Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc nhập tỉnh Sóc Trăng

Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc nhập tỉnh Sóc Trăng
Ngày đăng: 22/10/2015

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thuỷ sản ngày càng diễn biến phức tạp.

Ở Sóc Trăng, dịch bệnh trên gia súc được quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn cao do nguồn động vật không rõ nguồn gốc nhập vào Sóc Trăng.

Cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gia súc nhập tỉnh Sóc Trăng.

Hiện nay, Bò sữa là vật nuôi mang lại thu nhập cao cho nông hộ, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Theo thống kê của Ngành Nông nghiệp, từ cuối năm 2014 đến nay, tổng đàn bò của tỉnh đã tăng hơn 2.000 con, trong đó có khoảng 30% - 50% tăng bằng cách nhập bò giống từ nơi khác về.

Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, Sóc Trăng đã nhập 1.029 con Bò giống, trong đó 392 Bò sữa, số Bò này phải được đảm bảo sạch bệnh, khỏe mạnh và phát triển tốt sau khi đến nông hộ.

Để kiểm soát ngăn chặn dịch bệnh trên đàn bò từ ngoài nhập vào, Chi cục Thú y tỉnh quản lý nghiêm ngặt từ nơi cung ứng đến tận nông hộ.

Theo đó, đối với các tổ chức cá nhân có nhu cầu nhập bò về sản xuất, trước tiên phải có đơn đăng ký gửi Chi cục Thú y, trong đơn thể hiện rõ các hạng mục như địa điểm cơ sở cung ứng giống, số lượng cần nhập…

Sau khi được cán bộ Chi cục giám sát việc tiêm phòng lở mồm long móng và thời gian cách ly tại cơ sở cung ứng tối thiều khoảng 14 ngày, các con Bò giống sẽ được bấm tai theo dõi, nếu tình trạng con vật đảm bảo sẽ được phép nhập đàn sản xuất.

Đơn cử như xã Thuận Hưng, huyện mỹ Tú, từ đầu năm đến nay đã đăng ký nhập 60 con Bò sữa và 29 con bò thịt về cung cấp lại nông dân trong xã, qua các khâu kiểm tra kỹ lưỡng, hiện đàn Bò này đang phát triển khỏe mạnh, cho năng suất sữa cao và chất lượng đảm bảo.

Ông Lâm Xưng – Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, cho biết: “Trước khi nhập Bò về địa phương, xã làm đơn đăng ký với Chi cục Thú y, phối hợp với Trạm Thú y huyện, cán bộ Thú y xã kiểm tra sức khỏe an toàn cho đàn Bò nhập về.

Trước đây xã thường nhập Bò từ huyện Củ chi, TP HCM, nhưng cho khoảng cách xa xôi và chất lượng khó kiểm soát nên hiện nay tỉnh chủ trương mua Bò giống của HTX Tài Văn, huyện Trần Đề”.

Riêng với các tổ chức cá nhân cung ứng Bò giống, Chi cục Thú y yêu cầu phải đảm bảo các giấy tờ chi tiết số lượng đàn bò nhập vào và xuất bán, trước khi bán phải trình báo với cơ quan Thú y địa phương, tuyệt đối không được thu mua những con Bò không rõ nguồn gốc, đặc biệt phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tiêm phòng cách ly trước khi giao cho người mua.

Trong trường hợp Bò bán đi nếu bị bệnh, cơ sở cung ứng sẽ xử lý và chịu đền bù mọi thiệt hại cho người nuôi.

Do đó các cơ sở cá nhân cung ứng Bò giống trong tỉnh rất quan tâm đến việc này, nhằm giữ vững uy tín và việc làm ăn lâu dài.

Ông Tăng Tấn Hòa - một hộ cung ứng bò giống ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cho biết: “Trước khi mua Bò về trại, tôi đến tận nơi xem Bò có tốt không mới mua.

Khi đem Bò về trại, tôi mời Thú y tới tiêm phòng, nuôi cách ly khoảng 15 ngày, rồi mới nhập đàn và bán cho người nuôi ”.

Về phía ngành chức năng, Thạc sĩ Lê Văn Quang, Phó Phòng Dịch tể - Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đối với hộ chăn nuôi, trước khi nhận Bò về nuôi cần xem xét kỹ lưỡng thủ tục giấy tờ tiêm phòng từ nơi cung ứng, giấy tờ liên quan đến việc mua bán vận chuyển Bò, đồng thời trình báo với cán bộ Thú y địa phương để theo dõi việc tiêm phòng cho Bò trước khi cho nhập đàn”.

