Cá Tầm Trong Nước Lao Đao Vì Cá Tầm Nhập Lậu

Trong khi rất nhiều người tiêu dùng bị lừa khi mua phải cá tầm nhập lậu, thì không ít cơ sở sản xuất trong nước lại đang chờ phá sản vì không thể cạnh tranh với cá tầm nhập lậu giá rẻ.
Tại chợ cá Yên Sở (Hà Nội), càng về khuya, những chiếc xe tải chở cá càng tấp nập kéo về chợ đầu mối thủy sản này.
Tháng trước, một vụ bắt giữ cá tầm nhập lậu đã diễn ra tại đây. Nhưng đến thời điểm này, cá tầm không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai. Và người mua có thể dễ dàng mua sản phẩm cá nước lạnh này với giá 150.000 đồng/kg.
Theo nhân viên của hộ kinh doanh cá tầm, mỗi ngày đêm họ bán ra không dưới 2 tấn cá. 150.000 đ/kg với khách bán mua lẻ, giá mua buôn chỉ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, với các nhà nuôi cá tầm trong nước, nếu tuân thủ đúng quy trình nhập cá giống, kiểm dịch, nuôi trồng theo tiêu chuẩn kĩ thuật, thì giá cá thương phẩm không thể dưới 200.000 đồng/kg nếu muốn có lãi.
Những bể nuôi cá tầm ở Lai Châu, từng một thời được kỳ vọng như một hướng đi mới cho ngành thủy sản, giờ chỉ hoạt động cầm chừng.
Ông Trần Yên, đại diện Hiệp hội các nhà nuôi cá nước lạnh cho biết: "Nhiều người tiêu dùng trong nước đã dần quay lưng với cá tầm do sợ cá tầm nhập lậu không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, cá tầm sản xuất trong nước cũng chịu ảnh hưởng, không còn giá trị".
Một trại nuôi cá tầm tại huyện Tam Đường, Lai Châu mới đây đã bị cáo buộc là nơi trung chuyển cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đoàn thanh tra của Tổng cục Thủy sản đã về đây khảo sát hôm 27/5, nhưng đến nay đã hơn 10 ngày, cơ quan này chưa đưa ra được kết luận có hay không hành vi nhập lậu cá tầm ở đây.
Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm tra Chất lượng Thủy sản Lai Châu cho rằng, việc các trại cá tầm nhập cá không rõ nguồn gốc, không theo Công ước CITES về bảo vệ động vật hoang dã lại là chuyện hết sức bình thường: “Bây giờ cả nước, từ Lâm Đồng cho đến Lai Châu trở ra, nếu nói về nhập cá tầm (không theo Công ước CITES) là chưa được phép. Nếu bây giờ kiểm tra hầu hết các cơ sở sản xuất cá tầm ở trong nước đều sai hết”.
Thực tế, lượng tiêu thụ cá tầm ở trong nước khá lớn, từ 3.000 - 4.000 tấn mỗi năm. Trong khi đó, sản lượng cá tầm trong nước chỉ đạt chừng 1.000 tấn/năm. Theo lý thuyết cung không đủ cầu, thế nhưng doanh số của cá tầm nuôi trong nước lại tuột dốc do chịu chèn ép từ cá tầm nhập lậu.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Thủy sản nước lạnh Sapa cho rằng: “Các nhà chuyên môn sẽ rất dễ để phân biệt cá tầm giống nào, loài nào, nhưng với người tiêu dùng bằng cảm quan thì rất khó. Như chúng tôi được biết, bên Trung Quốc, người ta nuôi cá với mật độ cực kì dày đặc. Cộng thêm sử dụng hóa chất và thức ăn bổ sung hooc môn tăng trưởng”.
Hiệp hội Các nhà nuôi cá nước lạnh cho biết, họ sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn cá tầm nhập lậu, đặc biệt khâu quản lý chặt chẽ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ.
Nhưng từ giờ cho tới lúc việc kiểm soát hoạt động nhập cá thực sự triệt để, thì không biết còn bao nhiêu doanh nghiệp cá tầm phải thu hẹp quy mô do không thể cạnh tranh. Ngành cá tầm non trẻ của Việt Nam chưa kịp cứng cáp đã đối mặt với nguy cơ chết yểu.
Có thể bạn quan tâm

Các loài săn mồi tự nhiên, lạm thác cùng với biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương và sự tàn phá hệ sinh thái biển sẽ là các yếu tố tác động đến tương lai ngành thủy sản.

Năm 2014, bà con nông dân trên các vùng đất chuyển dịch tôm - lúa ở huyện Thới Bình như: Biển Bạch, Trí Phải, Trí Lực… trúng đậm vụ tôm càng xanh nuôi xen trên ruộng lúa trong mùa mưa. Năm nay, tinh thần chuẩn bị nuôi tôm càng xanh của bà con huyện Thới Bình càng khí thế hơn và nhiều địa phương khác ở Cái Nước, U Minh, Trần Văn Thời cũng hưởng ứng theo với lượng giống đã đăng ký mua tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Cà Mau khá lớn, đặc biệt là giống tôm càng xanh toàn đực.

Trong hoạt động nuôi tôm nước lợ, con giống là yếu tố giữ vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của một vụ tôm. Do đó, việc chọn tôm giống đúng quy cách phải được quan tâm hàng đầu để đảm bảo vụ tôm thắng lợi.

Nhiều năm qua, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã tận dụng lợi thế sông, suối, ao, hồ, ruộng để phát triển chăn nuôi thủy sản. Các loài cá được nuôi nhiều là cá dầm xanh, anh vũ, bỗng, chiên, cá chép ruộng...

Ngày 16/7, nguồn tin từ Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh vừa đồng ý cho DNTN Thủy sản Đắc Lộc thực hiện dự án Đầu tư mở rộng khu sản xuất giống thủy sản Xuân Hải (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên).