Gia Tăng Giá Trị Cho Các Mặt Hàng Thủy Sản Trong Tương Lai
“Khi đặt ra câu hỏi nông nghiệp có là động lực phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai hay không? Tôi nghĩ, chắc chắn, nó phải là động lực phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách nông nghiệp chưa đủ độ vương để nông nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế”.
Đó là khẳng định của PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản ViệtNam. Ông cho rằng, để đạt được mục tiêu nâng giá trị gia tăng (GTGT) lên hơn 50% giá trị XK thủy sản không phải là quá khó, vấn đề là cần quan tâm đầu tư hơn nữa đến phát triển kinh tế biển.
Giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản còn thấp
Gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu trong XK nông, lâm, thủy sản... Tuy nhiên, điều dễ thấy là vấn đề chất lượng, GTGT và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt còn thấp; cơ sở hạ tầng phục vụ bảo quản, chế biến kém phát triển; quy mô công nghiệp chế biến nông sản còn nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu... Đây chính là nguyên nhân khiến cho giá trị hàng nông sản Việt Nam thường thấp hơn từ 15 - 50% so với sản phẩm cùng loại của các nước khác.
Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối: Thời gian qua, tốc độ gia tăng giá trị bình quân mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đã không ngừng giảm sút, từ 4,42% (giai đoạn 1996 - 2000), 3,83% (giai đoạn 2001 - 2005) xuống còn 3,55% vào các năm 2006, 2007; hiện nay chỉ dưới 3%.
Thừa nhận năng lực cạnh tranh của ngành chế biến nông lâm thủy sản khá yếu kém, nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có vị thế cao trên thị trường về số lượng, song tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc GTGT lại thấp, ông Nguyễn Trọng Thừa - Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại NLTS và nghề muối (Bộ NN - PTNT) cho rằng, bất cập cơ bản trong công nghiệp chế biến hiện nay là không đảm bảo sự ổn định về chất lượng và khối lượng của nguồn nguyên liệu, các sản phẩm chế biến thô, đơn giản, chất lượng thấp đang chiếm tỷ trọng lớn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP), việc sử dụng các phế, phụ phẩm chưa được quan tâm đúng mức.
Chính vì vậy, giá thành sản xuất cao, nhưng giá bán lại thấp. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm chậm phát triển, thương mại và hạ tầng thương mại phục vụ cho chế biến hiện còn nhiều yếu kém, chưa đủ tầm để chủ động giao dịch trên thị trường khu vực và thế giới cũng là những thách thức không nhỏ mà ngành chế biến NLTS của VN chưa thể vượt qua.
TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất lúc này là ngành nông nghiệp cần điều tra tổng thể thực trạng những ngành hàng chủ lực để phân tích, đánh giá và đề xuất các gói giải pháp phù hợp cho việc phát triển chế biến, thương mại NLTS.
Theo đó, phải quy hoạch cơ sở chế biến NLTS gắn kết với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của từng ngành hàng, đồng thời dựa trên tín hiệu dự báo nhu cầu của thị trường để khai thác lợi thế của từng vùng phù hợp với quy hoạch phát triển chung của cả nước và từng địa phương”.
Giải pháp tăng giá trị cho các mặt hàng thủy sản
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng cho hay: “Tôi nhận thấy, để các ngành khác như dịch vụ, y tế… vươn lên tầm thế giới thì có lẽ nước ta phải đầu tư rất nhiều. Nhưng với ngành nông nghiệp, chúng ta đã có một số lĩnh vực đã vươn lên tầm thế giới. Cụ thể như ngành thủy sản, hiện nay Việt Nam là nước nuôi trồng thủy sản đứng thứ 3 trên thế giới, đồng thời là quốc gia đứng thứ 5 về giá trị kim ngạch XK, đứng trong tốp 3 hàng đầu thế giới về số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn EU, với hơn 450 nhà máy được cấp code để XK.
Giá trị XK năm 2014 là 7,92 tỷ USD, nhưng cả DN và nông dân vẫn cảm thấy bất an là điều chúng ta cần phải bàn. Chúng ta cần phải tìm mọi cách để thúc đẩy GTGT cho các mặt hàng thủy sản để DN và nông dân được hưởng lợi. Để làm điều này cũng không phải là quá khó”.
Trăn trở với mục tiêu nhằm thúc đẩy GTGT cho các mặt hàng thủy sản, ông Dũng đề xuất một số giải pháp cho một số sản phẩm thủy sản lợi thế của nước ta.
Cụ thể, đối với ngành tôm, ông Dũng nhấn mạnh: “Hiện nay, cả sản xuất và XK tôm Việt Nam đều đã xếp thứ 3 trên thế giới. Năm 2014, XK tôm chiếm hơn một nửa tổng giá trị XK thủy sản của Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể tự hào về ngành chế biến GTGT tôm của nước ta.
Ví như khả năng chế biến GTGT tôm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú không kém bất cứ nước nào trên thế giới. Nhưng trên thực tế, nhìn tổng thể, GTGT tôm của nước ta mới chỉ đạt 30%, cho thấy dư địa để nâng cao tỷ lệ GTGT tôm còn rất nhiều.
Nhìn sang các nước bạn, cùng là những nước cung cấp tôm như chúng ta, ví dụ như Thái Lan. Chúng ta thấy, tại Thái Lan, khu Công nghiệp nuôi tôm của nước họ được đầu tư rất hiệu quả, với 300 - 400 ha ao nuôi được nuôi trong nhà (Indoor). Vì vậy, theo tôi, nếu ngành tôm được đầu tư hơn nữa về công nghệ, kỹ thuật thì tỷ lệ GTGT tôm chắc chắn được nâng cao”.
Đối với ngành cá tra, trên thực tế, hiện nay, sản phẩm GTGT (mã HS16) chỉ chiếm 1% giá trị, trong khi đó sản phẩm philê đông lạnh chiếm đến 99%. Nhưng để sản phẩm cá tra đạt GTGT lên tới 50%, ông Dũng tin rằng hoàn toàn có thể thực hiện được. Ông đề xuất: “Hiện nay, thị hiếu của người Nhật và Bắc Âu đối với sản phẩm thủy sản thường là cá biển tươi, ít dùng cá nước ngọt philê đông lạnh bởi họ quan niệm sản phẩm thủy sản tươi từ biển sẽ đạt vệ sinh an toàn thực phẩn (VSATTP) hơn là sản phẩm thủy sản nước ngọt.
Do đó, nếu như chỉ cần biến 1/3 số sản phẩm cá tra philê đông lạnh của chúng ta thành sản phẩm hun khói thì câu chuyện sẽ khác hẳn.
Chúng ta chỉ cần đầu tư một công nghệ hết sức đơn giản, nhưng thu được lợi ích thiết thực. Hay như ngành nuôi cá tra, hiện nay năng suất thu hoạch cá tra đang ở mức 200 tấn/ha, nếu chúng ta đầu tư công nghệ đưa thêm ô xi vào tầng đáy thì năng suất có thể lên tới 1000 tấn/ha/vụ. Rõ ràng, chúng ta có cơ hội thực tiễn để phát triển cả vùng nuôi và cơ sở chế biến cá tra”.
“Đối với sản phẩm cá ngừ, hiện nay, tỷ lệ chế biến GTGT đạt gần 40%, đây là tỷ lệ cao nhất so với các ngành khác như tôm (30%), cá tra (chỉ 1%). Do đó, cá ngừ là sản phẩm đầu tiên có khả năng đạt tiêu chí 50% nhanh nhất. Nếu chúng ta tập trung đầu tư công nghệ vào hoạt động bảo quản cá ngừ thì chắc chắn mục tiêu đề ra sẽ đạt được nhanh chóng” - ông Dũng khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Về xã Tân Ước (huyện Thanh Oai, Hà Nội) hỏi thăm tình hình chăn nuôi sẽ được người dân ở đây chỉ ngay đến ông Long "chung cư lợn". Ông có cái tên như vậy bởi ông là người đầu tiên ở khu vực (mà cũng là người đầu tiên trên địa bàn thành phố) mạnh dạn thay đổi phương thức chăn nuôi, đưa lợn lên nuôi ở tầng cao nhằm tiết kiệm diện tích, giảm chi phí trong chăn nuôi.
Cùng với việc quy hoạch phát triển diện tích nuôi tôm công nghiệp tập trung đạt diện tích 10.000 ha đến năm 2015, tỉnh Cà Mau chú trọng mở rộng quy mô nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại các huyện: Cái Nước, Đầm Dơi, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển. Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo quy trình VietGAP, nhằm mục tiêu năng cao nâng suất, chất lượng mặt hàng thủy sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, nghề nuôi cá mú ở đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) phát triển mạnh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, có hộ thu nhập khá. Tuy nhiên, do người nuôi không tuân thủ lịch thời vụ, thả nuôi với mật độ quá dày, không thường xuyên vệ sinh lồng, bè nuôi… đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi ngày càng trầm trọng và xảy ra dịch bệnh.
Nhằm giúp nông ngư dân nâng cao kiến thức khoa học, kỹ thuật trong nghề ươm, nuôi cua biển trong ao vùng triều, năm 2012, Trạm khuyến nông huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã thực hiện mô hình ương cua bột lên cua giống, tại thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, với qui mô 200 mét vuông.
Vụ đông xuân và hè thu năm 2013, toàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) xuống giống được 3.687ha hoa màu, trong đó nhiều nhất là khoai lang với diện tích 2.180ha, chiếm gần 60% diện tích hoa màu toàn huyện, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 136ha.