Cá Điêu Hồng Lồng Bè Lên Hương
Mấy ngày qua, nông dân nuôi cá điêu hồng lồng bè trên sông Tiền đang trúng mùa cá vì giá cá liên tục tăng mạnh trong tuần đầu của năm 2013. Hiện nay, cá điêu hồng được các thương lái tới tận bè thu mua với giá 33.000 - 34.000 đồng/kg, tăng 4.000 - 5.000 đồng/kg so với tuần trước.
Giá cá tăng đột biến
Đầu năm ngoái, người nuôi cá điêu hồng lồng bè trong cả nước lâm vào tình cảnh điêu đứng do hết gặp sự cố cá điêu hồng “nhiễm chất cấm” rồi đến “ăn cá điêu hồng bị ung thư”. Đến nay, khi chất lượng cá điêu hồng được “minh oan” và nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng trong khi nguồn cung giảm mạnh thì giá cá điêu hồng lại nóng dần lên.
Ông Phan Thế Nhân, nông dân có 5 bè nuôi cá điêu hồng ở Thới Sơn (TP Mỹ Tho) cho biết, cách đây 3 ngày, giá cá điêu hồng được các thương lái thu mua với giá 31.000 đồng/kg, nhưng hôm nay thương lái đã báo giá 34.000 đồng/kg. Tính ra trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá cá điêu hồng đã tăng 4.000-5.000 đồng/kg.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, giá thành nuôi 1 kg cá điêu hồng hiện nay bình quân khoảng 28.000 đồng/kg, nhưng có nhiều hộ nuôi cá với giá thành 26.000-28.000 đồng/kg (tuỳ theo mùa vụ và kỹ thuật nuôi).
Do đó, với sản lượng bè cá bình quân khoảng 6 tấn, các chủ bè có cá thu hoạch trong thời gian này có thể lãi được khoảng 30-35 triệu đồng/bè. Thông thường, mỗi chủ bè nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang thường có ít nhất là 5 bè, nhiều nhất lên tới hàng trăm bè nên lợi nhuận thu được từ thu hoạch cá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Tuy vậy, theo nhiều nông dân nuôi cá bè ở Mỹ Tho (Tiền Giang), phần lớn thời gian trong năm 2012 giá cá điêu hồng liên tục nằm ở mức thấp trong khi giá thành sản xuất tăng cao nên nhiều chủ bè buộc phải bán bè hoặc treo bè để tránh lỗ; bên cạnh đó, khi giá cá lên 29.000-30.000 đồng/kg cách đây hai tháng, hầu hết chủ bè có cá tới lứa thu hoạch đều đã tranh thủ bán hết cá để thu hồi vốn.
Chính vì vậy, đến thời điểm này số lượng bè cá giảm mạnh và đa phần cá nuôi hiện nay đều chỉ mới thả 1-2 tháng tuổi, trong khi cá phải nuôi 6-7 tháng mới bắt đầu cho thu hoạch.
Lạc quan vụ cá mới
Hơn 1 tháng nay, nhiều chủ bè nuôi cá điêu hồng đã chạy xuôi chạy ngược tìm nguồn cá giống chất lượng cao để chuẩn bị thả nuôi vụ cá mới, nhất là trong tình hình giá cá tăng vọt trong mấy ngày qua.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tuần đầu tiên của năm 2013, toàn tỉnh Tiền Giang đã có 24 bè tiến hành vụ nuôi mới với 479 ngàn con cá điêu hồng giống được thả nuôi. Hiện số bè đang thả nuôi cá điêu hồng là 1.120 bè trong tổng số 1.315 bè đang neo đậu.
Tuy nhiên, một số người nuôi cá điêu hồng trên bè vẫn chưa yên tâm vì còn lo lắng tình trạng giá cả bấp bênh trong khi chi phí nuôi cá liên tục tăng. Ông Huỳnh Văn Hai, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, lợi nhuận nuôi cá điêu hồng trên bè những năm gần đây rất thấp, chỉ dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng/bè 100 m3 trong khi giá thành sản xuất ngày càng tăng nên nhiều người nuôi cá bè lo lắng đầu ra của cá điêu hồng.
Dù vậy, hầu hết chủ bè rất lạc quan về tương lai của con cá điêu hồng trong thời gian tới bởi số lượng lồng bè nuôi cá ở nhiều địa phương đã giảm mạnh, sản lượng cá cung cấp cho thị trường cũng không nhiều. Và thực tế, giá cá điêu hồng đã tăng vọt trong những ngày vừa qua.
Ông Trần Thanh Phong, chủ đại lý thức ăn thủy sản ở phường 6, Mỹ Tho (Tiền Giang) đồng thời là chủ của 7 bè nuôi cá điêu hồng ở xã Thới Sơn (Mỹ Tho) nhận định, nghề nuôi cá điêu hồng trên bè trong năm nay sẽ rất khả quan, nông dân nuôi dân nuôi cá điêu hồng chắc chắn thu được lợi nhuận cao nếu kiên trì bám nghề.
Có thể bạn quan tâm
Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 24,59% tổng giá trị xuất khẩu.
Bến Tre có tổng đàn bò phát triển khá lớn, trên 155.000 con. Chất lượng đàn bò ngày càng nâng lên, trọng lượng bò đực trên 700kg, tốc độ tăng trọng nhanh từ 650-850 g/ngày, tỷ lệ xẻ thịt cao từ 49%-51%. Công tác thụ tinh nhân tạo được người nuôi ngày càng quan tâm.
Trong khi nông dân trồng lúa, rau màu nhiều nơi đang gặp khó khăn bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì nông dân xã Lương Phi (Tri Tôn - An Giang) phấn khởi với mô hình trồng rau tần dày lá – một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là mô hình triển vọng do bà con được cung cấp giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá cả ổn định và đảm bảo có lãi.
Do những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua một số sâu bệnh đã bùng phát trên cây cao su gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Đặc biệt, tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) có hơn 40 ha cây cao su của nhiều hộ dân bị nhiễm nặng.
Những ngày này, ở các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch xoài, nhưng giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua, nông dân đang tìm mọi cách để gỡ tiền phân thuốc, tránh một vụ xoài trắng tay.