Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Nấm Rơm Lợi Nhuận Cao

Trồng Nấm Rơm Lợi Nhuận Cao
Ngày đăng: 09/08/2013

Giá nấm rơm tươi được thương lái thu mua tại chỗ là 24.000 đồng/kg và luộc là 40.000 đồng/kg, đã thu hút khá nhiều nông dân tham gia chất nấm sau khi thu hoạch lúa Hè thu. Huyện Long Mỹ (Hậu Giang) được xem là nơi có nhiều hộ trồng nấm rơm trong tỉnh và những hộ này đã thu được lợi nhuận khá cao.

Anh Lâm Chí Cường, ở ấp 3, xã Xà Phiên, bộc bạch: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, nhà có vài công ruộng không đủ chi tiêu cho gia đình. Thấy giá ổn định, thị trường tiêu thụ dễ nên tôi bắt tay vào nghề trồng nấm. Từ khi trồng nấm cuộc sống gia đình bớt vất vả. Thời gian trồng tương đối ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hoạch khoảng 35 ngày, giá bán hiện tại là 24.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg so cùng kỳ. Do thời tiết thuận lợi, với 30 công rơm chất đợt này cho năng suất đạt gần 900kg, sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng”.

Theo anh Cường, nấm rơm dễ trồng và được chất quanh năm, vì thế nguồn rơm nguyên liệu có sẵn ở địa phương không đủ để đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, rơm được thương lái chở đến nhà dân để bán với giá 3 triệu đồng/ghe, nhưng người trồng nấm vẫn có lời vì giá nấm thương phẩm tương đối cao. Với kinh nghiệm 8 năm trong nghề chất nấm, cứ sau khi thu hoạch lúa là anh tận dụng rơm nhà và mua thêm chất 2-3 đợt. Bên cạnh sử dụng sân bãi của gia đình, anh còn thuê, mượn thêm đất của các hộ lân cận để chất. Tuy nhiên theo anh Cường, để nấm rơm bán được giá, ngoài phụ thuộc yếu tố thị trường, thời tiết làm nấm trúng hay thất thì cũng phải biết canh thời điểm, nhất là dịp rằm hàng tháng vì người đi chợ mua nhiều.

Điểm thuận lợi ở xã Xà Phiên là có nhiều điểm thu mua nấm rơm nên bà con sau khi thu hoạch nấm không sợ bị thương lái ép giá. Anh Bùi Văn Nhiên, thương lái thu mua nấm rơm ở ấp 3, gắn bó với nghề gần 3 năm nay. Một ngày anh mua từ 300 - 400kg nấm tươi từ người dân đem cân lại cho đại lý cũng có lời vài trăm ngàn đồng/chuyến. Anh Nhiên tâm sự: “Qua nhiều năm trong nghề tôi thấy nấm rơm đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân ở đây cũng đang chuyển hướng vào mô hình này. Tôi cũng vậy, ngoài làm lúa, mua nấm còn trồng nấm để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Nghề trồng nấm rơm ở huyện Long Mỹ thời gian qua không chỉ cải thiện cuộc sống gia đình mà còn góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn nên ngày càng được người dân nhân rộng. Dù được xem là nghề phụ, nhưng trồng nấm lại có thu nhập khá cao so với làm lúa. Anh Trần Duy Hải, ở ấp 3, xã Xà Phiên, cho biết: “Hàng ngày tôi chỉ phụ giúp gia đình chăm sóc đồng ruộng nên thời gian nhàn rỗi khá nhiều. Nhờ sự hướng dẫn cách trồng của những người đi trước và bây giờ tôi cũng đã chất thành công. Đợt vừa rồi, tôi chất 20 công rơm, cho thu hoạch gần 700kg nấm, giá bán 24.000 đồng/kg, có lợi nhuận khoảng 6 triệu đồng”.

