Thăm Đại Bản Doanh Nuôi Ngựa Cứu Người
Dáng dấp chẳng khác gì những con ngựa lọc cọc kéo xe, thồ hàng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, hay ngựa giải trí - thể thao dành cho du khách đến cao nguyên Đà Lạt, thế nhưng, những con ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế có một nét khác biệt vì chúng sinh trưởng chỉ để thực hiện sứ mệnh… hiến máu cứu người.
Đàn ngựa ở trại Suối Dầu đang thung thăng gặm cỏ ở ngoài đồng
1. Tọa lạc trên khu đất rộng hơn 115ha ở thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Trại chăn nuôi Suối Dầu không chỉ là “đại bản doanh” của ngựa, mà còn là nơi nuôi dưỡng một số loài vật phục vụ thí nghiệm như thỏ, chuột... Do đặc tính chuyên biệt của một cơ sở phục vụ nghiên cứu y khoa nên công tác quản lý rất nghiêm ngặt, vì thế tôi phải chủ động xin bút phê của Tiến sĩ y dược Lê Văn Bé - Viện trưởng IVAC trong giấy đề xuất trước khi tiếp cận.
Dẫn tôi đi tham quan những dãy chuồng ngựa hơn 300 con, nằm bên thảm cỏ xanh mướt, Thạc sĩ sinh học Nguyễn Văn Minh - Trưởng trại chăn nuôi Suối Dầu cho biết, 117 năm về trước, bác sĩ Yersin xây dựng Trại chăn nuôi Suối Dầu để giải quyết những vấn đề về dịch tễ trên gia súc và đặt nền móng cho hoạt động thú y ở Việt Nam. Bên cạnh việc sản xuất vắc xin, huyết thanh phòng ngừa - điều trị các bệnh thông thường cho gia súc ở Đông Dương, bác sĩ Yersin còn nghiên cứu sản xuất vắc xin, huyết thanh phòng ngừa - điều trị bệnh dịch hạch cho người. Hơn một thế kỷ trôi qua với nhiều giai đoạn lịch sử thăng trầm, Trại chăn nuôi Suối Dầu vẫn tồn tại và phát triển, phục vụ nghiên cứu khoa học vì sự sống con người từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất huyết thanh thô để điều chế các loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao, cúm và huyết thanh kháng dại, uốn ván, kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục tre... Chỉ tay về phía mấy con ngựa mới nhập trại, anh Minh tâm sự: “Trong đời sống thường nhật, khi nói đến an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng thường đề cập tới “rau sạch”, còn ở đây “ngựa sạch” là một tiêu chuẩn bắt buộc luôn được chú trọng từ khâu tuyển chọn vào trại đến suốt quá trình nuôi dưỡng và khai thác huyết thanh”.
Sau một cuộc tổng kiểm tra, sàng lọc sức khỏe rất nghiêm ngặt, ngựa mới được tuyển chọn vào trại. Tiêu chuẩn tối thiểu về độ tuổi từ 4 đến 6, trọng lượng 200kg trở lên, sung sức, không dị tật bẩm sinh, không có ký sinh trùng đường ruột, không mắc bệnh ngoài da, hồng cầu, bạch cầu phải đạt chỉ số tối thiểu. Sau khi được xét duyệt đủ tiêu chuẩn, ngựa mới được nhập trại và phải cách ly đàn ngựa đã có trước đó trong thời gian nửa năm, riêng ngựa đực bắt buộc phải “thiến”. Mỗi con ngựa nhập trại đều được bác sĩ thú y lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, tâm lý, chỉ định chế độ nuôi dưỡng. Hết hạn cách ly, ngựa có đủ điều kiện khai thác huyết thanh được “đóng” mã số hồ sơ trên thân để quản lý khi hòa nhập với đàn ngựa trong trại. Hàng chục dãy chuồng ngựa, mỗi dãy có 20 ô, vách xây, mái ngói giống nhau, nhưng chưa bao giờ ngựa vào nhầm chỗ. Khẩu phần trong ngày của một con ngựa từ 15 - 20kg cỏ tươi và 2,5 - 3kg thức ăn tinh chế từ cám, gạo, bắp, đậu, muối, sò...
Từ sáng sớm, bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt từng con ngựa, nếu phát hiện con nào có dấu hiệu bất thường về sức khỏe hoặc khẩu phần ăn còn thừa, thì phải giữ lại trong ô chuồng để chẩn đoán và điều trị. Những con ngựa đến lượt hiến máu cũng được tách riêng để đưa vào nơi khai thác huyết thanh. Theo một tín hiệu riêng, đàn ngựa tự về chuồng lúc 10 giờ sáng; buổi chiều, ngựa được tắm rửa, cắt bờm và ăn cỏ tươi. 20ha đất trồng cỏ voi và cỏ Para là nguồn thức ăn tươi của đàn ngựa được hàng chục công nhân đảm nhiệm chăm sóc, thu hoạch mỗi ngày từ 4 - 5 tấn. Trồng cỏ, chăm sóc ngựa là những công việc vất vả, cực nhọc, nhưng nhiều người vẫn gắn bó với nghề trên dưới 30 năm như anh Nguyễn Tăng Tài, Đặng Thiên Dũng.
2. Thấy tôi chăm chú nhìn những vết cạo lông trên lưng và cổ của 4 con ngựa mang mã số 575, 621, 892, 743 với vẻ ngạc nhiên, anh Nguyễn Tăng Đức - nhân viên khai thác và xử lý huyết thanh đã có 36 năm trong nghề “bật mí” rằng “đó là dấu vết của những lần tiêm kháng nguyên cho ngựa và lấy máu để sản xuất huyết thanh. Muốn lấy được huyết thanh thô, kỹ thuật viên phải tiêm kháng nguyên cho ngựa để tạo kháng thể chống lại độc tố một loại bệnh đã được chỉ định trước, hai tháng sau mới lấy máu”.
