Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Siêu lợi nhuận từ mô hình 3 trong 1

Siêu lợi nhuận từ mô hình 3 trong 1
Tác giả: Duy Hậu
Ngày đăng: 26/09/2016

Hơn 15 năm trước, sau khi lấy chồng, vốn liếng của chị Dinh chỉ có 7 sào đất trống. Thế nhưng đến nay, chị đã trở thành một trong những “đại gia” có tiếng ở xã Dray Sáp. Chị kể, những ngày đầu mới ra ở riêng, cuộc sống của gia đình chị khó khăn trăm bề. Do chồng làm công tác xã hội, thường xuyên vắng nhà nên hầu như mọi việc nương rẫy đều do một mình chị gánh vác.

Do không sẵn vốn trong tay, chị Dinh bắt đầu cơ nghiệp của mình bằng kế “lấy ngắn nuôi dài”. Trên mảnh đất nhỏ mà bố mẹ để cho, chị trồng mì, tỉa bắp, gieo đậu... Rồi cứ sau mỗi vụ, chị dùng số tiền dôi dư mua cà phê về trồng dần. Tuy chỉ có 7 sào đất nhưng phải đến 5 năm sau chị mới phủ kín được cà phê.

Với mô hình “3 trong 1”, cùng một diện tích đất canh tác, chị Dinh có thu  nhập gấp 3 lần so với trồng thuần cà phê. Ảnh: D.H

Sau khi vườn cà phê cho thu hoạch, cuộc sống của gia đình chị Dinh bắt đầu bớt khó khăn hơn. Song không cam phận nghèo, chị tiếp tục tích góp để mở mang thêm diện tích. Cũng với kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”, cho đến khi gầy dựng được hơn 2ha cà phê.

Vốn là dân quê lúa Thái Bình nên trồng, chăm sóc cà phê với chị Dinh khá xa lạ. Vì vậy, chị chăm mua sách, báo, xem tài liệu khuyến nông, tham gia tập huấn kỹ thuật do Hội ND tổ chức. Vì thế mà năng suất cà phê của chị Dinh luôn đạt rất cao.

Vốn ham học hỏi, chịu khó, chị Dinh vẫn muốn vườn cà phê ấy cho lợi nhuận cao hơn. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, chị quyết định mua giống tiêu về cho leo trên những cây làm bóng mát ở vườn cà phê. Ngoài ra, ở những chỗ đất còn trống, thiếu cây che bóng mát, chị trồng xen thêm sầu riêng. Thật bất ngờ, với cách làm này, chỉ một thời gian sau, mảnh vườn của chị Dinh đã cho thu nhập tăng đến hơn 3 lần. “Nhờ trồng xen, mỗi năm tôi có thêm khoảng 300 triệu đồng từ cây tiêu, gần 100 triệu đồng từ cây sầu riêng. So với việc trồng thuần cà phê trước đó, thu nhập của gia đình tôi tăng lên đến hơn 3 lần”- chị Dinh thổ lộ.

Nói về chị Dinh, ông Y Phen Niê - Chủ tịch Hội ND xã Dray Sáp cho biết, chị là người phụ nữ đảm đang, rất biết cách làm ăn. “Ở Dray Sáp, chị Dinh là người tiên phong áp dụng mô hình trồng xen các loại cây trồng hợp lý, đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mô hình này thường xuyên được nông dân các nơi đến tham quan học hỏi…”- ông Y Phen nói.

Cũng theo ông Phen, không chỉ làm giàu cho riêng mình, mà nhiều năm qua, khi kinh tế gia đình đã vững vàng, chị Dinh đã dang tay giúp đỡ rất nhiều gia đình khó khăn trong vùng. Hàng năm, chị bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho hội viên, nông dân vay không lấy lãi, giúp hàng chục hộ gia đình trong thôn có vốn đầu tư sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Triển vọng từ mô hình nuôi dê Triển vọng từ mô hình nuôi dê

Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.

23/09/2016
Mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững Mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững

Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Pưh đã triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học.

23/09/2016
Bến Tre: Hiệu quả từ trồng cà chua Picota công nghệ cao Bến Tre: Hiệu quả từ trồng cà chua Picota công nghệ cao

Triển khai từ tháng 11-2015, đến nay, mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã có vụ trái thu hoạch đầu tiên.

23/09/2016