Sốt Với Cây Hồ Tiêu

Những năm gần đây, hồ tiêu là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều hộ đua nhau mở thêm diện tích. Người chặt bỏ vườn cà phê, người tìm mọi cách phá rừng để lấy đất trồng hồ tiêu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo song người dân không mấy để tâm. “Cơn sốt” này được dự báo là sẽ đi kèm với nhiều rủi ro khó lường.
Cây hồ tiêu mới phát triển trên địa bàn huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) trong một vài năm trở lại đây, nhưng đã nhanh chóng trở thành một loại cây trồng được ưa chuộng nhất hiện nay. Tổng diện tích hồ tiêu toàn huyện đã tiến đến con số 550ha và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hầu như năm nào số diện tích hồ tiêu trồng mới cũng vượt trên 300% kế hoạch của huyện. Nguyên nhân khiến bà con nông dân liên tục mở rộng diện tích trồng mới là do trong trong thời gian qua, giá hồ tiêu luôn ở mức cao. Và như vậy, nhiều hộ gia đình đã không ngần ngại phá bỏ vườn cà phê kém năng suất để thay thế bằng loại cây trồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao này.
Nông dân Nguyễn Ngọc Thiện, ở thôn 7, thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) cho biết: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng thử hơn 500 trụ tiêu. Vụ thu hoạch vừa rồi, sau khi trừ đi chi phí đầu tư cũng thu được trên 200 triệu đồng tiền lãi. So với nhiều cây trồng khác như cà phê, điều, trồng tiêu hiệu quả hơn nhiều. Năm nay, gia đình tôi quyết định sẽ đầu tư thêm 200 triệu đồng để xuống giống khoảng 800 trụ tiêu nữa”.
Hơn một tháng qua, do nhu cầu tăng cao nên dây tiêu giống cũng không ngừng tăng giá. Nếu như trước đây, dây tiêu giống chỉ dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/dây, thì nay đã tăng lên 15.000 - 25.000 đồng/dây. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tìm mua được dây tiêu giống vừa ý. Bà Phạm Thị Loan, một người trồng hồ tiêu ở xã Ia Blang, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) ngao ngán: “Gần một tháng nay, tôi dạo hết các vườn tiêu nhưng vẫn chưa mua được giống về ươm trồng. Cứ đến vườn tiêu ưng ý nào thì y như rằng nhận được câu trả lời đã có người đặt mua rồi. Kiểu này không biết tôi có kịp vụ không nữa”.
Ngoài “sốt” dây tiêu giống, giá đất nông nghiệp cũng không ngừng leo thang từng ngày. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại giá đất nông nghiệp trên thị trường tăng hơn 3 - 4 lần so với vài năm trước. Nhất là những vùng đất thích hợp để trồng cây hồ tiêu, với địa thế thuận lợi, nguồn nước đảm bảo thì giá càng được đôn lên cao đến 400 - 500 triệu đồng/ha. “Cơn sốt” đất trồng tiêu không ngừng leo thang khiến nhiều cánh rừng đã bị người dân triệt hạ không thương tiếc, điển hình là việc phá rừng thông phòng hộ ở huyện Mang Yang.
Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, thời gian gần đây đã có hơn 43ha rừng thông và đất lâm nghiệp bị 80 hộ chiếm (trong đó, có gần 35ha rừng thuộc vùng lõi bị lấn chiếm), thay vào đó là hàng chục vườn tiêu đã bắt rễ. Trước tình hình này, hạt đã có công văn gửi UBND huyện Mang Yang, đề nghị huyện chỉ đạo xã Đắk Djrăng và các cơ quan chức năng có liên quan của huyện tập trung phương án và tổ chức cưỡng chế, nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trên diện tích 43ha đất bị lấn chiếm tại khu vực rừng thông thuộc các tiểu khu 499, 501, xã Đắk Djrăng. Thế nhưng, cho đến nay tình hình vẫn chưa ngã ngũ.
Giá tiêu tuy tăng cao nhưng thực tế nhu cầu về tiêu trên thế giới tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, nạn đốt phá rừng lấy đất trồng tiêu đã làm rừng bị xâm hại nghiêm trọng, gây nhiều tác hại đến môi trường.
Có thể bạn quan tâm

Đó là mức giá bán buôn cao hơn từ 100.000 - 150.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2014 và tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Nông dân Phan Hồng Phúc (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang) cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu cá chình xuất khẩu còn tăng cao và thị trường tiêu thụ đang phát triển tốt.

Đối với những ao nuôi đã lấy nước và chưa thả giống, bà con cần diệt khuẩn 2 lần bằng 2 loại thuốc diệt khuẩn khác nhau. Sau đó thực hiện gây màu nước, khi nước ao đạt độ trong 30 - 40 cm là thích hợp. Bà con nên thả giống theo đúng lịch thời vụ khuyến cáo bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 năm 2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dịch bệnh tiếp tục gây chết tu hài nuôi tại Vân Đồn trong các tháng 2, 3 kéo dài đến tháng 8, 9-2014. Nguyên nhân ban đầu được đánh giá là do ký sinh trùng Perkinsus, vi khuẩn Pseudomonas, Vibrio gây sưng vòi trong điều kiện độ pH, độ mặn cao. Hiện tượng cá rô phi, trắm cỏ, cá chép nuôi tại Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều chết rải rác trong năm 2014 cũng là do nhiễm khuẩn Pseudomonas.

Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 33 triệu đồng, tăng 9,9 % so với năm 2013; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm chỉ còn 4,9 %. Năm 2014, Cà Mau là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước, đạt 1,3 tỷ USD vượt kế hoạch đặt ra. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết việc làm cho địa phương.

Khi kênh Trà Sư mùa cạn nước, người dân trong xóm lại thấy anh Mạnh tay cầm chiếc can nhựa chạy xe gắn máy rảo khắp kênh, rạch để bắt lịch. Lớn lên tại vùng quê nghèo, cái nghề này đã gắn chặt với anh Mạnh từ nhỏ. Anh kể, ngày trước, cá và tôm ở kênh Tha La, Trà Sư nhiều vô kể.