Ngựa được bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe xong mới chuyển giao cho công nhân đưa vào rọ sắt trong khu chuyên biệt, có khóa buộc chặt đầu bằng dây thừng để kỹ thuật viên tiêm kháng nguyên hoặc lấy máu. Một chiếc kim to và dài luồn vào tĩnh mạch, dòng máu từ cơ thể ngựa chảy ngược mũi kim theo ống dẫn vào bình nhựa đặt bên trong phòng lạnh có nhiệt độ 16 - 18 độ C. Bác sĩ Đặng Nghi - Tổ trưởng Tổ khai thác huyết thanh - cho biết, mỗi tháng ngựa được lấy máu một lần với liều lượng từ 1 - 1,5% trọng lượng cơ thể, tương ứng 3 - 4 lít máu. Bình quân mỗi năm một con ngựa cung cấp 60 - 65 lít huyết thanh. 3 giờ sau, 60 - 65% huyết tương trong bình chứa máu tự nổi trên bề mặt sẽ được tách chiết, đóng chai đưa lên xe chuyên dụng chở về Trung tâm IVAC ở Nha Trang để các nhà khoa học phân tích, điều chế loại huyết thanh đã chọn từ khi tiêm kháng nguyên cho ngựa.
3. Những con ngựa ngoài đời thường chỉ được ăn cỏ, uống nước cám gạo, mỗi ngày phải lọc cọc kéo xe, thồ hàng ngược xuôi những vùng nông thôn, miền núi hay phục vụ giải trí - thể thao cho du khách, dẫu vậy tuổi thọ bình quân vẫn đạt từ 50 - 60 năm. Trong khi đó, đàn ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu được chăm sóc theo chế độ đặc biệt nhưng chỉ được phép sinh tồn 10 năm rồi chuyển hóa thành... “cao xương ngựa IVAC”. Lý giải vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh cho biết: “Sau hơn chục năm, ngựa không còn khả năng phục vụ nhu cầu sản xuất huyết thanh đạt tiêu chuẩn chất lượng y tế, nên phải “thanh lý” để nấu cao”.
Thạc sĩ Minh cho biết thêm: “Chức năng nhiệm vụ chính của Trại chăn nuôi Suối Dầu là nuôi dưỡng ngựa để khai thác huyết thanh thô, nên cao ngựa là sản phẩm phụ không thể loại bỏ sau khi ngựa sống kết thúc sứ mệnh hiến máu cứu người. Gọi là sản phẩm phụ, nhưng “Cao xương ngựa IVAC” được tinh luyện từ nguồn xương ngựa nguyên chất, kết hợp một số phương thuốc cổ truyền dân tộc nên có công dụng bổ dương, ích khí, mạnh gân xương cơ, dùng cho các trường hợp suy nhược...
Chia tay Trại chăn nuôi Suối Dầu khi tiết trời chuyển mùa chào đón xuân mới - xuân Giáp Ngọ, nhìn đàn ngựa đùa vui trên bãi cỏ xanh mướt, tôi biết phía sau cuộc đời của chúng là niềm vui và sự sống của những người đã, đang và sẽ đón nhận may mắn thoát hiểm từ những liều huyết thanh kháng độc. Xin cảm ơn những con ngựa hiến máu cứu người và những người đã vất vả nuôi dưỡng, khai thác, điều chế huyết thanh từ máu ngựa.
Bình quân mỗi lít máu ngựa điều chế được từ 75-100ml kháng huyết thanh dại (SAR) hoặc 100ml kháng huyết thanh nọc rắn hổ mang đất, rắn lục tre (SAV), kháng huyết thanh uốn ván (SAT). Mỗi năm, Trại chăn nuôi Suối Dầu sản xuất từ 10.000-12.000 lít huyết thanh thô.
Có thể bạn quan tâm
Mặt hàng cây ăn trái đặc sản đang tăng vùn vụt, cung không đủ cầu. Trước hấp lực của giá cả, hàng nghìn nhà vườn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã ồ ạt đi mua cây giống để cải tạo lại vườn tược.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện nay phong trào nuôi động vật hoang dã của tỉnh phát triển khá mạnh. Đến nay, Bạc Liêu có hơn 229.000 con cá sấu, khoảng 113.170 con cua đinh, ba ba và trên 136.900 con trăn, rắn...
Gần đây, mô hình trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao theo hướng bền vững với sự liên kết 3 nhà: chủ trang trại - công ty cung cấp giống, thức ăn gia súc, kỹ thuật chăn nuôi - ngân hàng đã được xây dựng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có Đại Lộc.
Gần như không tốn thuốc điều trị bệnh, ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp nhưng giá trị lại cao là những lợi thế của mô hình nuôi ba ba trong bồn. Tuy thời gian nuôi có hơi dài (khoảng 18 tháng) nhưng lợi nhuận thu được gấp 3 lần vốn bỏ ra. Hơn nữa, người nuôi chỉ cần cho ăn mỗi ngày một lần, thỉnh thoảng mới phải thay nước bồn…
Chị Mấu Thị Bình là một trong những người phụ nữ Raglai tiêu biểu ở thôn Nha Húi biết cách làm ăn vượt khó thoát nghèo, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm góp phần xây dựng nông thôn mới.