Làm Giàu Từ Phát Triển Cây Dược Liệu

Trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại cho người dân trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, mở ra hướng giúp người dân vùng cao phát triển kinh tế và làm giàu. Phát triển cây dược liệu đang là lợi thế ở vùng cao trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, nhu cầu về dược liệu có nguồn gốc từ thảo dược để điều trị bệnh, bổ dưỡng sức khoẻ là rất lớn. Trong khi đó, nguồn thảo dược được trồng lại rất ít, chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, do đó, dược liệu ngày càng khan hiếm, một số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng do khai thác bừa bãi.
Năm 2001, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Traphaco đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, tiêu thụ một số cây dược liệu trên địa bàn huyện Sa Pa, cùng với khai thác dược liệu từ thiên nhiên, người dân trên địa bàn Sa Pa đã được khuyến khích trồng cây dược liệu và được bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, diện tích trồng cây dược liệu vẫn chưa được mở rộng nhiều, bởi người dân chủ yếu tận dụng khai thác từ rừng tự nhiên.
Để phát triển cây dược liệu tại Sa Pa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Dự án "Xây dựng mô hình kinh tế hộ, trồng một số loại cây dược liệu” tại huyện. Các mô hình triển khai đều cho tín hiệu tích cực, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân tham gia trồng.
Như cây Atisô mang lại nguồn thu 120 triệu đồng/1 ha, cây đương quy 240 triệu đồng/1 ha… từ hiệu quả mang lại, huyện Sa Pa đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân các xã trên địa bàn mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Đến nay, toàn huyện có hơn 53 ha cây dược liệu các loại, trong đó diện tích cây Atisô chiếm gần 48 ha, còn lại là các loại cây khác, như đương quy, xuyên khung, bạch truật, huyền sâm…
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết: Để bảo tồn gắn với phát triển các loại cây dược liệu quý hiếm có giá trị trong y học và hiệu quả kinh tế cao, huyện Sa Pa phấn đấu đến năm 2015 có hơn 70 ha cây dược liệu.
Huyện Bắc Hà và Bát Xát mới đây cũng đã đưa cây dược liệu vào trồng thí điểm tại một số xã vùng cao. Đối với huyện Bát Xát, vụ đông xuân năm 2012 - 2013, huyện triển khai thực hiện mô hình trồng cây đương quy tại xã Pa Cheo, với diện tích 0,27 ha, giá trị đạt gần 65 triệu đồng.
Như hộ ông Lý A Hù, thôn Tả Pa Cheo 2, xã Pa Cheo tham gia trồng thử nghiệm hơn 500 m2 cây đương quy theo hỗ trợ của dự án phát triển cây dược liệu, qua thực tế cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình đã thu được gần 5 triệu đồng. Ông Hù cho biết: Cây đương quy rất rễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, vì vậy gia đình đã đăng ký trồng 2.500 cây (diện tích khoảng hơn 1.000 m2) trong vụ tới.
Vụ đông xuân năm 2013 - 2014, huyện Bát Xát phấn đấu mở rộng diện tích trồng cây đương quy lên 36 ha. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ mở rộng diện tích đương quy, xuyên khung, sa nhân tím, Atisô, chè dây, gừng, với diện tích gần 700 ha tại 21 xã, thị trấn. Đồng thời, hình thành mối liên kết giữa “4 nhà” (nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân) để phát triển vùng dược liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Huyện Bắc Hà cũng đã quy hoạch bước đầu về vùng phát triển cây Atisô tại các xã: Lùng Phình, Na Hối, Bản Già, với diện tích 14 ha. Riêng năm 2013, huyện còn trồng thử nghiệm 4 ha cây đương quy, 1 ha cây chè dây.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, với đặc thù về tài nguyên khí hậu, nhiều địa phương trong tỉnh rất phù hợp với phát triển những loại cây dược liệu quý hiếm có nguồn gốc nhiệt đới, việc phát triển cây được liệu là thế mạnh của tỉnh.
Hy vọng trong thời gian tới, với sự quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế của chính quyền các địa phương, việc trồng và khai thác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh sẽ được mở rộng và phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có của vùng. Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, phát huy nội lực, thế mạnh kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1976 ngày 30/10/2013, Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có các vùng phát triển tại Lào Cai với 13 loài dược liệu bao gồm 4 loài địa phương: Bình vôi, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn và 9 loài nhập nội: Atisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, tam thất, xuyên khung. ưu tiên phát triển các loài: Atisô, đương quy, đẳng sâm.
Có thể bạn quan tâm

Theo một tổng kết mới đây của Bộ Công Thương, diện tích trồng bông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nguyên liệu bông sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% so với nhu cầu của toàn ngành dệt may.

Vĩnh Phúc là tỉnh có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho cây bưởi phát triển, trong đó huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường có lợi thế hơn cả, bởi nơi đây có quỹ đất lớn, chủ yếu là đất bãi, đất phù sa.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 1 ngàn hécta lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng, tăng hơn 500 hécta so với giữa tháng 5-2012. Diện tích lúa hè - thu bị nhiễm ốc bươu vàng tăng nhanh, đa số đang trong thời kỳ mạ, đẻ nhánh, là do thường xuyên có mưa lớn, ốc theo nguồn nước mưa lây lan ra các ruộng. Các huyện có diện tích lúa bị nhiễm ốc bươu vàng nhiều là: Xuân Lộc, Tân Phú và Trảng Bom.

Ba năm trở lại đây, phong trào trồng cây đu đủ giống Đài Loan rất phát triển tại thôn Đồng Danh, xã Đức Ninh (Hàm Yên). Trong thôn hiện có 20 hộ trồng, hộ trồng ít nhất 100 cây, hộ nhiều nhất 350 cây. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác như sắn, ngô… ở những chân đất cao, thoát nước tốt và có điều kiện bơm tưới

Ngân hàng Phát triển (VDB) ủng hộ các đề nghị của VASEP về gói hỗ trợ khẩn cấp cho DN cá tra Việt Nam. Trên cơ sở này, ngày 7/6/2012, VDB đã gửi Công văn hỏa tốc số 1812/NHPT-TDXK tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành cá tra theo Nghị quyết số 13/NQ-CP.