Cà Mau Tập Trung Đầu Tư Cho Ngành Thuỷ Sản
Cà Mau là trung tâm lớn về nuôi trồng và khai thác, chế biến thuỷ sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, toàn tỉnh có trên 296 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản thì diện tích nuôi tôm đã là trên 266 nghìn ha, chiếm tới 40% diện tích so cả nước.
Theo đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm của Cà Mau đạt trên 280 nghìn tấn, trong đó con tôm chiếm 130 nghìn tấn. Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất tôm giống đến năm 2020, quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung ở các huyện và thành phố Cà Mau.
Tỉnh Cà Mau cũng chú trọng đẩy mạnh xây dựng liên kết 4 nhà để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững.
Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Tăng cường đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Phấn đấu đến năm 2020 trên 90% người nuôi tôm nắm vững kiến thức kỹ thuật.
Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 32 công ty và 41 nhà máy chế biến, trong đó có 33 nhà máy chế biến tôm, 4 nhà máy bột cá, 2 nhà máy chế biến chả cá, 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm. Ngoài ra, địa phương này còn có 876 cơ sở sản xuất con giống và 223 cơ sở kinh doanh con giống.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn có gần 200 cơ sở dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản với hơn 800 cơ sở thu mua tôm gắn kết giữa nhà máy chế biến với vùng nuôi
Với số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống nói trên, hàng năm, từ các cơ sở này đã cung cấp ra thị trường khoảng từ 8 đến 9 tỷ con giống tôm sú, đáp ứng khoảng 40% lượng tôm giống thả nuôi trong tỉnh. Số tôm giống còn lại được nhập từ các tỉnh khác về vào khoảng từ 10 đến 11 tỷ con tôm sú và khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng.
Tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư hệ thống thuỷ lợi phục vụ sản xuất, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, khắc phục hệ thống thủy lợi cũ để phù hợp khi chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản.
Để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản được thuận lợi, Cà Mau đã đầu tư hệ thống điện lưới khá toàn diện, toàn bộ các trung tâm xã, thị trấn đều có hệ thống mạng lưới điện trung thế hầu hết các xóm, ấp đều có điện sinh hoạt và sản xuất với hơn 96% tổng số hộ trong tỉnh. Lưới điện đã đưa đến 82/82 xã, đạt 100% số xã có điện.
Cùng với việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển thủy sản, thời gian qua, công tác khuyến ngư cũng được các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau quan tâm, theo đó, hệ thống khuyến ngư cơ sở đã hình thành đến tất cả các xã, với một lực lượng cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân luôn được tăng cường, thực hiện từ nhiều nguồn chương trình, dự án khác nhau.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trong năm 2014 này, tỉnh Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo toàn diện trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, chính quyền và các đoàn thể cấp xã phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên cơ sở hướng dẫn của ngành chức năng.
Phát triển theo quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, tổ chức sản xuất liên kết chuỗi, phát huy vai trò cũng như trách nhiệm của các bên có liên quan, hỗ trợ nhau trong sản xuất… nhằm giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch nuôi trồng thủy sản năm 2014.
Được biết, năm 2014, tỉnh Cà Mau đề ra mục tiêu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản phấn đấu đạt 298.500 tấn, trong đó sản lượng tôm là 140.000 tấn; ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 296.000 ha.
Có thể bạn quan tâm
Đại học NationalChengKungUniversity tại Tainan, Đài Loan đã công bố công nghệ cho phép người nuôi tôm sớm xác định được vi khuẩn gây ra dịch bệnh EMS.
Xã Hòa Phong có hơn 80% dân số sống chủ yếu bằng nghề nông. Năm 2010, qua khảo sát và điều tra, trên địa bàn xã có 2.000 người có nhu cầu học nghề. Từ đó, xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân, phân công và giao nhiệm vụ vận động nông dân học nghề cho cán bộ xã.
Bác Nhân luôn được bà con trong thôn tin yêu, kính trọng, 12 năm qua, Bác được nhân dân trong thôn bầu làm trưởng thôn. Lũng Tao là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Đổng Xá, những năm trước đây, gia đình bác Nhân cũng như các gia đình khác còn nghèo đói, có năm gia đình thiếu ăn vài ba tháng.
Những ngày đầu tháng 1 đến nay, bà con ngư dân 2 xã Quảng Công, Quảng Ngạn(Thừa Thiên Huế) trúng đậm mùa ruốc. Sau mỗi ngày ra khơi, trung bình mỗi tàu khai thác trên 3 tạ ruốc.
Đối với người nuôi thủy sản tỉnh, thành công của mô hình nuôi cá chình do Công ty TNHH Hưng Biển thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 11-2012 trên vùng cát Bảo Ninh đã giúp họ có cái nhìn mới đối với việc đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi, trong đó có việc tìm đến những đối tượng thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.