Bán gạo giỏi như người Campuchia
Theo đài VOA Campuchia , đáng chú ý, dù mới chỉ tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới chưa được 5 năm, nhưng gạo Campuchia hiện đã xuất sang 53 nước trên thế giới, bao gồm nhiều nước phát triển.
Cụ thể, đó là 26 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Canada, một số nước Trung Đông, một số nước thuộc ASEAN như Malaysia, Indonexia và Singapore, ngoài ra là Trung Quốc, các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông…
Tính toán của báo Khmer Times cho thấy, nếu tính theo tỷ lệ phần trăm, 67% gạo xuất khẩu của Campuchia vào thị trường châu Âu, 11% vào châu Á và 27% đến các thị trường khác.
Trong khi đó, đối với Việt Nam, các thị trường xuất khẩu gạo chính sau 20 năm Việt Nam gia nhập thị trường gạo thế giới vẫn chỉ là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Bangladesh, Sri Lanka và châu Phi.
Không chỉ xuất khẩu tới nhiều thị trường, gạo Campuchia còn có giá cao.
Số liệu từ Liên đoàn Gạo Campuchia cho thấy, gạo thơm jasmine cao cấp 5% tấm của nước này hiện có giá 850 USD/tấn, gạo jasmine loại thường 5% tấm có giá 720 USD/tấn...
Mức giá này cao hơn rất nhiều so với mức giá gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam, thường chỉ quanh ngưỡng 600 USD/tấn với điều kiện thanh toán tương đương.
Còn theo thống kê của Oryza, website chuyên thống kê về giá gạo thế giới, giá gạo xuất khẩu Việt Nam thấp hơn Campuchia ở tất cả các chủng loại, từ gạo trắng hạt dài cao cấp, cho đến gạo thơm hạt dài loại cao cấp và loại thường.
Đối với gạo thơm hạt dài, gạo Phka Mails của Campuchia có giá đến 840 USD/tấn, gần gấp đôi mức 465 USD/tấn của gạo cùng loại của Việt Nam.
Năng suất gạo của Campuchia khoảng 3 tấn/ha, dù chưa cao như Việt Nam, nhưng bán được giá cao vượt trội.
Bí quyết
Thành công trong sản xuất gạo của Campuchia đã được nhiều chuyên gia nhắc đến từ thời kỳ khủng hoảng lương thực thế giới năm 2008. Năm đó, trong lúc tình trạng thiếu lương thực xảy ra ở nhiều quốc gia, thì Campuchia vẫn liên tục duy trì thặng dư lúa gạo.
Trong vòng 10 năm từ 1987 đến 1997, Campuchia đã tích cực phát triển đa dạng nhiều giống lúa, cải thiện hoạt động tưới tiêu, sản lượng gạo của nước này nhờ thế tăng lên mức kỷ lục, dẫn đến tự chủ về cung cấp gạo và sau đó là xuất khẩu ra thế giới.
Campuchia được coi như một trong những câu chuyện thành công nhất thế giới của việc áp dụng công nghệ từ cuộc cách mạng xanh. Năm 2014, nước này có thặng dư tới 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu.
Campuchia còn thiết lập cả một hệ thống thông tin thống nhất và tổng thể để theo dõi giá cả các loại hàng hóa nông nghiệp trong cả nước. Chi tiết giá cả hàng hóa nông nghiệp được cập nhật hàng ngày trên tivi, đài phát thanh.
Chính phủ đồng thời thành lập một trung tâm cung cấp thông tin giá cả hàng hóa nông nghiệp qua tin nhắn điện thoại. Cụ thể, mỗi ngày người dùng sẽ được cung cấp từ 300 đến 400 giá cả các loại hàng hóa, trong đó có giá gạo, từ khoảng 16 khu vực khác nhau trong nước.
Thành công trong sản xuất, Campuchia tiến đến đa dạng thị trường xuất khẩu ngay từ đầu. Nỗ lực và thành công của Campuchia đã nhận được đánh giá cao từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). OECD cho rằng Campuchia đã thành công trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sau thời kỳ khủng hoảng tài chính, khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2008.
