rẻ mà nhiều khi còn ế thì dại gì ai lại đi sản xuất trứng giả. Dù biết là thế nhưng cơ quan chức năng vẫn phải vào cuộc để xác minh vì đó là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Nếu thông tin đó đúng sẽ có biện pháp xử lý kịp thời, nếu không đúng phải có thông tin lại để cho xã hội đỡ hoang mang.
Cũng theo ông Hải, với sự giúp đỡ tham vấn của các nhà chuyên gia chăn nuôi đều cho biết lòng đỏ trứng bị cứng trong quá trình bảo quản cũng là điều bình thường, lòng đỏ có màu sắc đậm hoặc nhạt hơn cũng vậy. Còn chuyện lòng đỏ trứng đốt cháy xèo xèo là bởi có hàm lượng dinh dưỡng cao, có nhiều protein, khi đốt có mùi khét.
Ngay cả móng tay, móng chân khi đốt cũng có mùi khét như thế. Bởi lấy lại những thông tin không chính thống, khai thác theo xu hướng giật gân mà không tham khảo ý kiến cơ quan chuyên môn đã gây một hậu quả xấu cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.
Xoài giả, trứng giả, mực giả, nuôi cua bằng băng vệ sinh, trong sữa bột có đỉa, vải Trung Quốc xuất vào Việt Nam, người ngoài hành tinh vừa ghé thăm Hà Nội… Hàng loạt những tin giật gân, hàng loạt những cái tít rùng mình ấy đang là những con “ngáo ộp” hàng ngày, hàng giờ nhảy ra từ các phương tiện truyền thông đại chúng xuống hù dọa mọi người.
Nháo nhào vào cuộc, cấp tập kiểm tra nhưng rốt cuộc mọi chứng cứ đều hư ảo, chỉ lòng tin và tổn hại kinh tế là có thực. Mà mất lòng tin thì nào có chết ai?
Có thể bạn quan tâm
Sở NN&PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức hội thảo khởi động dự án khôi phục rừng ngập mặn thông qua mô hình nuôi tôm bền vững và giảm phát thải ở Cà Mau.
Heo, gà, vịt, cá tra… kéo nhau rớt giá, cộng với dịch bệnh hoành hành trên diện rộng khiến hàng loạt hộ chăn nuôi ở ĐBSCL rơi vào cảnh lao đao. Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, do đó “cứu” ngành chăn nuôi đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Theo thống kê của Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành (Đồng Tháp), toàn huyện có trên 1.200 ha trồng cây có múi, trong đó diện tích bưởi bị sâu đục trái là 52ha (chiếm 40% diện tích), hiện tượng xì mủ do sâu đục trái cũng đã lây lan qua nhiều loại cây có múi khác như: cam sành, chanh, quýt. Trước thực trạng này, nhiều nhà vườn đã áp dụng biện pháp bao trái để phòng trừ và bước đầu đã thành công.
Tại hầu hết các quốc gia khu vực châu Phi, ngành nuôi trồng thuỷ sản, nhất là cá nước ngọt không phát triển do đó phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong khi đó, nguồn cung cá tra trong nước dồi dào với mức giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực này. Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như cá basa, tra, tôm sang thị trường khu vực đã không ngừng tăng trong những năm qua
Thời điểm này ở Quảng Ninh, tại khu vực bãi triều thôn Nam, mặc dù đang vào chính vụ thu hoạch nghêu nhưng đến đây chúng tôi thấy chỉ có lác đác một số hộ thu với số lượng nhỏ để bán lẻ tại các chợ, một số hộ khác đang nhặt ngao chết, nghêu quá lứa để tránh tình trạng nghêu chết hàng loạt.