Cá lăng sông Hồng đem đến giàu có
Trước kia người dân tỉnh Hà Nam đã quen nuôi trồng thủy sản trên sông Châu, sông Đáy. Tuy nhiên, do nguồn nước ô nhiễm đã làm cá chết. Giờ đây họ lại nảy sinh cách nuôi giống cá lăng trên sông Hồng.
Đó là các anh Trần Văn Võ, Trần Trọng Sản ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân. Từ mênh mông sông nước, họ đã tìm ra cách làm ăn mới, đã đem lại hiệu quả tốt sau bao mạo hiểm.
Sau những trận ô nhiễm nguồn nước từ Hà Nội đổ về sông Châu, sông Đáy làm cá chết, người nuôi cá bỗng dưng tay trắng, nhiều gia đình nợ nần chồng chất. Một số hộ gắng gượng cầm cự vay vốn ngân hàng để nuôi cá lồng, cá lưới vây với hy vọng ô nhiễm chỉ nhất thời.
Nhưng rồi, liên tiếp các đợt ô nhiễm tràn về trên các dòng sông này làm nhiều hộ “khuynh gia, bại sản”. Mới cách đây 2 năm, hàng chục tấn cá lại chết nổi trắng xóa dòng Châu Giang. Nhiều người không cầm cự được nữa, phải bỏ nghề.
Chuyện nuôi cá trên sông Hồng bao đời nay chưa ai dám nghĩ, bởi không ô nhiễm nhưng dòng nước lại quá mênh mông. Chuyện đưa giống cá quý này về đất Hà Nam bắt nguồn từ 2 anh em Trần Văn Võ, Trần Trọng Sản. Sau 35 năm trong quân đội, về quê, ruộng đất không có nên anh Võ đã mày mò tìm cách mưu sinh kiếm sống.
Trong một lần tình cờ lên nhà người bạn tại tỉnh Lai Châu chơi và được giới thiệu mô hình nuôi cá lăng trên sông cho hiệu quả kinh tế cao, trong khi đây lại là giống cá đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường. Từ đó, anh nảy ra ý tưởng tại sao mình không về đầu tư lồng bè nuôi giống cá này trên sông Hồng, cũng có nguồn nước đầy phù sa.
Với ý chí dám nghĩ, dám làm của một người đã từng khoác áo lính, anh Võ đã mạnh dạn đi tìm hướng làm ăn mới một cách táo bạo nhưng đầy tiềm năng. Anh đã tìm hiểu sâu về giống cá này từ đặc tính môi trường đến cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh… và cả cách làm lồng bè nuôi trên sông.
Sau khi đã tìm hiểu kỹ về đặc tính, kỹ thuật nuôi cá lăng, lại được sự giúp sức của người em rể Trần Trọng Sản, anh Võ đã chọn điểm ven sông Hồng, cạnh bến đò Phú Hậu, thuận tiện về đường xá đi lại để đặt lồng bè.
Anh Võ cho biết: Do mới nuôi chưa tìm được nguồn giống ở nơi khác nên anh phải đôn đáo đi lại như con thoi trên cung đường trên nửa ngàn cây số Hà Nam với Lai Châu để học hỏi kinh nghiệm và mua cá giống. Khi bắt về, cá lăng chỉ bằng 2 ngón tay nhưng đã có giá đến hơn 6.000 đồng/con, do vậy anh rất cẩn trọng, phải thuê xe chuyên dùng để chở về.
Cá lăng bé ban đầu được cho ăn bằng cám công nghiệp, sau đó khi trọng lượng lớn khoảng hơn 4 lạng/con cho ăn bằng cá con và có khi là mua lòng lợn sống về băm nhỏ nấu lên. Mặc dù nuôi trong lồng ngoài sông Hồng, chất lượng nước khá đảm bảo, nguồn thức ăn lại dồi dào, nhưng cũng phải luôn theo dõi dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là bệnh thối mang cá dẫn đến cá chết nhanh.
Còn theo anh Sản thì nuôi cá lăng đã khó do phải vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nhưng có những khó khăn chưa lường hết được khi đặt lồng bè trên sông Hồng, bởi tàu bè chạy qua nhiều cũng ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của cá. Nhất là khi lũ về, nước chảy xiết càng làm cho lồng cuộn dềnh lên, dập xuống không thể ở trên lồng bè được mà phải lên bờ trông coi.
Cùng với đó, rất nhiều thân cây ngô người dân thu hoạch ven bãi vứt xuống sông cuốn vào đáy lồng, có hôm, cây ngô nhiều cuốn vào làm đội lồng cá cao đến gần 1m, chỉ lo bị lật. Khi đó, anh phải trở thành “ngư phủ”, cẩn trọng lặn xuống bám theo lồng để đẩy móc cây ngô, củi ra ngoài.
Lúc đầu anh Võ có 20 ô lồng với diện tích 550 m2, thể tích 2.000 m3 nước. Trên diện tích này, anh đang đưa vào nuôi 5.000 con cá lăng. Hôm tôi đến đúng vào lúc các anh thu hoạch cá để bán làm giống cho khách. Mới kéo 1 ô lồng, lượng cá lăng ước được khoảng hơn 3 tạ có cả những con cá lăng hồng mà nghe nói là giống thuần chủng cho chất lượng cao.
