Cá Ruộng Ở Hậu Giang Vào Mùa
Nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ đã trở thành nghề của nhiều hộ dân. Khi áp dụng cách làm này, không chỉ tận dụng được diện tích đất bỏ trống sau mùa vụ, mà còn giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Đến hẹn là thả
Vào đầu tháng 7 (âm lịch) hằng năm, nhiều nông dân lâu nay quen sản xuất 2 lúa kết hợp 1 vụ cá hoặc những nơi vùng đất trũng không thể sạ lúa vụ 3 (Thu đông) lại bắt đầu thả nuôi cá trên ruộng lúa, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.
Giống như những năm trước, khi lúa Thu đông chuẩn bị chín, ông Bùi Thanh Dũng, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) tiến hành thả xuống ruộng gần 100kg cá giống (chủ yếu cá mè trắng), sau khi thu hoạch lúa xong, ông tiếp tục chăm sóc thêm khoảng 3 tháng, khi chuẩn bị dọn đất để sạ lại vụ lúa Đông xuân thì cũng là lúc ông Dũng thu hoạch mùa cá ruộng.
Ông Dũng cho biết: “Tận dụng lợi thế nguồn nước dồi dào khi lũ về và nguồn thức ăn tự nhiên, nên tôi cũng như nhiều nông dân nơi đây tiến hành mua cá giống về thả nuôi trên ruộng lúa trong 3 tháng mùa lũ. Với cách làm này, nhiều năm qua đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình”.
Được biết, mùa cá ruộng năm trước, ông Dũng thả nuôi gần 100kg cá mè trắng, cá chép, mè vinh,… sau gần 4 tháng nuôi, ông thu hoạch được 2,3 tấn cá thịt, với giá bán bình quân 21.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông còn lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Theo bà con nông dân, ưu điểm của việc nuôi cá trên ruộng là người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, giảm được chi phí về thức ăn, không tốn nhiều công chăm sóc mà cá vẫn lớn bình thường do ăn thức ăn sẵn có trong ruộng, chỉ sau 3-4 tháng là thu hoạch. Năng suất trung bình từ 900kg - 1,2 tấn cá thịt/ha. Trừ các khoản chi phí, nông dân thu lợi nhuận từ 8-10 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài kiếm thêm thu nhập, mô hình nuôi cá ruộng còn giúp nông dân diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau. Đó là, hằng đêm, những hộ có điều kiện sẽ đốt vài bóng đèn lấy ánh sáng dẫn dụ các loại côn trùng, rầy đến để làm mồi cho cá.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. “Trong quá trình nuôi, cá sẽ ăn ốc con, cỏ, gốc rạ nên khi sạ lúa rất an toàn. Hơn nữa, ruộng nuôi cá có rất nhiều bùn nên vụ lúa kế tiếp (sau vụ cá) thường trúng hơn, giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc...” - ông Dũng cho biết thêm.
Nhận thấy hiệu quả của việc nuôi cá ruộng, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Chính, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A quyết định không sạ lúa vụ 3 mà đầu tư gần 15 triệu đồng thuê máy kobe múc đất làm bờ bao cho 5 công ruộng của mình để nuôi cá.
Ông Chính chia sẻ: “Mấy năm qua, năng suất lúa vụ 3 của tôi chỉ có 600kg/công, nên thường là huề vốn và đôi khi còn bị lỗ do giá bán thấp.
Chính vì vậy, khi thấy mô hình nuôi cá ruộng đạt hiệu quả, nên vụ này tôi không trồng lúa mà chuyển sang nuôi cá. Hiện tại, tôi đã thả nuôi được hơn 20kg cá, gồm: cá mè hoa, trắm cỏ, cá lóc đầu nhím,… hy vọng rằng, vụ cá ruộng năm nay sẽ thu được nguồn lợi nhuận khá”.
Ông Võ Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây, cho hay: Phong trào nuôi cá mùa lũ đã có từ lâu ở địa phương và đang phát triển ổn định. Hàng năm, bà con nơi đây thả nuôi với diện tích khoảng 300ha, các đối tượng chủ yếu như: cá chép, mè hoa, rô phi, mè vinh, cá lóc đầu nhím,…
Hiện nay, tuy lợi nhuận từ nghề nuôi cá trên ruộng mùa lũ không lớn, nhưng đối với bà con nông dân đây cũng là một khoản thu nhập thêm rất có ý nghĩa ngay trên mảnh ruộng sản xuất lúa, đặc biệt thay đổi được tập quán độc canh cây lúa đã tồn tại nhiều năm qua.
