Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Tẩy Não, Thay Máu Ngành Điều

Cần Tẩy Não, Thay Máu Ngành Điều
Ngày đăng: 26/03/2014

Đấy là cách ví von của một số đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chuyên đề Phát triển Điều bền vững tổ chức tại Bình Phước ngày 20/3 vừa qua khi họ nhấn mạnh đến việc cần thay đổi tư duy, cách làm cho cây điều sắp tới.

CÂY ĐIỀU PHẢI TỰ THẮNG

Theo thống kê, diện tích cây điều của cả nước chỉ còn 310.000 ha (giảm 129.000 ha), năng suất bình quân 0,91 T/ha và sản lượng chỉ đạt 285.000 T. Sự suy giảm của cây điều không những diễn ra ở duyên hải miền Trung, nơi giá trị phòng hộ được coi trọng hơn giá trị kinh tế, ở Tây Nguyên, nơi có những đợt lạnh đúng vào mùa ra hoa thụ phấn của điều, mà còn xảy ra ở ngay thủ phủ “quả điều vàng” - Bình Phước.

Theo Sở NN-PTNT Bình Phước, diện tích cây điều của tỉnh này chỉ còn 139.000 ha, giảm 32.000 ha, sản lượng đạt 140.000 T, giảm 16.000 T, năng suất 1,07 T/ha, giảm 0,16 T/ha. Lý do trực tiếp để xảy ra tình trạng trên là do thu nhập từ cây điều đều kém so với một số cây trồng khác (bình quân chỉ đạt 5,02 triệu/ha/năm ở duyên hải Nam Trung bộ, 8,76 triệu ở Tây Nguyên và 14,02 triệu ở Đông Nam bộ).

Đã có nhiều cuộc họp phân tích nguyên nhân: Cây điều chủ yếu được trồng trên đất xấu, dốc; nông dân vẫn trồng điều theo lối quảng canh; vườn điều già cỗi nhiều sâu bệnh; cây điều đã hoàn thành sứ mệnh khai hoang…

Theo TS Hoàng Quốc Tuấn, GĐ Trung tâm Quy hoạch Nông nghiệp (Phân viện Quy hoạch và thiết kế NN miền Nam), người có 30 năm gắn bó với cây điều, nếu cây điều muốn có chỗ đứng bền vững thì tự nó phải có tính cạnh tranh cao, năng suất bình quân phải đạt 1,5 T/ha, các vùng điều tập trung phải đạt ít nhất 2T/ha.

Ông Thủy, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập có 10 ha, trong đó có 5 ha năng suất đạt 4-5 T/ha. Để có được vườn điều đấy, ông Thủy đã tự chọn lấy cây đầu dòng và ghép cải tạo dần trong 3 năm liền. Không chỉ ông Thủy mà còn nhiều vườn điều khác ở Định Quán, Xuân Lộc (Đồng Nai), Phước Long, Bù Đăng (Bình Phước) vẫn có năng suất 4 T/ha trong nhiều năm liền với giống thực sinh cũ.

Bởi vậy việc tập trung nguồn lực để xây dựng vùng điều thâm canh, tạo điều kiện cho các công ty chế biến kinh doanh điều có vùng nguyên liệu ổn định như các cây trồng lâu năm khác là điều không thể khác. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu (như mía đường) còn là giải pháp hữu hiệu trong việc hạn chế tranh mua tranh bán, ép giá nông dân như từng xảy ra gần 20 năm nay.

CHÚ TRỌNG BÌNH TUYỂN CÂY ĐẦU DÒNG TẠI CHỖ

Năm 2013, phần lớn nông dân Bình Phước buồn vì giá cao su quá thấp, nhưng bù lại trúng mùa điều. Xã Minh Lập, huyện Chơn Thành – Bình Phước, còn một số diện tích điều mà năm ngoái, năm kia chưa kịp chặt thì năm nay hầu hết đều đạt năng suất 2-3 T/ha. Với năng suất đấy họ đều có lợi nhuận khá hơn nhiều so với cao su.

Các nhà vườn đều cho biết, giống của họ vẫn là giống thực sinh trồng từ 20 năm trước, cũng không áp dụng biện pháp kỹ thuật gì mới mà chủ yếu nhờ trời, năm nay mưa dứt trễ hơn, không bị mưa trái vụ nên điều trúng.

Ông Phạm Văn Đon, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Phước cho biết: Cái khó nhất của canh tác điều là rủi ro quá lớn. Với những cây trồng khác như cao su, hồ tiêu, lúa… thì nông dân có thể ước được năng suất khi đầu tư công sức, phân bón và thuốc BVTV, còn cây điều thì không thể nên không có ai dám mạnh dạn đầu tư cho điều mà chỉ làm cầm chừng, trời cho được thì nhờ, còn trời bắt mất thì thiệt hại cũng không nhiều.

Rủi ro do thời tiết trái vụ không thể xảy ra trên diện rộng, bởi vậy với những nơi có tiểu khí hậu ổn định như Phước Long, Bù Gia Mập, thì năm trúng nhiều hơn năm thất. Chính vậy mà cây điều ở đó vẫn có tính cạnh tranh cao, vườn điều ở các huyện đấy vẫn là nơi tập trung chủ lực của tỉnh.

Bởi chịu nhiều tác động của tiểu khí hậu nên giống cho điều không chỉ phổ biến theo kiểu “giống quốc gia”, “giống khu vực” như các giống cây trồng khác mà cần đặc biệt chú ý đến cây đầu dòng tại chỗ.


Có thể bạn quan tâm

Triển vọng từ mô hình nuôi rạm Triển vọng từ mô hình nuôi rạm

Trong những năm gần đây lĩnh vực Chăn nuôi, Thủy sản đã có những sự chuyển dịch đáng kể về quy mô cũng như các đối tượng nuôi.

09/08/2023
Thoát nghèo nhờ biết trồng thâm canh chuối tiêu hồng Thoát nghèo nhờ biết trồng thâm canh chuối tiêu hồng

Đồng bào dân tộc quanh xã A Ngo, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị lần đầu tiên thấy trồng chuối có bón phân, bao buồng, toàn bộ ruộng chuối trổ hoa cùng một lúc.

18/09/2023
Hiệu quả từ chăn nuôi lợn sinh học Hiệu quả từ chăn nuôi lợn sinh học

Từng trải qua giai đoạn suýt phá sản vì bệnh dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên, Hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) vẫn đứng vững.

18/09/2023
Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê Phát triển kinh tế từ mô hình nuôi dê

Với quyết tâm làm giàu cùng với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, bác Vũ Văn Sai thôn Tô Xuyên, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình đã xây dựng.

18/09/2023
Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình ‘con tôm ôm sò huyết’ Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình ‘con tôm ôm sò huyết’

Với những lợi thế chi phí đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao, thân thiện với môi trường, qua hơn 10 năm áp dụng, mô hình nuôi sò huyết xen canh với tôm.

07/10/2023