Năm 2010, Chính phủ Campuchia đã đưa ra hẳn một chương trình hành động phối hợp giữa nhà nông, các công ty kinh doanh xuất khẩu gạo, các đối tác nhập khẩu để giảm được tối đa các loại chi phí vận chuyển, kho bãi, lập ra các quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
Đồng thời, Chính phủ cũng khẳng định rõ ràng mục tiêu chỉ sản xuất hai dòng gạo chính là gạo trắng và gạo thơm giá cao. Ngoài ra, là chương trình tái cơ cấu tài chính cho Ngân hàng Nông nghiệp Campuchia cũng như một số ngân hàng khác để hỗ trợ các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho người dân và doanh nghiệp tham gia kinh doanh gạo.
Chính phủ đồng thời hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong việc tham gia quảng bá sản phẩm gạo Campuchia ở nước ngoài. Có không ít hội chợ chỉ có duy nhất Campuchia và Thái Lan tham gia.
Campuchia đồng thời cũng luôn muốn tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu. Chính phủ cử người trực tiếp đến tìm hiểu nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại Anh, Mỹ, các nước châu Âu. Họ ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp với các công ty nhập khẩu và bán lẻ.
Một thống kê từ Liên hiệp quốc vào năm 2011 cho thấy lượng đất canh tác được của Campuchia lớn hơn Việt Nam và Lào. Trong bối cảnh nhu cầu thế giới vẫn tăng trong khi sản xuất gạo của nhiều nước xuất khẩu lớn như Thái Lan và Việt Nam đã gần đạt mức tới hạn, sản xuất gạo của Campuchia vẫn còn tiềm năng phát triển tốt.
Thách thức
Dù đạt được nhiều thành công, nhưng Campuchia vẫn đối mặt một số vấn đề. Trước tiên, là tình trạng xuất lậu gạo sang các nước láng giềng, bao gồm Thái Lan và Việt Nam.
Tính toán của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy trong năm 2015, ước tính có khoảng 1,1 triệu tấn gạo Campuchia đã bị xuất khẩu (bằng cả con đường chính thức và không chính thức) qua các cửa khẩu biên giới sang Thái Lan và Việt Nam, tăng hơn 10% so với mức 1 triệu tấn của năm 2014.
Ngoài ra, gạo Campuchia còn đang đau đầu với vấn đề tên gọi.
Hiện nước này đang xuất đến 6 loại gạo thơm với tên gọi khác nhau, khiến các nhà xuất khẩu gặp khó trong việc tiếp thị.
Chính phủ Campuchia đã đề xuất sử dụng tên gọi “Cambodia Jasmine Phka Rumduol” cho tất cả các dòng gạo thơm, nhưng phía các nhà xuất khẩu gạo vẫn cho rằng tên này chưa đủ mang tính đại diện.
Có thể bạn quan tâm
Giá gà nhập khẩu vào các siêu thị rẻ, lượng nhập lớn, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều rủi ro trong dịch bệnh là nguyên nhân khiến người nuôi gà theo mô hình trang trại, gà công nghiệp trong tỉnh Nghệ An đang bị “lép vế”.
Những năm gần đây, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã có nhiều biện pháp nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi gà như: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh, Trung ương mời chuyên gia chăn nuôi đầu ngành về tập huấn, hướng dẫn, xây dựng quy trình chăn nuôi gà, quản lý tốt đầu vào, như thức ăn, thuốc thú y, con giống.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2013 – 2020 đã bắt đầu bộc lộ những khó khăn nhất định. Sự kỳ vọng về giảm nghèo bền vững từ nghề nuôi bò sữa vì thế cũng khó đạt được như mong đợi.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi trong cả nước, đặc biệt là thời gian tới khi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực thì nhiều sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập của các nước có thuế bằng 0% sẽ ồ ạt vào thị trường Việt Nam, sẽ tác động mạnh vào ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai ở một số địa phương còn nhiều bất cập…
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận chưa xảy ra dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng trên gia súc và bệnh tai xanh trên heo. Hiện tại, ngành đang tập trung chỉ đạo chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm…