Bến Tre: Hiệu quả từ trồng cà chua Picota công nghệ cao
Vườn cà chua phát triển xanh tốt và cho năng suất khá cao.
Đây là dự án do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh chủ trì, trên cơ sở tiếp nhận công nghệ chuyển giao trồng cà chua trong nhà màng được thực hiện thành công tại Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
Mô hình trồng thử nghiệm 400 cây cà chua Picota trên diện tích 200m2 bên trong nhà màng. Giống cà chua Picota hay còn gọi là cà chua bi là giống cà chua sinh trưởng vô hạn, thân leo, cho trái theo dạng chùm, trái nhỏ, tròn, màu xanh chuyển sang đỏ khi chín, có vị ngọt hơn cà chua thông thường, trồng 2 tháng, cây sẽ cho thu hoạch và cho trái liên tục trong khoảng 6 tháng. Mật độ trồng 2 cây/m2, trồng theo hàng kép, khoảng cách giữa 2 hàng gần 2m, khoảng cách cây trên cùng một hàng khoảng 50cm.
Cà chua Picota được trồng trên giá thể mụn dừa đặt trong trong bầu có trộn phân hữu cơ. Sau khi trồng từ 2 - 3 tuần thì tiến hành làm giàn đỡ để cố định thân cây. Cây được cung cấp nước tưới và dung dịch dinh dưỡng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt được điều khiển tự động. Ưu điểm của hệ thống này là tiết kiệm nước tưới, nhân công, nâng cao khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây.
Theo nghiên cứu, cây cà chua Picota trồng trong nhà màng sẽ sinh trưởng và phát triển nhanh, thu hoạch sớm hơn bên ngoài từ 10 - 15% thời gian, có thể tăng năng suất từ 20 - 30%. Đặc biệt, không gian được khống chế và kiểm soát, tạo điều kiện thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, làm cho trái cà chua sạch hơn, an toàn hơn, có thể cho năng suất từ 50 - 60 tấn/ha.
Hiện nay, nhà màng đang được sử dạng ngày càng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất trong nhà màng tạo ra môi trường thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, cách ly với một số sâu bệnh gây hại, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả canh tác; hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, giảm nhân công.
Mô hình trồng thử nghiệm cà chua Picota trong nhà màng tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn nhằm nâng cao hiệu quả cây cà chua, hướng đến sản xuất hàng nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn sẽ tiếp tục tuyên truyền, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất cây trồng, trong đó có mô hình trồng cà chua trong nhà màng, đa dạng hóa các giống rau màu sử dụng phương pháp mới trong nông nghiệp tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.
Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.
Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Pưh đã triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học.