Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cải Tạo Đàn Bò Địa Phương - Hướng Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững

Cải Tạo Đàn Bò Địa Phương - Hướng Phát Triển Chăn Nuôi Bền Vững
Ngày đăng: 14/11/2013

Huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) là địa phương có số lượng đàn bò lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện đã đẩy mạnh việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi, vận động người dân chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng tổng đàn.

Nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò

Phát huy lợi thế diện tích đất bãi lớn, thuận lợi chăn thả, trồng cỏ nuôi bò, mấy năm gần đây, huyện Tân Hồng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc; đặc biệt là là chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng lai các giống bò nhập ngoại. Chương trình này không chỉ cải thiện được tầm vóc của giống bò địa phương, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết, dẫn đến việc chậm phát triển mà còn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Mẵn ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi giống bò vàng “ta” khoảng 6 con, nhưng giống bò này nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi có chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, gia đình tôi được Trạm Thú y huyện hỗ trợ liều tinh phối giống và tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 4 con bò cái nền địa phương. Kết quả mang lại ngoài mong đợi, sau 2 năm, gia đình tôi có 4 con bê lai và chỉ sau 10 tháng đã có bê xuất bán với giá từ 13-15 triệu đồng/con”.

Tương tự như gia đình ông Mẵn, ông Trần Văn Lợi ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi giống bò “ta” hiệu quả không cao lắm, trung bình mỗi con bê chỉ bán được từ 4 - 5 triệu đồng. Đến năm 2011, khi phối giống bò lai sind trọng lượng lớn, giá trị thu nhập cao hơn hẳn. Riêng năm 2013, tôi bán 4 con bò 3 tháng tuổi được gần 50 triệu đồng”.

Hiện nay, phong trào chăn nuôi bò lai sind theo hướng công nghiệp đang phát triển mạnh ở cả 9 xã, thị trấn. Toàn huyện Tân Hồng hiện có trên 9.500 con bò, tăng 2.000 con so với năm 2012, trong đó bò lai sind chiếm hơn 60% tổng đàn. Đồng thời nhằm phục vụ tốt hơn cho việc chăn nuôi, toàn huyện hiện có trên 20.000ha diện tích trồng cỏ chất lượng cao. Chỉ tính riêng chăn nuôi bò lai sind, năm 2012, huyện Tân Hồng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 10.000 con bò thịt.

Ông Phan Thanh Xuân - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng cho biết: “Trong những năm qua, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp đã thúc đẩy số lượng đàn bò trong huyện tăng nhanh. Trong đó, số lượng bò lai sind chiếm phần lớn. Ngoài ra để khuyến khích các mô hình trang trại, gia trại phát triển, huyện có chủ trương cho người dân được vay vốn từ 8-10 triệu đồng để phát triển chăn nuôi... Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ làm việc với Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959 để thực hiện xây dựng chợ mua bán trâu, bò ở 2 xã Bình Phú và Tân Hộ Cơ”.

Cũng theo ông Xuân, đối với các nguồn vốn, chính sách đầu tư, hỗ trợ phục vụ mục tiêu đề án tập trung vào những vùng trọng điểm, thật sự có lợi thế và điều kiện để phát triển đàn bò theo hướng công nghiệp, vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tận dụng hết tiềm năng của địa phương. Với những chính sách khuyến khích hợp lý, Tân Hồng đang đưa ra mục tiêu toàn huyện sẽ đạt 10.000 con bò lai sind vào năm 2015.

Ông Đỗ Thanh Ngọc - Trưởng Trạm thú y huyện Tân Hồng cho biết, nhằm thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng sind hóa cùng với việc xây dựng mạng lưới dẫn tinh viên cơ sở, từ đầu năm đến nay, toàn huyện thực hiện được việc gieo tinh cho hơn 100 con và tiêm phòng dịch bệnh miễn phí cho 5.500 con bò.

Để nâng cao hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò, ngoài chính sách hỗ trợ, Trạm thú y huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nuôi bò lai. Về lâu dài, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò; xây dựng mối liên kết giữa cơ sở chế biến với người chăn nuôi để tạo thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ. Riêng đối với đàn bò, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng được đàn bò nái nền giống ngoại, nếu chỉ dừng lại ở việc tạo ra con lai F1 làm bò thịt sẽ gây ra sự lãng phí năng lực sinh sản của đàn bò và năng suất thịt rất thấp. Có như vậy, chương trình cải tạo đàn bò mới đạt hiệu quả cao và bền vững.

Đẩy mạnh việc chăn nuôi bò theo hướng an toàn

Để thực hiện tốt những chỉ tiêu đề ra, các ngành các cấp huyện Tân Hồng tập trung xây dựng mạng lưới đào tạo, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật lai tạo giống, xây dựng các mô hình trình diễn chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định của Nhà nước về tiêm phòng, giết mổ, vận chuyển gia súc khu vực biên giới, kinh doanh mua bán thức ăn gia súc, thuốc thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm...

Quan trọng hơn hết, từ đầu năm đến nay, Trạm thú y phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn nhiều đợt về kỹ thuật, phổ biến việc ứng dụng nhanh các tiến bộ về công nghệ chuồng trại, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo mô hình khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến tập trung. Đẩy nhanh việc ứng dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo để cải tạo tầm vóc, nâng tỷ lệ thịt xẻ đàn bò. Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và thức ăn qua chế biến, sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng tăng cường cập nhật và quảng bá thông tin về tình hình chăn nuôi; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường, tiềm năng chăn nuôi của huyện, thực hiện có hiệu quả công tác dự báo thông tin thị trường phục vụ cho phát triển chăn nuôi của địa phương.

Theo ông Võ Trọng Phước- Phó Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh Đồng Tháp, trong thời gian tới, bên cạnh những giải pháp tăng tổng đàn, huyện Tân Hồng cần tập trung nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn nhằm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của từng hộ chăn nuôi và của địa phương.

Đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi để tăng tổng đàn, ông Phước cho rằng, nên tập trung vào chất lượng giá trị chứ không chú trọng vào số lượng đầu con. Khuyến khích tạo mọi điều kiện cần thiết cho các nhà đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của huyện Tân Hồng trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu ra cho sản phẩm. Vận động khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ thâm canh, phục vụ chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp dân khấm khá Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp dân khấm khá

Việc thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã tạo thêm động lực để các cấp Hội ND tỉnh Sóc Trăng nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là hỗ trợ hội viên, ND phát triển sản xuất, giúp nâng cao vai trò, vị thế của Hội…

06/11/2015
Bộ trưởng thấy lạnh xương sống vì chất cấm Bộ trưởng thấy lạnh xương sống vì chất cấm

“Đọc thông tin ở Bình Dương phát hiện chuối ngâm vào thuốc diệt cỏ 2,4 D, tôi thấy lạnh xương sống. Cứ nghĩ những đứa trẻ ăn phải chuối đó thì sao. Đó là tội ác chứ không phải chỉ là vi phạm” - Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói.

06/11/2015
Nhóm hàng rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP Nhóm hàng rau quả, thủy sản sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ TPP

Với Việt Nam, cơ hội mở cửa thị trường, đẩy mạnh chế biến, xuất khẩu cao sẽ đến với nhóm hàng rau quả, thủy sản; mức độ trung bình đối với gạo, càphê, cao su, gỗ, điều; mức độ tác động tiêu cực cao sẽ đến với ngành chăn nuôi.

06/11/2015
Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định TPP về nông nghiệp Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định TPP về nông nghiệp

Sáng 6-11, Bộ NN&PTNT công bố nội dung hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Hàng loạt thách thức, cơ hội đã được chỉ ra.

06/11/2015
Thoát nghèo nhờ cây hẹ Thoát nghèo nhờ cây hẹ

Là hộ nghèo ít đất, nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, vươn lên thoát nghèo nhờ cây hẹ.

06/11/2015