Nuôi Bò Trên Đảo Tiền Tiêu
Cùng với cây hành, cây tỏi và các loại cây trồng vật nuôi khác, trong những năm qua nhiều người dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã phát triển mô hình chăn nuôi bò. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống cho người chăn nuôi mà còn có thể góp phần giúp người dân tự túc được một phần thực phẩm.
Lợi nhuận cao...
Chúng tôi đến nhà ông Trương Thanh Trung ở thôn Đông, xã An Hải - người có thâm niên nuôi bò hơn 10 năm nay tại huyện đảo Lý Sơn cũng là lúc ông đang lùa đàn bò của mình từ trên núi Thới Lới về chuồng.
Thấy chúng tôi trầm trồ đàn bò của mình, ông Trung cười tươi bảo: "Bấy nhiêu là ít rồi đó, chứ mấy năm trước tôi còn nuôi nhiều nữa". Khi biết chúng tôi tìm hiểu về mô hình chăn nuôi bò trên đất đảo, sau khi nhốt bò vào chuồng, ông ra ngoài tiếp chuyện với chúng tôi.
Ông Trung cho biết: Gia đình ông nuôi bò được hơn 10 năm nay, ban đầu ông chỉ nuôi một vài con thử nghiệm, sau khi thấy hiệu quả kinh tế cao, ông mạnh dạn mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn. Có lúc số lượng bò trong trang trại của ông lên đến vài ba chục con. Hiện nay, trang trại của ông lúc nào cũng duy trì số lượng bò từ 18-20 con.
Để có nguồn thức ăn cho bò, ngoài những thức ăn mang tính thời vụ, ông còn trồng thêm cỏ. Nhờ tận dụng được tối đa nguồn thức ăn, ông đã giảm chi phí đầu tư rất nhiều. "Nuôi bò là mô hình làm kinh tế hiệu quả, vừa tận dụng được các nguồn nguyên liệu sẵn có để làm thức ăn, vừa đem lại lợi nhuận cao chỉ trong thời gian ngắn"- ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, trước đây, kinh tế gia đình ông chỉ dựa vào cây hành, cây tỏi, thu nhập của những loại cây này cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Nhờ chuyển sang nuôi bò, mà kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện. Từ chăn nuôi bò, mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng chục triệu đồng. Với thu nhập như thế, gia đình ông rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn vào nhiều công việc khác nhau, cũng như trang trải cuộc sống.
Gia đình ông Trung chỉ là một trong số nhiều gia đình phát triển chăn nuôi bò ở đảo Lý Sơn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lý Sơn hiện có khoảng trên 70 hộ chăn nuôi bò, với số lượng đàn bò khoảng gần 600 con. Hiện nay các hộ chăn nuôi bò tự trồng cỏ trên bờ ruộng còn trống, đất ven đồi không sản xuất hành tỏi để tự túc nguồn thức ăn cho bò.
Ông Ngô Vân ở thôn Tây, xã An Hải cho biết: Trái ngược với những thứ hàng nông sản khác, việc mua bán bò lại quá dễ dàng khi mà nhu cầu bò thịt đang tăng cao. Người dân chăn nuôi bò nếu có việc gì đột xuất cần tiền thì gọi cho thương lái, mấy tiếng sau là có tiền từ bán bò...
...nhưng khó phát triển mạnh
Có thể nói, chăn nuôi bò góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế của người dân ở huyện đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển chăn nuôi bò ở Lý Sơn đang gặp khó khăn.
"Lợi nhuận chăn nuôi bò mang lại cho người dân là rất lớn. Song cái khó hiện nay là người dân không thể mở rộng phát triển đàn bò. Bởi hiện nay, diện tích chăn thả bò đang dần bị thu hẹp, cũng như với diện tích nhỏ hẹp việc phát triển chăn nuôi gần khu dân cư ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh." - ông Nguyễn Trí Thức- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho biết.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tập quán của người dân chăn nuôi bò chủ yếu với hình thức thả rông. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công tác trồng rừng phủ xanh đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như bảo vệ cây trồng, hoa màu.
Hiện, để đảm bảo quy hoạch vùng chăn nuôi gia súc trên địa bàn huyện phù hợp với điều kiện thực tế, đạt hiệu quả, huyện Lý Sơn cũng đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung ở khu vực phía đông C5 dưới chân núi Giếng Tiền; khu vực Tân Nông phía sau nhà máy điện Lý Sơn và khu vực triền núi sau khu trài dân 733 dọc theo đường lên hồ chứa nước Thới Lới nhằm hạn chế tình trạng thả rông bò lên các đồi núi nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, đảm bảo nguồn thức ăn, nước uống cho gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường.
"Thời gian tới, địa phương sẽ vận động những hộ chăn nuôi đưa tất cả bò lên vùng quy hoạch không được thả rông lên đồi núi làm ảnh hưởng đến việc trồng và bảo vệ cây rừng; tận dụng vùng đất không sản xuất hoa màu để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, để việc phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao"- ông Nguyễn Trí Thức- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hải cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Để góp phần thúc đẩy nghề nuôi lợn rừng phát triển bền vững, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án khảo nghiệm nuôi lợn rừng sinh sản tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát thuộc Chương trình khuyến khích ứng dụng khoa học và công nghệ. Dự án khảo nghiệm với 2 mục tiêu chính: Đánh giá sự thích nghi của lợn rừng đã được thuần hóa nguồn gốc Thái Lan tại huyện Bát Xát; cho phối giống tạo ra giống thuần chủng có chất lượng cao.
Đề cập tới nghề nuôi cá tra (CT), thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông liên tục xuất hiện các cụm từ: “Treo ao”; người nuôi thua lỗ, thiếu vốn; xây dựng nhà máy chế biến CT theo kiểu phong trào... Đó là “một góc” hiện trạng nghề nuôi CT ở vùng ĐBSCL cần có các giải pháp giải quyết.
VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) được kỳ vọng là hướng phát triển bền vững của ngành nuôi tôm nước lợ. Riêng tại Quảng Nam, dù có được kết quả bước đầu nhưng việc nhân rộng mô hình này gặp rất nhiều khó khăn...
Những đợt cúm gia cầm vừa qua khiến không ít hộ nông dân ở TP Cà Mau loay hoay tìm mô hình kinh tế thích hợp để sản xuất. Trong khi đó, chị Huỳnh Thị Hằng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hoá, xã Hòa Thành, vẫn tự tin chọn gà nòi lai làm hướng phát triển kinh tế.
Từ tháng 8-2012 người dân xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã tìm thấy hướng ra của cây dừa khi gia nhập “vườn dừa mẫu” giống như cây lúa ở ĐBSCL.