Cá Trắm Hồ Tây Giá Nửa Triệu Đồng Vẫn Hút Khách
Tôm, cá đánh bắt từ hồ Tây (Hà Nội) có giá đắt hơn các loại nuôi trong ao hồ bình thường, nhưng vẫn được mua nhiều, vì… sạch!
Chị Hiền (Nhật Tân, Tây Hồ), thường dậy sớm để thu mua được những mẻ cá hồ còn “giãy đành đạch” từ công ty Cá Hồ Tây. Mỗi ngày chị bán một loại, có hôm chị bán cá rô phi, tôm. Hôm khác chị lại bán cua, cá trôi, cá trắm…Chị Hiền cho biết, người ta đánh bắt được gì thì chị thu mua cái ấy. Sáng nào chị cũng đến sớm để chọn được nhiều cá to, tôm càng lớn.
Cũng theo chị Hiền, có những hôm gặp nhiều con trắm hồ Tây nặng tới 8 kg, giá tới 500.000 đồng, khách cũng mua về chia cho họ hàng thưởng thức cùng. Ở các chợ dân sinh, nếu cá rô phi 40.000 - 50.000/kg, tôm 200.000 - 230.000 đồng/kg, cá trôi, cá trắm có giá 60.000/kg, cá chép 80.000 đồng/kg... thì các loại tôm, cá hồ Tây đều đắt hơn từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg, song vẫn bán khá chạy.
"Không ít người còn mua sẵn các loại tôm cá hồ Tây về làm thức ăn cho trẻ nhỏ mới tập ăn dặm. Nhiều nhà quanh khu vực hồ Tây còn làm ruốc cá mè, chả cá rô để bán. Những thực phẩm chế biến sẵn này cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng, mỗi kg chả cá rô có giá 120.000 đồng", chị Hiền cho biết.
Còn theo chị Dung ở phố Lê Duẩn, một người thường săn mua thủy sản hồ Tây, sở dĩ cá, tôm ở đây được nhiều người ưa chuộng vì độ tươi, ngon, nhưng trên hết là sạch, không có hoặc ít hóa chất hơn so với các loại bán ngoài thị trường. Quanh hồ Tây cũng mọc lên nhiều chợ cá lưu động. Cá bán tại các chợ này hầu hết là thành quả của những người đi câu.
Tranh thủ 2 tiếng buổi sáng sớm, ông Hòa (Tây Hồ, Hà Nội) câu được mẻ cá rô ngót nghét 50 con, mỗi con chừng nửa kg, ông để ra một phần bán cho khách. Vợ ông Hòa cũng "lập chợ" bán luôn cho khách gần hồ. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, mẻ cá được bán hết sạch. Ông Hòa cho biết, có những hôm câu được cá buổi chiều thì ông bà bán hàng tại nhà, khách chủ yếu là hàng xóm.
Quanh hồ Tây, nhiều quán cũng mọc lên với tên biển quảng cáo “hải sản hồ”, “hải sản tươi sống”… Chị Tâm, chủ nhà hàng ven hồ Tây cho biết, cửa hàng chị mở ngay tại ngôi nhà nhỏ, không gian chưa thực sự bắt mắt nhưng khách đến ngày càng đông, lý do là vì quán chị chỉ bán tôm, cá hồ Tây.
Ông Đức Thắng (nhà ở phố Trần Phú, Q. Ba Đình) là một khách hàng quen thuộc cho biết, đã đến thưởng thức đặc sản hồ ở đây rồi là phải quay lại. “Tôm cá không nung núc thịt như ở chỗ khác, nhưng rất ngọt, còn tôm nướng với đôi càng dài ngoằng, nhìn là biết đích thị tôm hồ xịn”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, cũng không ít người lợi dụng mác thủy sản hồ Tây để trà trộn các loại hàng khác vào bán cùng. Để phân biệt cá hồ “xịn” với cá “chợ” trộn vào, anh Thành Trung (Quảng An, Tây Hồ), khách quen của chợ cá lưu đông ven hồ Tây cho biết, nên nhìn vào số lượng cá to bán tại chợ. Cá hồ Tây nhiều, nhưng hiếm khi câu được cá to. Cả ngày câu được một con cá trắm đã là may mắn, nên với những hàng bán cả chậu trắm to, thì khả năng không phải cá hồ Tây xịn.
Có thể bạn quan tâm
Giá heo hơi trên thị trường đang tăng cao, kéo giá heo thịt tăng từ 10 đến 15% so với tháng trước. Nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh bắt đầu cho tái đàn, sau một thời gian dài “treo” chuồng hoặc nuôi với số lượng ít.
Lãnh đạo UBND huyện Sông Hinh cho biết, mủ cao su trồng tại huyện được các thương lái mua với giá 11.000 đồng/kg mủ đông, giảm 5.000 đồng/kg so với năm trước và chỉ bằng 1/3 giá mủ của năm 2010.
Tháng 07/2013, mặc dù trên biển Đông xuất hiện cơn bão số 2, có tên quốc tế là Rammasun, với cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khai thác hải sản của ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, cũng như người nuôi tại một số tỉnh,. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cơn bão chưa gây tác động nhiều đến kết quả sản xuất trong tháng.
Thời gian qua, bệnh đốm trắng trên thanh long diễn biến phức tạp, gây lo lắng cho người trồng thanh long. Đặc biệt, trong lúc giá thanh long diễn biến chưa thuận lợi, tình trạng bệnh đốm trắng gây hại thanh long xảy ra trên diện rộng càng gây khó khăn cho người trồng.
Tơ Hồng Đô (Thiệu Hóa) từng dệt nên thương hiệu dân gian cho cả một vùng đất, nhưng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm. Có thời kỳ do đầu ra của sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.