Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cam Canh, Bưởi Diễn Vào Mùa Đón Tết

Cam Canh, Bưởi Diễn Vào Mùa Đón Tết
Ngày đăng: 18/12/2013

Nhắc đến trồng trọt ở xã Việt Dân (Đông Triều - Quảng Ninh), người ta thường nghĩ tới cây na dai, một “thương hiệu” khá nổi tiếng của vùng đất này. Thế nhưng, Việt Dân không chỉ có na dai; những năm gần đây, cây cam Canh và cây bưởi Diễn cũng đã và đang trở thành một trong những “cây chủ lực”, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân...

Dẫn chúng tôi đi tham quan vùng chuyên trồng cam Canh, bưởi Diễn của xã, ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Dân, cho biết: “Những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Cụ thể, đối với vùng thấp thì đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa ngắn ngày, chất lượng vào gieo cấy; đối với vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả thì chuyển sang đào ao nuôi trồng thuỷ hải sản; còn vùng đồi núi thấp thì trồng cây ăn quả.

Dựa vào lợi thế về đất vùng đồi núi thấp phù hợp trồng cây ăn quả, người dân trong xã đã đưa trồng thử nghiệm nhiều loại cây khác nhau, trong đó có cây cam Canh và bưởi Diễn. Mới đầu, chỉ có một vài hộ trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình, nếu có bán cũng chỉ nhỏ lẻ trên địa bàn xã. Tuy nhiên, nhận thấy hai giống cây này cho hiệu quả kinh tế cao, lại được thị trường tiêu dùng ưa chuộng, người dân trong xã mới trồng nhiều…”.

Đến nay, toàn xã có gần 15ha trồng cây cam Canh, bưởi Diễn tập trung ở 4 thôn: Đồng Ý, Cửa Phúc, Khe Hạ và An Trại. Nhằm thúc đẩy phong trào trồng cam Canh, bưởi Diễn, đồng thời tạo sân chơi cho người dân có dịp chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, xã đã thành lập Câu lạc bộ trồng cam và Câu lạc bộ trồng bưởi, với 35 hội viên tham gia.

Bên cạnh việc đứng ra tín chấp cho hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp tổ chức các lớp học nghề trồng cây cam Canh, bưởi Diễn và mở các lớp tập huấn chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho hai loại cây này. Nhờ được tập huấn kỹ thuật cộng với kinh nghiệm thâm canh từ nhiều năm, cam Canh và bưởi Diễn phát triển khá nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bình quân hàng năm, thu nhập từ cam Canh và bưởi Diễn đạt khoảng 550 triệu đồng/ha. Từ nghề trồng hai loại cây này, đã xuất hiện nhiều điển hình cho phong trào phát triển kinh tế với thu nhập cao. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Văn Cường (thôn Cửa Phúc), gia đình ông Nguyễn Văn Ngân (thôn Cửa Phúc), gia đình bà Nguyễn Thị Mai (thôn An Trại)…

Chúng tôi đến thăm vườn cam của bà Nguyễn Thị Liên (thôn Cửa Phúc) khi màu cam chín vàng rực gần như đã phủ kín cả khu vườn. Mảnh đất rộng gần 7.200m2 của gia đình bà có đến gần 2.000 cây cam đủ loại. Trong số đó, phần lớn đều là những cây cam cao vượt quá đầu người và chi chít quả, còn lại là một số cây con mới trồng, còn đang mọc mầm.

Tiếp chuyện chúng tôi trong vườn cam đang ở thời kỳ chín quả, bà Liên phấn khởi cho biết: “Cam Canh là loại cây ăn quả khá dễ trồng, dễ chăm sóc và cũng không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc gì cầu kỳ. Hơn nữa, giống cây này lại phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở vùng này nên phát triển nhanh, cho quả to và ngọt. Do đó, cam Canh của Việt Dân rất được thị trường tiêu dùng ưa chuộng.

Cứ mỗi độ giáp Tết, thương lái ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh đều đổ về đây đặt mua để kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán. Tuỳ vào từng thời điểm mà giá bán lại có sự chênh lệch khác nhau. Bây giờ, cam Canh đang bán với giá 60.000 đồng/kg.

Nhưng đến đợt cao điểm vào đợt giáp tết, giá bán sẽ lên đến từ 70.000-75.000 đồng/kg. Mặc dù giá cam Canh đắt hơn so với một số loại hoa quả khác nhưng hầu như năm nào gia đình tôi cũng bán rất đắt hàng. Cứ có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, thậm chí còn không có bán”. Một vài năm gần đây, vườn cam Canh của gia đình bà Liên lúc nào cũng cho sản lượng cao, đạt từ 5-6 tấn/vụ. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí đi, gia đình bà vẫn thu lãi từ 300-400 triệu đồng.

Ông Đồng Duyên Thắng, Bí thư Đảng uỷ xã Việt Dân, cho biết: “Không chỉ dừng lại ở việc bán quả, những năm gần đây, người trồng cam Canh, bưởi Diễn còn trồng và chăm sóc cây cam cảnh, bưởi cảnh để phục vụ người dân trang trí và chơi Tết. Mỗi cây thường có giá từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.

Hiện nay, cam Canh và bưởi Diễn của Việt Dân không chỉ được tiêu thụ ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mà còn vươn ra các thị trường lớn như Hải Phòng, Hà Nội… Từ hiệu quả kinh tế đã có của hai loại cây ăn quả này, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng cam Canh, bưởi Diễn trên địa bàn xã để sớm xây dựng được vùng sản xuất tập trung trong tương lai”.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Dẫn Hỗ Trợ Lãi Suất Vay Mua Thóc, Gạo Tạm Trữ Vụ Đông Xuân Hướng Dẫn Hỗ Trợ Lãi Suất Vay Mua Thóc, Gạo Tạm Trữ Vụ Đông Xuân

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 65/2012/TT-BTC hướng dẫn hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng để mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2011-2012.

02/05/2012
Cá Tra - Cơ Hội Tiến Xa Cá Tra - Cơ Hội Tiến Xa

Ngày 12/9/2011, Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) công bố danh sách 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010. Cá tra, basa của Việt Nam đứng vị trí thứ 9, tăng một bậc so với năm 2009.

06/10/2011
Phập Phù Nuôi Vẹm Phập Phù Nuôi Vẹm

Sau trận đại dịch đầu năm 2009 làm khoảng 4.000 tấn vẹm xanh của người dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hoà (Khánh Hoà) bị chết, đến nay nghề nuôi vẹm trên đầm Nha Phu đã dần hồi phục.

07/03/2012
Trồng Nhãn Muộn: Hiệu Quả Và Phương Pháp Ghép Cải Tạo Trồng Nhãn Muộn: Hiệu Quả Và Phương Pháp Ghép Cải Tạo

Ưu điểm của cây nhãn muộn là sinh trưởng khoẻ, ra hoa không cách năm. Quả to mẫu mã đẹp, cùi dày, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Do có năng suất cao, chất lượng tốt, chín sau các giống nhãn chính vụ khoảng gần 1 tháng nên giá bán của nhãn muộn thường cao gấp 2-3 lần giống chính vụ.

08/03/2012
Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ Bấp Bênh Nghề Nuôi Ốc Hương Ở Ninh Thọ

Ốc hương là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với ngư dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa, trong đó có xã Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Tuy nhiên, chi phí đầu tư để nuôi ốc hương rất lớn, trong khi nghề nuôi ốc hương rất bấp bênh.

16/05/2012