Thanh long Bình Thuận trước tình hình mới căng sức cạnh tranh
Thanh long Bình Thuận cần được nâng cao sức cạnh tranh
Chưa thể “thoát Trung”
Tại cuộc họp, Th.s Nguyễn Trọng Khương - Phó trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) nhìn nhận nhiều sản phẩm, chứ không riêng thanh long Bình Thuận hiện chưa thể “thoát Trung”…
Nói để thấy rằng với thị trường đông dân nhất thế giới, giáp Việt Nam, ưa chuộng trái thanh long bởi thị hiếu về màu sắc và tên gọi nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ. Thực tế thì Trung Quốc cũng đang là thị trường “bao tiêu” thanh long số một toàn cầu, như năm 2014 là 603.000 tấn với giá trị đạt 529 triệu USD, trong đó có đến 99,9% nhập khẩu từ Việt Nam (thông tin của Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc).
Hàng năm với sản lượng thu hoạch hơn 500.000 tấn, thanh long Bình Thuận chiếm tỷ trọng khoảng 80% cả nước và phần lớn dành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo Sở Công Thương, xuất khẩu trái thanh long địa phương vào thị trường này bằng phương thức biên mậu lẫn chính ngạch luôn duy trì tỷ trọng từ 80 - 85%.
Số ít còn lại được doanh nghiệp Bình Thuận xuất sang một số nước châu Á (Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, UAE…), châu Âu (Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Chi Lê, Canada), gần đây bước đầu thâm nhập những thị trường mới là Ấn Độ, Myanmar, Qatar…
Với tiềm năng và tỷ trọng tiêu thụ như trên, thanh long Bình Thuận đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, thẳng thắn mà nói thì chúng ta không dễ thay đổi tình hình trong thời gian ngắn.
Căng sức cạnh tranh
Không chỉ Bình Thuận có thanh long xuất sang Trung Quốc, mà hiện nay hầu như tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước đều trồng được thanh long, một số nơi cũng tham gia xuất khẩu. Tình hình tiêu thụ loại trái cây này tại thị trường đông dân nhất thế giới còn được Bộ Công Thương nhận diện với nhiều mối lo, buộc trái thanh long Bình Thuận phải căng sức cạnh tranh gay gắt trong thời gian tới.
Bởi những năm gần đây, Trung Quốc đã khuyến khích người dân các tỉnh phía Nam nước họ phát triển trồng thanh long với diện tích lớn, hiện ước đạt hơn 20.000 ha.
Kết quả là ngay trong năm 2015, khi thanh long Bình Thuận đang vào chính vụ thì tại TP. Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) cũng thu hoạch rộ, khiến một số hộ sản xuất phải vứt bỏ thanh long do không tiêu thụ được.
Dù là hiện tượng xảy ra cục bộ đối với thanh long chất lượng không cao, nhưng từ đây đã phát đi tín hiệu về đối thủ cạnh tranh mới của thanh long Bình Thuận ngay tại “sân nhà Trung Quốc”.
Ngoài thanh long Trung Quốc, hiện nay Đài Loan đã tập trung phát triển diện tích cũng không hề kém cạnh với khoảng 20.000 ha và đang sản xuất theo khoa học kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến hơn Bình Thuận. Dự báo chẳng bao lâu nữa, sản lượng thanh long Đài Loan vẫn hướng đến thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc đại lục, như vậy gần như chắc chắn sẽ có cuộc “chạm trán” quyết liệt về chất lượng lẫn giá cả để giành lấy thị phần.
Mặt khác tính đến nay, có khá nhiều nước đã tiến hành trồng thử nghiệm thanh long như Columbia, Ecuador, Mexico, Hoa Kỳ, Úc, Srilanka, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Maylaysia, Philippines, Campuchia…
Nếu loại quả này “trồng chơi mà ăn thiệt” tại các quốc gia vừa nêu, có lẽ thanh long Bình Thuận lại phải căng sức cạnh tranh mới mong giữ vững thị trường truyền thống, trước khi tính đến mở rộng tiêu thụ ở những thị trường mới.
Có thể bạn quan tâm
Đoàn công tác UBKT Tỉnh ủy vừa có chuyến kiểm tra, làm việc với xã Thạch Thắng (Thạch Hà) về phát triển kinh tế tập thể. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Nguyễn Thị Gái cùng dự.
Sau gần 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) với những cách làm quyết liệt, sáng tạo, Hà Tĩnh đã thu hút được nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia. Nhờ đó, áp lực đóng góp cho NTM của người dân được giảm đi đáng kể.
Chiều 18/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn đi kiểm tra tiến độ dự án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà tại xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh).
Nông sản là một trong những mặt hàng nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hội nghị Giao thương Doanh nghiệp Việt-Trung do Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp với Ban Thư ký Hội chợ Thương mại Trung Quốc-ASEAN tổ chức ở thành phố Nam Ninh.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tiếp sụt giảm trong thời gian khá dài, thậm chí còn mất dần thị trường do bị cạnh tranh gay gắt từ các nguồn cung trên thế giới. Đặc biệt, việc chưa có thương hiệu đã và đang khiến gạo Việt thua đau.