Kỳ Lạ Mua Heo Được... Bảo Hành Ở Chợ Heo Bà Rén
Chợ heo Bà Rén nằm nép mình bên đầu cầu Bà Rén, gần Quốc lộ 1A thuộc xã Quế Xuân (Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hình thành từ những năm 1970, đây là một trong những chợ heo lớn nhất nước.
Ông Lê Đình Lai (Ban quản lý chợ heo Bà Rén), cho biết, chợ chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất - đó là heo. Mỗi ngày chợ Bà Rén tập trung khoảng gần 1.000 con heo từ các vùng lân cận như: Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn… Sau đó, được các tiểu thương đem đi tiêu thụ hoặc bán tại chỗ cho các lái buôn.
Bà Lê Thị Năm, ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) cho biết, hơn 22 năm nay bà gắn bó với chợ heo Bà Rén này và ngày nào cũng vậy, từ tờ mờ sớm là bà chở heo vào chợ để bán cho các thương lái. Để có heo bán hằng ngày, sau buổi chợ sáng thì bà phải đi lùng sục mua heo từ các thôn xóm làng trong khu vực, sau đó gom heo đến chợ bán lại cho các lái buôn khác… Không chỉ có tiếng về các loại heo, mà chợ Bà Rén còn là ngôi chợ rất uy tín cung cấp các loại giống heo tốt, giá cả hợp lý và có “bảo hành” hẳn hoi.
Theo những người có thâm niên buôn bán lâu năm ở chợ Bà Rén thì chợ bán đủ các loại giống heo, nhưng phần lớn là các loại heo háu ăn, nhanh lớn và phổ biến như: Heo đại bạch, heo F1 (lai giống giữa heo cỏ và heo siêu nạc), heo cỏ... thường là các loại heo này rất mạnh khỏe, ít dịch bệnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng- một thương lái ở chợ cho biết, heo ở vùng Quảng Nam nói chung và các huyện lân cận địa bàn Quế Sơn nói riêng rất được khách hàng ưa chuộng, nhất là các hộ chăn nuôi ở miền Tây. Khi bán heo, thương lái còn đảm bảo… bù hàng nếu heo có vấn đề gì. “Khách hàng đánh dấu heo bằng cách xịt sơn màu vào đầu hoặc lưng heo. Nếu heo có vấn đề gì, chúng tôi dựa vào dấu sơn này để biết và sẽ “bảo hành” cho khách bằng cách đền bù tiền hoặc là đổi lại heo khác tốt hơn”- một thương lái khác cho biết.
Bà Năm và nhiều người buôn bán heo tại chợ này cũng cho rằng, nếu như bán heo bị dịch bệnh cho khách hàng thì sẽ mất uy tín ngay. “Trong trường hợp mua heo vẫn khỏe, nhưng khi ra chợ bán, người mua đem về nuôi phát hiện bệnh thì chúng tôi phải đổi ngay heo khác cho khách. Thường là khách mua heo ở đây sẽ được “bảo hành” từ 7-10 ngày sau khi bán”- bà Năm nói.
Anh Phạm Cư (Ban quản lý chợ) nhấn mạnh, heo tại chợ Bà Rén được quản lý chặt nên ít có heo bệnh. Heo đến chợ Bà Rén được các tay buôn mua lại rồi chở đi các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TP.HCM, miền Tây, Hà Nội… Cũng có khi heo của chợ Bà Rén còn bán sang tận Lào, Campuchia...
Chủ tịch Hội ND xã Quế Xuân 1, ông Nguyễn Trí Phương nhận định, không chỉ tiểu thương mà nhiều nông dân ở Quế Xuân 1 và các huyện lân cận sống khỏe nhờ chợ heo Bà Rén bởi có sẵn đầu ra cho heo giống. Nhất là vào các dịp cao điểm trước và sau tết, chợ heo này rất tấp nập kẻ bán, người mua…
Có thể bạn quan tâm
Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào vườn cây ăn trái tại huyện Chợ Mới (An Giang), nhiều nhà vườn ở xã Bình Phước Xuân (Chợ Mới) thực hiện trồng xoài ba màu theo hướng VietGAP mang lại hiệu quả, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Nhiều ngày qua, người trồng dưa hấu ở các tỉnh miền Trung cũng như thương lái đứng ngồi không yên trước cảnh hàng nghìn xe dưa hấu bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Tại Phú Yên, giá dưa liên tục giảm, nông dân và thương lái lại phải đóng nhiều khoản phí do địa phương quy định, khiến họ lâm cảnh lao đao.
Xuất khẩu thủy sản từ đầu năm đến nay gặp khó khăn đã kéo giá cá tra nguyên liệu xuống mức thấp còn 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi không có lãi. Chẳng những bị lỗ, hàng loạt hộ nuôi cá ở Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ… còn bị các doanh nghiệp nợ tiền mua nguyên liệu kéo dài không trả hoặc chỉ trả “nhỏ giọt”, khiến người nuôi khốn đốn…
Vợ chồng anh Lâm Phú Lợi (xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) đã nói như thế về sự đổi thay cuộc sống từ khi nuôi ếch giống đến nay.
Thực hiện tái cơ cấu đối với ngành hàng tôm càng xanh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đang triển khai dự án sản xuất lúa hữu cơ và nuôi tôm càng xanh theo quy trình VietGAP giai đoạn 2014 - 2020.