Bắt những con cá lăng, thành quả sau 2 năm SX, anh Võ phấn khởi: “Công sức mấy năm bỏ ra thế này là thành công rồi, nhất là khi lần đầu biết đến nuôi thủy sản với một giống cá vốn không phải là loại nuôi truyền thống ở địa phương”.
Tuy mới nuôi ở thời gian đầu nên còn phải đầu tư kinh phí, mặt khác vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm nhưng vẫn có lãi mặc dù chưa được như mong muốn… Năm vừa qua, anh Võ lại cùng anh Sản nhân rộng mô hình thêm 30 ô lồng nữa. Các anh đã đặt các khu lồng cánh nhau 700 m để đảm bảo nguồn thức ăn và tránh sự ô nhiễm dịch bệnh.
Sau hơn 2 năm cố gắng, mạnh dạn đầu tư SX bước đầu hiệu quả thu được khá tốt. Trọng lượng lớn của cá lăng trong mỗi năm nuôi đạt khoảng 0,7 - 1 kg/con. Không những vậy, tuy còn nhỏ nhưng do môi trường nuôi tốt nên khi ăn thử chất lượng thịt cá lăng nuôi trên sông Hồng tại Phú Phúc rất chắc và thơm, chất lượng gấp nhiều lần cá lăng ở ao nhà. Cá lăng trong lồng bè ở đây mới nuôi trong 2 năm đã cho trọng lượng 2 - 2,5 kg, xuất bán cá thịt đạt 200 - 250 nghìn đồng/kg.
Đánh giá về quá trình nuôi cá lăng sau 2 năm anh Trần Trọng Sản cho biết: Theo tính toán, hiệu quả từ nuôi cá lăng trên sông Hồng sẽ cho hiệu quả hơn nhiều so với việc phát triển các loại cá truyền thống khác, như trắm, chép, mè, trôi… Khi đã quen nuôi, đúc rút kinh nghiệm và nắm bắt kỹ thuật từ thực tế chắc chắn thời gian tới hiệu quả kinh tế sẽ đạt cao hơn, nhất là tỷ lệ hao hụt cá từ 25 - 30% hiện nay xuống chỉ còn khoảng 10% theo yêu cầu SX.
Được biết, khi mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, các anh sẽ tiếp tục cùng với địa phương nhân rộng cho những hộ gia đình trong khu vực, bởi theo anh Sản: “Mình phải cố gắng nhân rộng để tạo “thương hiệu” và thành một thị trường cung cấp cá lăng trên đất Lý Nhân”.
Với diện tích mặt nước ven sông Hồng phong phú, chất lượng nước tốt, thành công từ việc nuôi cá lăng ở Lý Nhân mở ra hướng SX mới để người dân trong vùng học hỏi phát triển kinh tế hộ gia đình
Có thể bạn quan tâm
Anh Vũ Nhuần (24 Vạn Kiếp, khu phố Hà Đông, phường 8, Tp.Đà Lạt), cho biết: Để chuẩn bị cho Festival hoa sắp tới, gia đình đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng trồng thử nghiệm mô hình dâu tây siêu sạch theo phương pháp thủy canh và cà chua siêu ngọt để cho khách thăm quan trong dịp lễ hội.
Măng tây xanh được xem là loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng cao. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, UBND tỉnh đã có định hướng sẽ thực hiện đề án phát triển và tiêu thụ cây măng tây xanh trên địa bàn TP. Bạc Liêu.
Ngày 13/11, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân năm 2013- 2014. Theo lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2013-2014, thời vụ xuống giống tập trung từ ngày 20/12/2013 đến 10/1/2014, để lúa trổ sau tiết Kinh Trập (5/3/2014). Các địa phương ở vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, Phú Hòa, TP Tuy Hòa bố trí lịch thời vụ vào trà cuối từ 1/1 đến 10/1/2014, dùng giống ngắn ngày gieo sạ để tránh mưa, lũ ngập úng gây hư hại.
Sau khi TBKTSG Online đăng tin "Bộ NN-PTNT: Lúa vụ 3 lợi nhiều hơn hại" từ một dự thảo quy hoạch sản xuất lúa vụ 3 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tòa soạn đã nhận được bài viết phản hồi của một nông dân trồng lúa ở ĐBSCL, chúng tôi đăng bài viết này để rộng đường dư luận vốn có nhiều tranh luận về lợi và hại của lúa vụ 3 trong nhiều năm qua.
Chị Thắm, bạn hàng tại chợ Châu Đốc (An Giang) cho biết: “Mấy ngày nay, giá ớt tại chợ tới 60.000 đồng/kg. Cứ lâu lâu ớt lại lên giá một lần nhưng ít khi lên đến mức này. Tôi phải xuống tận rẫy nông dân mua mà vẫn không đủ bán”. Nhiều nông dân cho biết, chỉ với giá 25.000 đồng/kg người trồng ớt đã thu lãi khoảng 10 triệu đồng/công. Mỗi lần xuống giống, ớt cho thu hoạch 3 đợt, năng suất bình quân 800 kg/công.