Tỷ phú nuôi trâu, bò ở bản Cám
Bỏ phố về bản
Trang trại trâu bò của anh Đồng Văn Chiêm nằm tít sâu phía trong hồ Ba Bể. Để vào thăm trang trại của anh, chúng tôi được trải nghiệm lênh đênh trên lòng hồ Ba Bể gần 1 giờ. Thuyền cập bờ, đoàn chúng tôi đi bộ thêm 2km đường rừng, men theo con đường lầy lội chỉ có dấu chân trâu, bò đi qua. Trước mắt, trang trại của anh Chiêm hiện ra như 1 bức tranh tuyệt đẹp với cảnh núi rừng hùng vĩ, vườn cam quýt lá xanh bóng, ao cá và đàn trâu, bò béo mẫm đang thong dong gặm cỏ.
“Đất canh tác không có nhiều và cũng không thể mở rộng vì xung quanh là đất Vườn quốc gia nên thời gian tới tôi sẽ tập trung phát triển đàn trâu, bò, gà để phát triển kinh tế gia đình” - anh Đồng Văn Chiêm chia sẻ về hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Anh Chiêm kể, năm 2008, tốt nghiệp kế toán một trường cao đẳng chính quy, nhưng mãi không xin được việc đúng chuyên ngành học. Để có tiền bươn trải cuộc sống, anh đi làm công nhân. Anh bảo, làm lụng vất vả, nhưng đồng lương công nhân eo hẹp, cố gắng chi tiêu tiết kiệm mà vẫn chẳng để dư được đồng nào.
“Lúc ấy thật sự bế tắc, vì bám trụ thành phố không xong mà về quê cũng không đành. Bởi bố mẹ chịu bao vất vả nuôi tôi ăn học những mong tôi thành tài, thoát ly nghề nông. Bao đêm trăn trở suy nghĩ, tôi quyết chí trở về quê nuôi trâu, bò, làm giàu ngay trên chính mảnh đất khô cằn này” - anh Chiêm nhớ lại.
Anh Chiêm bảo sở dĩ chọn nuôi trâu, bò bởi đây là vốn vật nuôi quen thuộc với người dân miền núi. Trâu, bò là gia súc lớn, sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh tật. Một lợi thế nữa là nơi anh sinh sống có nhiều bãi chăn thả nên rất thuận tiện cho việc phát triển. “Nuôi con gì cũng tốn tiền mua thức ăn, chỉ nuôi trâu, bò là ít tốn nhất” - anh Chiêm nói.
Kiếm tiền tỷ giữa rừng
Ban đầu ít vốn, lại thiếu kinh nghiệm, anh Chiêm chỉ mua vài con trâu, bò về nuôi. Do nơi anh sinh sống ở sâu trong lòng hồ Ba Bể, nên việc di chuyển trâu, bò từ nơi mua về trang trại rất khó khăn. Anh Chiêm phải dùng thuyền chở chúng, hoặc dắt chúng men theo cánh rừng già, đi bộ cả ngày mới tới nơi. “Không có tiền thuê thú y nên từ kỹ thuật chăm sóc, chế độ dinh dưỡng đến phòng dịch bệnh cho đàn trâu, bò tôi đều tự học hỏi, mày mò làm. Nhưng khó khăn nhất lúc đó là thuần phục đàn trâu, bò hung dữ, nhất là với một “tay mơ” mới vào nghề như tôi” - anh Chiêm nhớ lại.
Sau nhiều năm gắn bó với đàn trâu, bò, giờ đây anh Chiêm rất có kinh nghiệm chăm sóc, vỗ béo trâu, bò. Những con qua tay anh chỉ một vài tháng là béo tốt, khỏe mạnh. Hiện, trang trại anh Chiêm đang nuôi 7 con trâu và 40 con bò, tính sơ sơ cũng trị giá bạc tỷ. Tuy nuôi trâu, bò với số lượng lớn, nhưng anh Chiêm rất nhàn nhã. Đàn trâu, bò của anh ngày nào cũng tự đi kiếm ăn từ sáng tới chiều no bụng rồi cũng tự về chuồng mà không cần người chăn dắt. “Gắn bó với đàn trâu, bò gần chục năm nên tôi hiểu ý từng con một. Cuối mỗi buổi chiều đàn trâu, bò trở về, tôi cho chúng ăn mấy hạt muối. Duy trì thói quen này liên tục trong một thời gian dài, nhớ muối chúng sẽ tự về” - anh Chiêm thổ lộ.
Một điều đặc biệt nữa, nuôi trâu cả gần chục năm nay, nhưng anh Chiêm chưa để một con trâu, bò nào bị bệnh chết. Bởi anh luôn tuân thủ việc tiêm ngừa bệnh định kỳ theo chỉ định của ngành thú y. Ngoài đầu tư nuôi trâu, bò, anh Chiêm còn chăn nuôi thêm 200 con gà/lứa, 3 lứa/năm. Với tổng diện tích trang trại 2ha, mới đây anh Chiêm còn cho đắp bờ, đào ao thả cá với 6.000m2 diện tích mặt nước và mở rộng vườn trồng cây ăn quả lên 400 gốc quýt và 200 gốc cam. Thu nhập từ bán gà, cá và cam quýt của anh lên đến cả trăm triệu đồng/năm.
Có thể bạn quan tâm
Cùng một diện tích đất, chị Hòa Thị Dinh, thôn An Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đã canh tác cùng lúc 3 loại cây trồng. Nhờ cách làm này thu nhập của chị tăng lên gấp 3 lần so với các vườn chỉ trồng thuần cà phê.
Anh Trần Văn Ngỗ, ngụ ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) là 1 nông dân năng động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Ngỗ còn giúp nhiều nông dân khác thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Khi nhắc đến chàng trai Cháng Thìn Lù, hội viên, nông dân chi hội thôn Thanh Long, Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) liền trầm trồ rằng, “nó” vừa bảnh trai, vừa giỏi làm kinh tế, từ lời nói đến việc làm đều dễ thuyết phục bà con.