Bò trước khi nhập đàn được nuôi cách ly khoàng 15 ngày.

Ngoài nhập Bò giống về nuôi, số lượng Bò được mua về từ các tỉnh khác để giết mổ cũng cao hơn gấp nhiều lần.

Từ đầu năm đến nay, tại Trạm kiểm dịch Đại hải – An Hiệp đã có hơn 2.300 con Bò đăng ký nhập tỉnh, trong đó chỉ có hơn 650 con Bò giống.

Số lượng Bò thịt này nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ là mầm mống lây lan dịch bệnh cho đàn Bò nền địa phương, do đó cán bộ Trạm Kiểm dịch luôn tăng cường công tác kiểm tra, trực 24/24, để ngăn chặn mọi nguy cơ có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Mười Hai – Trưởng Trạm Kiểm dịch Đại Hải – An Hiệp, cho biết: “Đối với gia súc, gia cầm khi nhập vào tỉnh được chúng tôi kiểm tra chặt chẽ, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh để cung cấp con giống sạch bệnh cho người nuôi.

Đối với Bò giống thì trước nhập về tỉnh, chúng tôi tiến hành kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận tiêm phòng, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo vệ sinh thú y… Khi có đầy đủ các thủ tục này, chúng tôi mới cho nhập tỉnh”.

Tuy nhiên, với địa hình có nhiều tuyến đường thông thương và hệ thống sông ngòi chằng chịt, nhưng chỉ có 1 trạm kiểm dịch đặt tại xã Đại Hải huyện Kế Sách – đầu vào tỉnh Sóc Trăng trên tuyến Quốc lộ 1.

Ngoài ra công tác kiểm tra chủ yếu là trên thủ tục giấy tờ và theo biện pháp lâm sàng, tức là chỉ kiểm tra bằng mắt thường về kích cỡ, ngoại hình, hoạt động của con vật… rất khó để các ngành chức năng kiểm soát được 100% số lượng và chất lượng các nguồn động vật xuất nhập tỉnh.

Thời gian tới, rất cần các ngành chức năng quan tâm hơn nữa công tác quản lý chất lượng gia súc gia cầm vận chuyển từ nơi khác vào tỉnh, cũng như chất lượng con giống trao đổi, mua bán trong tỉnh, nhất là từ đây đến Tết Nguyên đán.


Có thể bạn quan tâm

Cần Thận Trọng Khi Phát Triển Cây Sầu Riêng Cần Thận Trọng Khi Phát Triển Cây Sầu Riêng

Những vườn sầu riêng được trồng sớm nhất tại Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã cho quả ổn định vào năm thứ ba, bước đầu đã khẳng định được hiệu quả của loại cây trồng khó tính này. Tuy nhiên, việc phát triển cây sầu riêng tại Khánh Vĩnh cần thận trọng, khi chưa có một nghiên cứu sâu sắc về vấn đề này…

26/08/2013
Dịch Hại Tấn Công Lúa Thu Đông Dịch Hại Tấn Công Lúa Thu Đông

Tình hình mưa nắng xen kẽ và kéo dài trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh bị nhiễm các loại dịch hại và khả năng ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.

26/08/2013
Tôm Cá Được Mùa Tôm Cá Được Mùa

Sau nhiều năm liên tiếp tôm nuôi được mùa nhưng mất giá, năm nay bà con ngư dân ở vùng ven biển và đầm phá có trọn niềm vui khi tôm, cá nuôi vừa được mùa, lại bán được giá.

27/08/2013
Có Có "Bát Ăn Bát Để" Nhờ Nuôi Cá

Có được thành quả như ngày hôm nay, anh Phong đã phải trải qua một quá trình vừa lao động, tìm tòi, vừa mạnh dạn áp dụng những phương pháp, kỹ thuật mới...

27/08/2013
Về Rừng Xem Gà Chín Cựa Về Rừng Xem Gà Chín Cựa

Từ xưa đến nay, có lẽ người ta thường chỉ biết đến gà chín cựa ở lễ vật hỏi cưới công chúa Mỵ Nương trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, mà ít ai biết được rằng, nó còn có thực trong đời sống.

27/08/2013
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.