Cá ruội Cô Tô
Cùng với những hải sản như mực ống, tôm nõn, cá thu một nắng... cá ruội đang trở thành một thương hiệu của huyện đảo Cô Tô, là món quà được nhiều du khách lựa chọn.
Cá ruội Cô Tô hiện được tiêu dùng ở các dạng tươi, chế biến khô và chế biến nước mắm, mắm cá. Cá ruội tươi được tiêu thụ ngay tại đảo, hoặc vận chuyển về tiêu thụ tại Vân Đồn và các vùng lân cận. Cá đông lạnh chưa được phát triển trong vùng do chưa đáp ứng được yêu cầu số lượng, độ tươi để cấp đông trong đất liền do vận chuyển xa, khó bảo quản. Phổ biến hơn cả là cá ruội khô với sản lượng chế biến khoảng 50 tấn/năm. Cách chế biến hiện nay khá đơn giản, bao gồm các khâu: Cá ruội tươi đánh bắt từ biển về, ngâm 15 - 20 phút trong nước muối, vớt ra rắc mỏng trên nền sân xi măng/gạch, phơi nắng từ 2 - 3 ngày đến khi khô.
Khi vào đầu vụ thu hoạch (tháng 7, 8 âm lịch), cá ruội còn non, kích thước nhỏ, chưa béo, nên khi chế biến khô thân cá mềm, dễ bảo quản hơn do ít bị ô xy hoá gây ôi khét, được khách hàng ưa chuộng hơn cả. Đến cuối vụ (tháng 11, 12 âm lịch) cá có kích thước lớn hơn, béo hơn, mặc dù độ dinh dưỡng cao hơn, nhưng bảo quản khó hơn. Chị Bùi Thị Oanh (khu 4, thị trấn Cô Tô), chủ một đại lý hải sản cho biết: Cá ruội Cô Tô được nhiều người lựa chọn bởi sự tươi ngon, an toàn của sản phẩm. Cá sau khi đánh bắt về, được ngâm trong nước muối rồi mang phơi ngay dưới nắng tự nhiên mà không hề ngâm tẩm qua bất cứ loại hoá chất nào hoặc qua phơi sấy nhân tạo. Cá ruội Cô Tô ăn thơm, đậm, dễ chế biến, dễ bảo quản; giá cả phải chăng, dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg tuỳ theo mùa. Do đó, đây là sản phẩm tự nhiên của biển cả, sản phẩm sạch được nhiều người lựa chọn.
Anh Bùi Thế Tuân, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô, cho biết: Nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN, huyện và các đơn vị liên quan đang triển khai Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Cá ruội Cô Tô dùng cho sản phẩm cá ruội của huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu của Dự án là phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm cá ruội khô mang nhãn hiệu chứng nhận “Cá ruội Cô Tô” một cách bền vững thông qua việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận để nâng cao giá trị cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cá ruội khô Cô Tô, góp phần phát triển kinh tế hướng biển của huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đây là dự án của Trung ương uỷ quyền cho địa phương quản lý, đã được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện.
Dự án sẽ tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Cá ruội Cô Tô” cho các sản phẩm cá ruội khô; tạo lập nhãn hiệu cho sản phẩm; quản lý nhãn hiệu được xây dựng; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất cá ruội khô Cô Tô v.v.. Có được nhãn hiệu chứng nhận sẽ tạo nền tảng cho sự hợp tác cùng có lợi giữa những người khai thác và chế biến cá ruội khô Cô Tô, tăng khả năng nhận diện sản phẩm trên thị trường, bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm. Người tiêu dùng có cơ sở để khẳng định mình được dùng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, cá ruội Cô Tô sẽ tăng thêm khả năng tiếp cận thị trường để phát triển bền vững, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho các hộ ngư dân và huyện đảo Cô Tô.
Có thể bạn quan tâm
Bằng sự cố gắng vượt bậc, xã Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên) đã trở thành 1 trong 4 xã về đầu trong phong trào thi đua “Xã nông thôn mới - phường, thị trấn văn hóa" năm 2012 của Quảng Ninh.
Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 2.000ha, sản lượng trung bình đạt gần 300 ngàn tấn/ năm. Ông Vy Văn Tuyến ở thị trấn Đồng Bành (huyện Chi Lăng) - chủ nhân của hơn 1.000 gốc na cho biết: “Năm ngoái giá na loại to đẹp chỉ 25.000 đ/kg, nhưng năm nay lên tới 35.000 – 40.000 đ/kg, loại trung bình có giá từ 25.000 – 28.000 đ/kg nên người dân vui lắm”.
Dịch LMLM gia súc đã tái phát tại các xã Đạ Chais, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) từ trung tuần tháng 5/2013 tới nay và đang có nguy cơ tiếp tục lây lan.
Hồi 1 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 127,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 650km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.
Trong chiến lược phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020, cà phê được xác định là cây mũi nhọn, góp phần xoá đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân, nhất là tại huyện Mường Ảng.