Những Mô Hình Chăn Nuôi Hiệu Quả Cao
Trên địa bàn xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có nhiều mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả cao và đang được tuyên truyền, nhân rộng.
Ếch vạn, heo đàn
Đến nhà ông Phạm Tại ở thôn Đại La, chúng tôi thấy ông đang kéo vòi tắm cho đàn ếch. Hàng vạn con ếch nhảy nhót trong các hồ trông thật vui mắt. “Tôi nuôi ếch từ năm 2006, hằng năm chắt chiu, mở rộng dần quy mô, đến nay thường xuyên nuôi 20.000 ếch thịt và 100 cặp ếch bố mẹ”, ông Tại chia sẻ.
Chúng tôi thấy các hồ nuôi ếch có thành cao 1 mét, mực nước khoảng 20cm, phía trên có lưới che để hạn chế độ nóng. Trong mỗi hồ có một tấm mành tre nổi lập lờ trên mặt nước, theo ông Tại là để ếch “ngồi nghỉ” sau khi nhảy nhót, bơi lội đã mỏi. Ông cho biết, ếch sắp đẻ được tách ra nuôi riêng, mỗi năm đẻ từ 2-3 lứa và thường đẻ vào ban đêm. Ếch 3 tháng tuổi là bán thịt, hiện mỗi kg (từ 4-6 con) bán tại chỗ có giá 60.000 đồng. “Bình quân mỗi năm bán 4 tấn ếch thịt, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Tại hào hứng.
Mặt khác, ông Tại còn chăn nuôi heo đàn, trong chuồng thường xuyên có 4 heo nái và mấy chục heo thịt. Ông trồng rau lang khắp vườn để làm thức ăn nuôi heo. Hằng quý, người lão nông này xuất chuồng vài chục con heo, mỗi con nặng hơn 60kg, giá bán tại chuồng từ 35.000-40.000 đồng/kg.
Thỏ và bồ câu lai Pháp
Anh nông dân trẻ Lê Bảo Tịnh (27 tuổi, ở thôn Tùng Sơn) bắt đầu nuôi thỏ và bồ câu lai Pháp từ đầu năm 2012. Sau khi tìm đọc, nghiên cứu tài liệu trên Internet và tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật tại địa phương, anh Tịnh đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi thỏ và bồ câu. Đúng như hướng dẫn trong tài liệu, anh làm chuồng trại rộng rãi, cao ráo, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè. Trong khu nuôi thỏ có hàng trăm chuồng nhỏ, xếp thành 4 dãy dài, nuôi 40 thỏ mẹ (mỗi con 1 chuồng) và 300 thỏ con. Ngày ngày, anh Tịnh đi cắt rau muống mọc tự nhiên tại những bãi cát và mua thêm rau, củ, quả cho thỏ ăn.
Chưa được nửa năm tuổi, thỏ đã động dục, mỗi lứa đẻ từ 6-10 con và 40 ngày sau đẻ lứa khác. Thỏ con 3 tháng tuổi, nặng khoảng 2 kg, hiện có giá bán 100.000 đồng/kg. Những con khỏe mạnh, đẹp dáng, được bán giống, giá đắt gấp rưỡi.
Bên cạnh nuôi thỏ, anh Tịnh đang nuôi 100 cặp bồ câu lai Pháp, mỗi cặp ở riêng một chuồng. Chi phí mua thóc, gạo cho bồ câu ăn mỗi ngày hết khoảng 100.000 đồng. Bồ câu cũng mắn đẻ như thỏ, mỗi lứa đẻ 2 con, bồ câu ra ràng (từ 10-15 ngày) giá 100.000 đồng/cặp. Anh Tịnh cho biết, chuồng trại nuôi thỏ và bồ câu phải quét dọn hằng ngày, bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát và phải thực hiện đúng quy trình vệ sinh phòng dịch. Hiện nay, thỏ và bồ câu trên thị trường đang tiêu thụ mạnh, có bao nhiêu cũng bán hết mà không bị ép giá.
Nhờ giỏi áp dụng tiến bộ kỹ thuật và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các con vật nuôi của ông Tại và anh Tịnh luôn ăn khỏe, chóng lớn. Những năm qua, khi dịch cúm gia cầm, bệnh tai xanh, lở mồm long móng làm nhiều hộ chăn nuôi khốn đốn, thì trại nuôi của hai ông vẫn phát triển tốt.
Trao đổi với chúng tôi, Thường trực Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, hai nông dân này đã trở thành gương điển hình về sản xuất - kinh doanh giỏi và đang được Hội tổ chức phổ biến kinh nghiệm cho hội viên học hỏi, vận dụng.
Có thể bạn quan tâm
Được biết, trong khoảng 3 tháng trước đây, mực khô bị giảm giá đột biến khoảng 150 ngàn đồng/kg, gây rất nhiều khó khăn cho bà con ngư dân khi đánh bắt vì thu không bù nổi chi phí (doanh thu bán mực chiếm 70% tổng doanh số đánh bắt của chuyến biển), nhiều tàu ghe lỗ tổn do giá mực giảm phải nằm bờ.
Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Bắc Ninh có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, chế biến, các trang trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Từ đầu tháng 3 đến nay, khi bắt đầu thu hoạch vụ dưa đông xuân 2013 - 2014 và vụ dưa xuân hè 2014, tại các tỉnh miền Trung, rơm được bán với giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với mọi năm.
Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, thời gian qua, các bệnh hại trên cây cao su như: Rệp vảy, vàng rụng lá, nấm hồng, héo đen đầu lá... gây hại phổ biến ở mức độ nhẹ đến trung bình.
Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (còn gọi là QSEAP), tổng vốn đầu tư hơn 90 tỷ đồng, trong đó khoảng 66 tỷ đồng là vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), được Sở NN&PTNT Đà Nẵng triển khai đầu năm 2010.