Cam sành giá siêu rẻ ở Sài Gòn bị nghi hàng Trung Quốc
Loại cam giá rẻ, bày bán trên nhiều con đường ở Sài Gòn có vỏ xanh đen, sần sùi, cơm vàng và nhiều hạt.
Do giá rất thấp, một số người mua e ngại đây là hàng Trung Quốc.
Anh Thiết, một người bán loại quả này trên đường Điên Biên Phủ (Bình Thạnh) cho biết, đây là cam sành miền Tây, đang vào mùa nên mới có giá rẻ như vậy.
“Tôi biết người mua không thích hàng Trung Quốc nhưng đây là cam Việt Nam.
Đừng đổ oan cho chúng tôi.
Chúng tôi bán không được, người trồng cũng khổ”, anh Thiết nói.
Những xe hoa quả ở lòng đường bán cam siêu rẻ 15.000 đồng/2 kg.
Cách anh Thiết chừng trăm mét, chị Nguyễn Thị Hạnh khá bức xúc khi nghe chuyện một số người cho rằng cam vỉa hè là hàng Trung Quốc.
Chị này cho biết, rất nhiều người ghé vào chưa hỏi giá đã hỏi là cam Trung Quốc hay Việt Nam.
Người biết cam Việt thì mua, còn phân vân thì người bán có nói gì họ cũng không tin.
“Giờ cam sành miền Tây đổ đầy ở chợ đầu mối Thủ Đức, muốn mua bao nhiêu chẳng có.
Rảnh đâu mà chúng tôi nhập cam Trung Quốc với giá cao gấp 2-3 lần”, chị Hạnh khẳng định.
Theo chị, giá ở chợ đầu mối rất rẻ, người bán lựa cam chất lượng bán từ 5.000-7.000 đồng/kg hoặc cao là 15.000 đồng cho 2 kg, chứ loại trái nhỏ và vỏ xấu chỉ 2.000-4.000 đồng, mua sỉ còn thấp hơn nữa.
Tuy nhiên, khi bước vào chợ hay những cửa hàng, chúng tôi được thông tin khác dù cùng bán loại cam có vẻ bề ngoài giống nhau.
Tại một cửa hàng bán trái cây ở chợ Thị Nghè (Bình Thạnh), 3 sọt cam lớn được trưng ra với nhiều chủng loại, và giá thấp nhất là 20.000 đồng/kg.
Khi thắc mắc sao cao hơn giá bán xe đẩy nhiều lần, người bán tại đây thanh minh: “Cam đấy là hàng Trung Quốc nên giá rẻ.
Cam tôi là Việt Nam, chất lượng tốt hơn, bán giá như họ thì chỉ có lỗ”, chủ hàng này nói.
Ở chợ Bà Chiểu, sau khi nói giá 40.000 đồng/kg, chủ quầy trái cây khẳng định, đây là cam Mỹ.
Màu sắc và hình dạng bên ngoài loại quả này giống như cam bán xe đẩy, chỉ khác là trái to hơn.
Trước so sánh của khách về chênh lệch giữa giá cam tại sạp và ngoài đường, chủ quầy này cũng khẳng định, cam Mỹ không thể bán bằng giá cam Trung Quốc.
Cam sành vỏ xanh của Việt Nam
Theo ông Dụng Quý Đông, chủ trang trại trái cây Quý Đông (Bình Phước), hiện nay, cam Trung Quốc chủ yếu là loại có vỏ vàng, ít hạt, thường giống cam Mỹ.
Còn loại vỏ xanh, sần sùi đang bày bán nhiều là hàng Việt Nam, được trồng nhiều ở các tỉnh miền Nam.
“Cam ưa nắng và nước, nhiệt độ trung bình để tạo đường là 35 – 38 độ C nên Việt Nam có lợi thế về loại quả này.
Trung Quốc lạnh hơn ở Việt Nam nên quả không ngọt bằng và vỏ vàng giống cam Mỹ thay vì xanh như cam sành Việt”, ông Đông khẳng định.
Cam sành phần lớn trồng miền Nam thường có vỏ xanh sẫm và sần sùi, bên trong nhiều hạt.
Cùng quan điểm đó, ông Đinh Ngọc Thành, chủ nhiệm tổ hợp tác quýt đường, cam xã Tân Thành (Bình Phước), cho biết hiện Trung Quốc chỉ chiếm ưu thế ở những chủng loại như nho, táo, lựu.
Còn cam, quýt qua Việt Nam rất ít vì không cạnh tranh được với hàng nội.
Theo ông Thành, chính vụ của cam, quýt là từ tháng 8–11 nên lượng hàng trong miền Nam rất dồi dào.
Thêm vào đó, loại quả này đụng mùa với cam Bắc Giang, Hưng Yên nên giá giảm rất mạnh.
Đại diện của đơn vị chuyên kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cũng cho biết cam sành với vỏ xanh, sần sùi được trồng phổ biến ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Giờ đang vào chính vụ, cam rất nhiều nên giá giảm hơn một nữa so với trái vụ.
Theo tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, thời gian qua nhiều lần trái cam sành miền Nam bị oan vì tin đồn là hàng Trung Quốc khiến người nông dân lao đao.
Ông Lập cũng khẳng định, cam sành Việt trồng ở vùng nhiệt đới nên khi chín vỏ thường xanh sẫm, hạt nhiều, còn cam Trung Quốc vỏ vàng, trái to hơn, thường không hoặc ít hạt.
Có thể bạn quan tâm
Khổ qua trồng được trên nhiều loại đất, đất cần được cày, xới (mùa khô đất phơi ải trước 8 ÷ 10 ngày, mùa mưa yêu cầu chân đất cao ráo không bị ngập nước) dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, bón vôi xử lý đất (30kg/sào).
Chị Đào Thị Hằng, thôn Xuân Tiến, xã Tự Lạn (Việt Yên - Bắc Giang) mượn 2 ha ruộng của bà con trong thôn để trồng dưa bao tử mang lại khoản thu nhập đáng kể.
Đầu năm 2009, thời tiết mưa nhiều, đa số các vườn trồng chôm chôm ở Đồng Nai cho trái muộn và thất mùa. Thế nhưng, vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Nam ở ấp Bưng Cần, xã Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc), vẫn sai trái và thu lời hơn 70 triệu đồng/hécta
Nằm ở khu vực ĐBSCL nên Vĩnh Long có tiềm năng đa dạng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Sự phong phú về đối tượng cây trồng, vật nuôi, cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên
Nhìn ngôi biệt thự đẹp lộng lẫy nằm giữa thôn Khúc, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, Hưng Yên của anh Đỗ Văn Sỹ, ai cũng thán phục.