Hướng Đi Mới Từ Việc Trồng Thanh Long Tại Cư Êbur
Vài năm gần đây, nhiều nông dân xã Cư Êbur (TP.Buôn Ma Thuột - Dak Lak) chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng thanh long. Bước đầu cho thấy, trồng thanh long cho thu nhập khá cao, lãi thuần từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất cà phê của nông dân hiện nay (với mức thu nhập cà phê từ 40 - 50 triệu/ha/năm).
Hiệu quả cao nhưng chưa ổn định
Thanh long được đưa vào trồng tại xã Cư Êbur cách đây gần 8 năm với một vài diện tích nhỏ. Đến nay, toàn xã đã có 50 ha thanh long (tập trung ở thôn 2 và 3) của gần 200 hộ nông dân. Đây là diện tích thanh long được chuyển đổi từ các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả. Trong số đó, có hơn 60% diện tích đang giai đoạn cho quả, còn lại là diện tích thanh long trồng mới.
Gia đình anh Trần Chí Đạo, một trong những hộ trồng thanh long tại xã Cư Êbur, hiện có diện tích 5.000 m2 trồng cà phê đang chuyển đổi sang trồng thanh long (theo phương thức cuốn chiếu), trong đó hơn 2.000 m2 đã trồng được 5 năm, hiện đang cho thu hoạch, mỗi năm trừ chi phí đầu tư gia đình anh còn lãi được 50 triệu đồng.
Ông Trần Trọng Khánh, Trưởng thôn 2 cho biết nhiều hộ trong thôn trồng 2,5 sào - 3 sào thanh long (tương đương 250 - 300 trụ), mỗi năm có thể thu hoạch 4 – 5 tấn (tương đương 16 – 17 tấn/ha/năm); với giá bán bình quân 20 nghìn đồng/kg, trừ chi phí nông dân còn lãi được 50-60 triệu đồng mặc dù hiện nay thanh long chỉ bán cho những người thu mua tại vườn, chưa có đầu ra ổn định.
Bước đầu có thể thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, tuy nhiên so với năng suất bình quân của các vùng miền trồng thanh long khác như Bình Thuận, Tiền Giang, Long An thì năng suất thanh long ở Buôn Ma Thuột còn thấp hơn rất nhiều (Năng suất thanh long ở Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có thể đạt 28 - 30 tấn/ha (sản xuất theo chứng nhận VietGap) và hiệu quả kinh tế có thể đạt 400-500 triệu/ha/năm).
Để thanh long trở thành cây trồng hiệu quả thay thế cà phê già cỗi
Một thực trạng cho thấy, hiện nay thanh long được trồng ở Cư Êbur vẫn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc như: chọn giống, bón phân, tưới nước, tạo hình… do các hộ nông dân tự học hỏi nhau để sản xuất.
Nguồn giống thanh long được những nông dân đầu tiên mua từ tỉnh Bình Thuận, về sau các hộ tự xin giống của những hộ trồng trước để mở rộng diện tích, vì thế giống không được chọn lọc theo kỹ thuật cần thiết nên năng suất thanh long không cao và hầu hết đều là giống thanh long ruột trắng (vì dễ trồng, có khả năng kháng sâu bệnh, năng suất cao hơn thanh long ruột đỏ). Nông dân ở xã Cư Êbur cũng chưa có một quy trình bón phân hợp lý để cung cấp dinh dưỡng theo đặc điểm sinh học và nhu cầu sinh lý của thanh long.
Hiện nay các nhà khoa học đã nghiên cứu sử dụng một số chất điều tiết sinh trưởng như: NAA, GA3, KNO3 để kích thích quá trình ra hoa, đậu quả cho thanh long, tuy nhiên, tại xã Cư Êbur, việc sử dụng hiện tượng hiệu ứng quang chu kỳ để kích thích thanh long ra hoa vẫn là phổ biến nhất. Vì thanh long là cây ngày dài (thích nghi với điều kiện đêm ngắn để ra hoa) nên tại Cư Êbur, nông dân đã đùng điện thắp sáng vào ban đêm, chia một đêm ra thành hai đêm ngắn cho phù hợp đặc tính ra hoa của thanh long.
Nhưng thay vì dùng bóng đèn tròn công suất 75W – 100 W để kích thích ra hoa (vì cây hấp thu ánh sáng đỏ), một số nông dân lại dùng đèn ống trắng để thắp sáng nên không đủ công suất để cây thanh long ra hoa. Một số hộ lại dùng bóng đèn với công suất quá lớn (200 W) thì lại hao tốn điện mà năng suất thanh long không tăng mấy nên hiệu quả kinh tế không cao. Vấn đề thời gian thắp sáng và chu kỳ thắp sáng… liên quan đến năng suất và chất lượng thanh long rất lớn nhưng nông dân chưa biết để quan tâm.
Thiết nghĩ, cần có sự “vào cuộc” đồng bộ của các nhà quản lý, các nhà chuyên môn, nhà khoa học và các doanh nghiệp để giúp nông dân chuyển đổi từ diện tích cà phê già cỗi sang trồng thanh long hiệu quả, bền vững và ổn định hơn.
Cần thiết phải xây dựng đề án khoa học, nghiên cứu triển khai mô hình thanh long tập trung, đồng bộ, từ đó hình thành vùng sản xuất thanh long, tạo thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm thanh long, tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thanh long là loại cây xuất thân từ vùng sa mạc, là cây chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện mùa khô ở Tây Nguyên. Thanh long thích hợp khi trồng ở các nơi có cường độ ánh sáng mạnh, nên không được trồng xen thanh long vào những vườn cây có tán che bóng.
Khi trồng thanh long nên chọn các chân đất có tầng canh tác dày tối thiểu 30 - 50 cm và để có năng suất cao nên tưới và giữ ẩm cho cây vào mùa nắng.
Thanh long là cây ngày dài, giai đoạn kiến thiết cơ bản chỉ kéo dài từ 1-2 năm, nếu chăm sóc tốt có thể cho quả kéo dài 15 năm hoặc lâu hơn. Vì thời gian phát triển của quả thanh long tương đối ngắn nên thanh long thu hoạch được nhiều vụ trong năm, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả khác.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Bát Xát hiện có 280,5 ha nuôi thủy sản. Trong đó, diện tích cá nước ấm trên 278 ha (gồm 17,3 ha nuôi thâm canh; 30,2 ha nuôi bán thâm canh; 111,3 ha nuôi quảng canh cải tiến và 119,73 ha nuôi theo hình thức quảng canh), tập trung chủ yếu ở các xã: Cốc San, Quang Kim, Bản Qua, thị trấn Bát Xát. Diện tích nuôi cá nước lạnh gần 2 ha, tập trung tại xã Y Tý và xã Dền Sáng.
Để giải quyết những tồn tại của ngành cá ngừ, giúp ngành này phát triển xứng với tiềm năng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Dự thảo Đề án tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Với đề án này, tỉnh Khánh Hòa sẽ là trung tâm giao dịch cá ngừ của cả nước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát và phối, kết hợp giữa các ngành, các đơn vị và chính quyền địa phương cùng với sự chủ động sáng tạo của người nuôi nên nhìn chung các chỉ tiêu kế hoạch nuôi trồng thủy sản trong năm 2014 đạt khá.
Cùng lãnh đạo thôn Kép, xã Việt Tiến (Việt Yên) đi một vòng quanh trang trại chăn nuôi của gia đình ông Hà Chuẩn Chinh thuộc địa bàn thôn cho thấy, từ xa đã bốc lên mùi xú uế nồng nặc. Màu nước thải đen ngòm của trang trại chảy ra kênh mương, đồng ruộng liền kề.
Cụ thể, giống heo tự túc trong dân để nuôi nông hộ đáp ứng khoảng 82,5%, cung cấp từ một số tỉnh lân cận là 17,5%. Giống gà tự túc trong dân đáp ứng 22,5%, cung cấp từ các tỉnh chiếm 77,5%; giống thủy cầm tự túc trong dân chỉ 5%, cung cấp từ ngoài tỉnh vào tới 95% (khoảng 2,8 triệu con/năm).