Sản xuất thức ăn chăn nuôi cuộc chiến đang hồi gay cấn
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn), trên toàn tỉnh có trên 30 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở cung cấp cho thị trường trong nước gần 210 ngàn tấn thức ăn chăn nuôi đóng bao. Thức ăn chăn nuôi sản xuất tại Đồng Nai rất đa dạng gồm thức ăn cho heo, gà, vịt, bò, thủy sản.
* FDI đang chi phối thị trường
Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có công suất lớn tại Đồng Nai đa phần thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), như: Công ty cổ phần C.P Việt Nam, Công ty TNHH Cargill Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2
(TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Deheus Đồng Nai, Công ty TNHH CJ Vina Agri ở Khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Công ty TNHH Woosung Vina ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom)...
Không chỉ chiếm thị phần lớn tại Đồng Nai, một số doanh nghiệp còn đang chi phối thị trường thức ăn chăn nuôi của cả nước. Thông tin từ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, dẫn đầu trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện nay là Công ty cổ phần C.P Việt Nam (Thái Lan) chiếm 19,5% sản lượng đưa ra thị trường, tiếp đến là Công ty TNHH Cargill Việt Nam (Hoa Kỳ) chiếm trên 8%. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và đây là ngành thu hút nhiều nhà đầu tư.
Ông Kim Sung Kang, Giám đốc Công ty TNHH CJ Vina Agri, cho biết: “Công ty mới đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Dầu Giây với công suất gần 300 ngàn tấn/năm. Tới đây, chúng tôi sẽ liên kết mở rộng chăn nuôi, chế biến tại Đồng Nai để tạo thành chuỗi khép kín”.
Dù đang dẫn đầu trong thị trường sản xuất thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi heo, gà, song C.P vẫn đang rốt ráo đổ thêm vốn đầu tư cho lĩnh vực chế biến để tạo thành chuỗi khép kín trong chăn nuôi. Theo đại diện của công ty này, song song với việc giữ ngôi vị đầu bảng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, công ty tiếp tục hợp tác nông dân mở rộng chăn nuôi heo, gà, thủy sản. Bên cạnh đó, C.P còn đầu tư cho lĩnh vực chế biến nhằm tạo thành chuỗi từ trang trại đến bàn ăn. Những tập đoàn FDI khi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi chỉ là bước đầu, hầu hết đều có kế hoạch mở rộng sang chăn nuôi, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường.
* Cạnh tranh gay gắt
Gần đây, một số tập đoàn trong nước cũng đã chú ý đến ngành thức ăn chăn nuôi và có những đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Cuộc cạnh tranh giữa các tập đoàn nội, ngoại trên lĩnh vực này diễn ra không kém phần gay gắt. Sau khi Tập đoàn CJ Hàn Quốc đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi khoảng 20 triệu USD tại huyện Thống Nhất, thì ngay sau đó Tập đoàn Hòa Phát cũng chính thức thông báo sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại TX.Long Khánh với tổng vốn khoảng 200 tỷ đồng, công suất 200 ngàn tấn/năm và dự tính sẽ đi vào sản xuất cuối năm 2016.
Gần đây, Tập đoàn Masan (Việt Nam) chính thức mua lại cổ phần của Công ty cổ phần thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco) và Công ty cổ phần dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (Anco) bởi coi đây là mảng đầu tư kinh doanh lớn đem lại lợi nhuận cao cho tập đoàn.
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, ước tính tổng công suất mà các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai được thiết kế lên đến trên 3,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà máy chưa sản xuất hết công suất. Trong đó, sản xuất lớn nhất là Proconco với gần 510 ngàn tấn/năm, C.P gần 471 ngàn tấn/năm, Công ty TNHH dinh dưỡng Á Châu hơn 300 ngàn tấn/năm... |
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, nhận xét: “Lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn lớn. Lâu nay, lĩnh vực này kinh doanh ít rủi ro nên gần đây nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã đổ vốn vào đầu tư nhà máy sản xuất với công suất khá lớn khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra”.
Cũng theo ông Bình, các tập đoàn lớn khi đầu tư vào lĩnh vực này có nhiều điểm hơn hẳn doanh nghiệp nhỏ trong nước, như: có vốn lớn, đầu tư bài bản, có những chính sách ưu đãi cao cho các đại lý phân phối và đều xây dựng chuỗi liên kết từ khâu cung cấp con giống, thức ăn, mua lại sản phẩm chế biến và đưa ra thi trường. Do đó, những doanh nghiệp vừa, nhỏ trên lĩnh vực thức ăn chăn nuôi phải tự tìm cách riêng cho mình mới tồn tại được.
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, khẳng định, khoảng 2 năm trở lại đây nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai với công suất khá lớn. Lý do khiến các tập đoàn hay chọn Đồng Nai đặt nhà máy là vì tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước và trên 60% nuôi theo hình thức trang trại.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn 2010 - 2015 sản lượng ngành Thủy sản Nghệ An đạt 145.000 tấn, tăng 45% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ qua đặt ra; kết quả đó là từ nỗ lực của nghề cá nhân dân trong khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản...
Theo lịch thời vụ, thời gian thả nuôi tôm quảng canh mô hình tôm - lúa đã kết thúc, ngành nông nghiệp Sóc Trăng khuyến cáo nông dân cần xả bỏ nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để rửa mặn cho đất, chuẩn bị gieo sạ lại vụ lúa để sản xuất bền vững.
Bên cạnh những mùa bội thu, nhiều vụ người nuôi tôm lâm vào cảnh tay trắng vì tôm dịch, chết. Khi tôm chết, đỏ thân thì xuất hiện một nghề rất mới - nghề buôn tôm đỏ (tôm thối).
Theo thống kê của Trạm Nuôi trồng thủy sản huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), vụ 1 năm 2015 trong số hơn 60 ha nuôi tôm lót bạt trên toàn địa bàn thì chỉ có khoảng 40% các ao nuôi thu được lợi nhuận.
Đây là con số được đưa ra tại cuộc họp giao ban tháng 9 về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất quý III, nhiệm vụ công tác quý IV được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/10/2015, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám.