Khấm Khá Với Nghề Nuôi Dê
Nuôi dê từ năm 2004, dù bị nhiều thất bại, nhưng chị Bùi Thị Lượm, ngụ tổ 3, ấp Mỹ Hòa, xã Song Thuận (Châu Thành - Tiền Giang) vẫn không nản chí, kiên nhẫn gắn bó với nghề. Đến nay, chị là 1 trong những người nuôi dê nhiều nhất xã.
Chị Lượm nhớ lại, ngày ấy chị nuôi 1 con dê nái, dê giống lúc đó chừng 20 kg, giá khoảng 4 triệu đồng, sau đó dê đẻ được 2 con, nhưng không nuôi được. Dù vậy, chị không nản, tiếp tục chăm sóc tốt con dê nái. Không phụ công chị, dê sinh sản đều đều, mỗi lứa từ 2 đến 4 con. Đến năm 2007, chị bán dê lấy được vốn ban đầu (4 triệu), còn dư mua được 5 con dê lớn, nhỏ để nâng đàn. Chính nhờ kiên trì, nuôi liên tục, vài ba năm nay dê có giá trở lại, nhiều người chạy mua giống để nuôi, còn chị luôn có dê bán giống.
Chị có 3 chuồng, với 35 con dê lớn, nhỏ, trong số này có 5 con dê giống Hòa Lan mặt sọc, to con đang đẻ và 3 con dê giống hậu bị. Chúng đẻ rất "sai", mỗi con đẻ từ 3-5 dê con. Chị Lượm cho biết, dê đẻ 2 năm 3 lứa. Con dê từ ngày đẻ đến 2 tháng phá bầy, dê cái bán vài triệu đồng/con, còn dê đực, nuôi đến 8 tháng bán, nếu được cho ăn dinh dưỡng đầy đủ, dê có trọng lượng từ 35 kg/con trở lên. Chị cho biết, việc làm ăn có chiều hướng thuận lợi và hiệu quả như hiện nay, không mấy chốc chị sẽ khá lên.
Chỉ tính từ đầu năm tới nay, dê xuất chuồng bán được 1 đợt (10 con) thu khoảng 40 triệu đồng (dê giống 2 tháng bán 2-3 triệu đồng/con, tùy tốt-xấu), còn dê thịt bán dao động từ 110.000 - 120.000 đồng/kg dê hơi. Bây giờ trong chuồng còn 18 con dê thịt, bình quân khoảng 25 kg/con, dự kiến sẽ xuất chuồng từ nay đến tết. "3 năm nay thu nhập mỗi năm khoảng từ 90 - 100 triệu đồng tiền dê" - chị Lượm chia sẻ.
Con dê là vật nuôi ăn cỏ, chẳng tốn kém nhiều, vuông vườn rộng, chị trồng nhiều loại cỏ tạo thức ăn tươi. Chính đó là điều kiện thuận lợi giúp cho chị Lượm nuôi dưỡng, chăm sóc tốt để phát triển đàn dê, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, bệnh gan thận mủ (GTM) hoành hành trên cá tra gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân, thậm chí nhiều trường hợp tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá tra thương phẩm lên đến 50%.
Thời điểm này, số lượng đàn heo đen tại huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đang ở mức cao nhất nhằm phục vụ cho thị trường tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tập quán chăn nuôi thả rông không mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn để lại hệ lụy môi trường.
Lợn rừng phù hợp với điều kiện chăn thả tự do hoặc trên diện tích đất rộng rãi.
Thực tế, văn hóa ăn gà lông không chỉ hằn sâu trong nếp nghĩ của người dân Thủ đô Hà Nội mà còn du nhập theo kiều bào sang tận các quốc gia phát triển.
Ngày 19/11, Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội phối hợp với Công ty CP Sữa quốc tế (IDP) tổ chức hội nghị triển khai chương trình hợp tác phát triển chăn nuôi bò sữa và xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sữa tươi trên địa bàn TP Hà Nội.