Không chỉ có những hộ chất nấm bán được giá, mà tại các chợ như Long Mỹ, Vị Thanh giá nấm cũng ở mức khá cao. Chị Thủy, một tiểu thương tại chợ Long Mỹ, cho biết: Giá nấm rơm tại chợ hiện còn 35.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so tuần trước do đang vào mùa thu hoạch rộ. Nấm rơm được người dân chở ra bán nhiều, nhưng sức mua tại chợ giảm không đáng kể. Nhưng theo dự đoán, không bao lâu nữa, sau khi hết mùa thu hoạch lúa, lượng rơm rạ dùng cho chất nấm không còn, nguồn cung thiếu hụt thì giá cả sẽ nhảy vọt lên.

Theo Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, hàng năm trên địa bàn huyện có cả ngàn hộ tham gia chất nấm rơm, tập trung nhiều ở xã Long Phú, Thuận Hòa, Thuận Hưng, Xà Phiên… Dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi sau mùa thu hoạch, nhưng đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao đối với nông hộ. Thời gian qua, ngành cũng đã phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để giúp người dân trồng nấm cho năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn huyện cũng có nhiều cơ sở chế biến nấm rơm và ở mỗi xã đều có đại lý thu mua nên sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ khá thuận lợi…


Có thể bạn quan tâm

Kích Thanh Long Ra Hoa Bằng Đèn Compact Kích Thanh Long Ra Hoa Bằng Đèn Compact

Chong đèn cho thanh long ra hoa trái vụ được thực hiện từ lâu, song việc sử dụng đèn sợi tóc với công suất 60 - 75 W tiêu thụ lượng điện rất lớn, dẫn tới chi phí đầu tư cho mỗi hecta cao, giảm tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, diện tích thanh long ngày càng tăng đã dẫn tới việc thiếu điện. Giải pháp để tăng thêm diện tích thắp sáng mà không thay đổi công suất thắp, giảm chi phí tiền điện, tăng lợi nhuận là thay thế đèn sợi tóc 60 - 75 W bằng đèn compact 20 - 23 W chống ẩm cho thanh long ra hoa trái vụ.

08/05/2013
Giá Cá Đồng Ở Mức Cao Ở Cà Mau Giá Cá Đồng Ở Mức Cao Ở Cà Mau

Nông dân trong huyện U Minh (Cà Mau) vừa kết thúc vụ thu hoạch cá đồng, giá cá ở mức cao ngay từ đầu vụ và tiếp tục tăng ở cuối vụ.

08/05/2013
Phổ Biến Biện Pháp Quản Lý Sâu Đục Trái Bưởi Ở Bến Tre Phổ Biến Biện Pháp Quản Lý Sâu Đục Trái Bưởi Ở Bến Tre

Theo thống kê, Bến Tre hiện có 718ha bưởi da xanh bị sâu đục trái tấn công, chiếm diện tích 24% so với diện tích bưởi đang cho trái, trong đó 3 huyện: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất.

08/05/2013
Thí Điểm “Ruộng Lúa Bờ Hoa” Ở Tháp Mười (Đồng Tháp) Thí Điểm “Ruộng Lúa Bờ Hoa” Ở Tháp Mười (Đồng Tháp)

Trạm bảo vệ thực vật huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) phối hợp nông dân thí điểm mô hình “Ruộng lúa bờ hoa” với diện tích hơn 2ha. Các loài hoa được trồng chủ yếu là hoa có màu sắc sặc sỡ, có nhiều phấn hoa để thu hút thiên địch như: cúc Đà Lạt, hoa dừa cạn, sao nhái, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp,...

09/05/2013
Cuộc Sống Khá Lên Nhờ Trồng Chanh Bông Tím Cuộc Sống Khá Lên Nhờ Trồng Chanh Bông Tím

Cây chanh bông tím đã bén rễ cả chục năm nay trên đất Nhị Bình (Châu Thành - Tiền Giang) với diện tích vài chục ha. Người trồng ít một vài công đất, nhiều nhất cũng khoảng 7 - 8 công. Nhờ cây chanh bông tím mang lại lợi nhuận cao, giúp một số hộ dân thoát nghèo và tiến dần lên khá. Trong số này có anh Phạm Hoàng Minh (ấp Đông A).

09/05/2013