Đẩy Mạnh Phòng, Chống Dịch Cúm Gia Cầm
Là huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất tỉnh Bắc Giang nên những năm qua, chính quyền và người dân Yên Thế luôn coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Cùng vào cuộc
Năm 2007- 2008, dịch bệnh Ecoli và Newcaston ở gà xuất hiện trên hầu hết các xã của huyện Yên Thế. Ban đầu bệnh chỉ ở một vài xã sau đó lây lan nhanh do người dân chữa trị cho gà theo cách thông thường, không thông báo cơ quan chuyên môn, vứt gia cầm chết bừa bãi, một số hộ bán gà chạy.
Sau một thời gian ngắn, bệnh đã thành dịch lan sang khắp các xã trong huyện gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Từ thực tế đó, UBND huyện chỉ đạo UBND 21 xã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ với quyết tâm bảo vệ an toàn cho đàn gia cầm.
Theo đó, các xã cử cán bộ thú y thôn, bản thường xuyên theo dõi, có biện pháp xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, hướng dẫn người dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học như: Tiêm phòng theo định kỳ, rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng chuồng trại, rửa sạch và phơi khô nền chuồng trước khi vào đàn mới. Đội ngũ thú y viên thôn bản được chính quyền chú trọng lựa chọn người có chuyên môn; vận động chủ các quầy thuốc thú y, cán bộ thú y xã nghỉ hưu… làm công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 và H7N9 đang lây lan mạnh, nhằm nâng cao tính chủ động trong công tác phòng chống dịch, Trạm Thú y huyện đã tham mưu cho UBND huyện lập sẵn 2 phương án phòng chống dịch bệnh (PCDB) cho đàn vật nuôi trước và khi có dịch xảy ra; đồng thời chỉ đạo các xã thực hiện tốt việc này. Duy trì chế độ báo cáo từ thôn đến cấp xã mỗi ngày trong tuần vào cuối buổi.
Trạm Thú y huyện cùng các xã thành lập tổ kiểm tra lưu động PCDB động vật, triển khai thực hiện việc kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kinh doanh, giết mổ trên địa bàn. Thường xuyên xuống thôn bản nắm bắt tình hình, vận động nông dân tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi; làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch tại những ổ dịch cũ, khuyến cáo người dân không nên tái đàn ồ ạt.
Ngoài nguồn hỗ trợ của huyện, các xã đều chủ động dành kinh phí mua vôi bột và thuốc tiêu độc khử trùng. Ông Vũ Trọng Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: "UBND xã vừa trích kinh phí mua 5 tấn vôi bột và 50 lít hóa chất để thực hiện vệ sinh phòng bệnh quanh đường làng ngõ xóm, đặc biệt là các chợ đầu mối”.
Mỗi người dân là một thú y viên
Xác định rõ biện pháp phòng hơn chống nên những năm qua các hộ chăn nuôi tại Yên Thế đều nỗ lực không để xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi. "Phồn Xương là xã có hơn 50% số hộ chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn. Mỗi gia đình đều có một thú y viên cho gia trại của họ, đó chính là những chủ hộ, người dày kinh nghiệm sau nhiều năm theo nghề” - Anh Nguyễn Thanh Bình, cán bộ thú y xã cho biết.
Gia trại của chị Hoàng Thị Phương, thôn Phan, xã Phồn Xương hiện có khoảng 3 nghìn con gà. Nói về kỹ thuật chăn nuôi chị tỏ ra am hiểu như một cán bộ thú y. Là hộ có quy mô chăn nuôi lớn trong 8 năm qua nên chị luôn ý thức được khâu phòng dịch bệnh đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của mỗi lứa gà.
Chị thường xuyên tiêm phòng đúng định kỳ cho gà, đặc biệt là phòng các bệnh như: Gumboro, Newcatson… Thời điểm này, khi dịch bệnh đang xảy ra mạnh, được sự khuyến cáo của cán bộ thú y cơ sở, chị mua ngay thuốc về tiêm cho những con đã tiêm phòng nhưng hết thời gian miễn dịch.
Mặc dù vẫn thường xuyên làm công tác phòng bệnh cho đàn gà nhưng khi nghe thông tin về dịch cúm gia cầm anh Nguyễn Xuân Hiếu, thôn Đề Thám, xã Đồng Tâm đã khẩn trương dùng vôi bột rải xung quanh chuồng trại và trên những lối đi dẫn vào nơi chăn nuôi. Theo anh Hiếu, đời sống của gia đình chủ yếu trông vào nghề nuôi gà nên trước tình hình dịch cúm gia cầm đang xảy ra ở nhiều nơi anh đã chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ đàn vật nuôi.
Bằng các biện pháp chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chuyên môn các cấp cũng như sự chủ động của người chăn nuôi nên 3 năm trở lại đây trên địa bàn huyện không có dịch bệnh xảy ra.
Dịp này, hệ thống đài truyền thanh tăng cường tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh trong cả nước. Ngoài việc cấp phát hóa chất, vôi bột định kỳ huyện vừa cấp phát bổ sung hơn 200 lít thuốc tiêu độc khử trùng cho các xã để xử lý mầm bệnh tại các nơi công cộng, khẩn trương tiêm vắc- xin H5N1 cho đàn gà - Anh Nguyễn Huy Khánh, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện
Có thể bạn quan tâm
Đến xã Đức Phú (Tánh Linh - Bình Thuận) thời điểm này, nhìn ra cánh đồng lúa vừa thu hoạch, dưới những gốc rạ lởm chởm còn sót lại, nông dân đang tất bật xuống giống vụ bắp (ngô) lai đông xuân, người thì thọc lỗ, người thì bỏ hạt. Vài năm gần đây, nhờ luân canh 2 vụ lúa + 1 vụ bắp nên đời sống của bà con được cải thiện đáng kể.
Phong trào trồng cây đặc sản, mới lạ như chuối tiêu hồng, hồng xiêm lai xoài, mít Thái Lan, mít Nghệ An phát triển khá mạnh ở xã Đông Dương (Đông Hưng - Thái Bình) trong mấy năm gần đây. Đến nay, nhiều loại cây đã cho thu hoạch, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Chuối tiêu hồng là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Đông Dương hiện nay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11 sản lượng khai thác hải sản ước đạt 14.710 tấn. Lũy kế 11 tháng, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh Bình Thuận ước đạt hơn 173.131 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ.
Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.
Năm công ty và nhóm hộ nuôi tôm trên cát vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với số tiền gần 1 tỷ đồng. Đó là con số khiêm tốn khi biết hầu hết các công ty và hộ nuôi tôm trên cát chưa có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải và đã thải nước tùy tiện.