Cá giống hút hàng, tăng giá
Cùng với nhu cầu nuôi tăng, thị trường sản xuất cá giống trong thời gian gần đây cũng khá nhộn nhịp. Chị Nguyễn Thị Kim Thu, chủ Trại cá giống Tiện, ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cách nay khoảng 1 tháng, nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến trại mua cá giống khá nhiều. Nếu trước đây, mỗi ngày chỉ bán được từ 5-10kg cá giống, thì nay tăng lên từ 40-50kg”.
Theo các chủ kinh doanh cá giống, thông thường, vào khoảng đầu tháng 7 đến cuối tháng 8, khi nông dân bắt đầu thả nuôi cá ruộng, thì cũng là lúc tiêu thụ nguồn cá giống mạnh nhất. Hiện tại, các cơ sở trên địa bàn tỉnh có trên 10 loại cá giống phục vụ nhu cầu của nông dân, phổ biến là cá lóc, điêu hồng, rô phi, cá trê, cá chép, cá trắm cỏ, cá mè hoa,... trong đó, cá chép và cá mè hoa là 2 loại cá bán chạy nhất hiện nay.
Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống, mỗi cơ sở xuất bán khoảng 100kg cá giống/ngày. Tuy nguồn cung không lớn, nhưng việc sản xuất, cung ứng nguồn giống tại chỗ đã phần nào giảm lo ngại việc mua nhầm nguồn giống trôi nổi, kém chất lượng cho nông dân.
Đang mua cá tại Trại cá giống Tiện, ông Trần Văn Hai, người dân ở xã Trường Long Tây, bộc bạch: “So với các cơ sở khác thì việc mua cá giống ở những cơ sở gần nhà giúp tôi an tâm hơn. Một mặt, biết được quá trình tuyển chọn con giống và có địa chỉ rõ ràng, mặt khác không phải đi xa nên giảm chi phí”.
Tuy nhiên, điều mà người nuôi cá đang lo lắng trong lúc này là tình hình giá cá giống năm nay đã tăng bình quân từ 15.000-20.000 đồng/kg so với cách nay khoảng 1 tháng và tăng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ.
Cụ thể, cá lóc (loại đầu nhím) giá 350-450 đồng/con; cá tai tượng khoảng 850 đồng/con; cá thát lát cườm 9-10cm giá 3.000-3.200 đồng/con; mè trắng 60.000 đồng/kg; cá rô phi và điêu hồng loại 250-350 con/kg đang ở mức 65.000-70.000 đồng/kg; cá trắm cỏ, cá chép loại 150-300 con/kg giá 40.000-65.000 đồng/kg; cá trê vàng 120.000 đồng/kg;...
Nguyên nhân giá cá giống tăng được các chủ cơ sở cho rằng, năm nay, nhiều điểm cung ứng cá bột ngừng hoạt động do làm ăn thua lỗ trong những năm qua, từ đó cá bột ít nên kéo theo cá giống ít, trong khi nhu cầu tăng nên giá liên tục tăng, nhất là trong thời gian cao điểm hiện nay.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh thả nuôi trên 5.300ha thủy sản, trong đó hơn 50% diện tích thả nuôi cá trên ruộng. Trước nhu cầu phát triển ngày càng mạnh mô hình nuôi thủy sản đón lũ, ngành chức năng khuyến cáo người nuôi không nên phát triển ồ ạt, cung vượt cầu sẽ gặp khó khăn ở đầu ra. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để nông dân nuôi cá đạt hiệu quả cao nhất.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có khoảng 100 ha chuyên trồng các giống ớt chỉ thiên, F1 Đài Loan, Thái Lan xuất khẩu, tập trung chủ yếu ở các xã Hà Thanh, Nguyên Giáp, Minh Đức.
Là địa phương nằm ven sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm nên rất thuận lợi cho việc nuôi con ba ba. Từ điều kiện đó, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đưa ra mô hình nuôi ba ba để các hộ nghèo ở địa phương có điều kiện làm kinh tế.
Khoai mỡ nặng từ 15 đến 60 kg, buồng chuối xiêm 40 nải, đu đủ dài quá khổ... là những sản vật vườn nhà của nông dân Nguyễn Hoàng Oanh ở tỉnh Sóc Trăng.
Trong khi sâu đục trái bưởi hiện chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, thì nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã dùng túi ny-lông bao trái, kết hợp biện pháp phòng trị tổng hợp bước đầu mang lại hiệu quả.
Ở bản Xốp Thập, xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An) nhiều người đều thầm cảm ơn ông Kha Văn Phon, Trưởng bản vì với tư cách Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông đã giúp bà con tiếp cận với đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng dễ dàng hơn, từ đó có điều kiện cải thiện cuộc sống. Không những thế, ông còn là một gương điển hình làm kinh tế giỏi, xứng đáng để bà con trong bản học tập.