Cá chết, người dân lao đao
Cá chết nổi đầy hồ
Mấy ngày này, người dân thôn Triều Thủy, xã Phú An vô cùng xót xa và bức xúc trước cảnh cá nuôi chết hàng loạt.
Nguyên nhân ban đầu được người dân xác định là do việc xả nước từ đồng ruộng ra hệ thống ao hồ gây ô nhiễm môi trường khiến cá chết. Người dân kéo đến trụ sở UBND xã Phú An để khiếu kiện.
Hộ ông Nguyễn Dưỡng nuôi diện tích 4 ha cá nước lợ (nhiều nhất toàn xã) gần như chết hoàn toàn, ước thiệt hại trên 100 triệu đồng. “Bức xúc quá nên tôi và bà con kéo đến UBND xã khiếu nại, nhưng chẳng giải quyết được việc gì.
Lãnh đạo xã bảo rằng nước trong đồng ruộng cao quá, lại bị nhiễm mặn nên phải xả là bất đắc dĩ”.
Ông Dưỡng chia sẻ: “4 ha nuôi cá kình, cá dìa, gia đình tôi bỏ ra chi phí từ mua con giống đến thức ăn, xử lý môi trường… hết cả trăm triệu đồng.
Nếu cá không bị chết ước thu khoảng 150 triệu đồng. Bây giờ thì thiệt hại “cả chì lẫn chài”. Đời sống gia đình sắp đến sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không biết xoay xở như thế nào để có tiền tái đầu tư vụ sau”.
Hộ Nguyễn Văn Bảy nuôi 1 ha cũng lâm vào cảnh tương tự. Cả chục năm nay, nhờ nuôi cá giúp gia đình ông thoát được nghèo; trong khi đang nuôi hy vọng vươn lên khá giả thì lại lâm vào cảnh lao đao vì cá chết.
“Mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho dân ổn định cuộc sống, có điều kiện đầu tư nuôi vụ sau”- đó là nguyện vọng của ông Bảy, cũng như nhiều hộ dân.
Cùng cảnh với ông Dưỡng, ông Bảy còn có đến 50 hộ tại thôn Triều Thủy đều lâm vào cảnh khốn khó vì cá chết hàng loạt.
Một số hộ khi cá chết lai rai đã thu hoạch kịp thời nên hạn chế thiệt hại, còn các hộ khác đến khi cá chết gần hết mới thu hoạch bán làm thức ăn gia súc thì bị thiệt hại nặng.
Phản ánh của người dân, hầu hết các hộ nuôi cá với diện tích khoảng 100 ha đều bị chết, hộ thiệt hại thấp nhất cũng đến vài chục triệu đồng, hộ thiệt hại cao đến 100 - 150 triệu đồng…
Nuôi cá nước lợ là nghề chủ yếu đối với khoảng 50 hộ dân ở thôn Triều Thủy. Vậy nên, việc thiệt hại lớn do cá chết khiến đời sống của người dân chắc chắn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Dưỡng cho biết, thông thường các năm, trước khi xả nước trong đồng ruộng ra đầm phá, chính quyền địa phương thông báo đến với các hộ dân để có biện pháp theo dõi thủy sản, có thể thu hoạch tránh thiệt hại.
Nhưng lần này thì chính quyền địa phương không thông báo, khi có cá chết bà con mới biết do bị xả nước từ đồng ruộng.
Trong khi đó, xã cũng đã thống nhất và hứa với người dân sẽ không xả nước đồng ruộng ra đầm phá khi đang nuôi trồng thủy sản, bởi trong đồng ruộng có rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón gây ô nhiễm môi trường nguồn nước...
Theo ông Dưỡng, việc xả nước đồng ruộng thời điểm này là không hợp lý, bởi vụ hè thu đã thu hoạch xong, trong khi đó nhiều diện tích ao hồ vẫn đang tiếp tục nuôi trồng thủy sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Anh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, có thể việc xả nước trong đồng ruộng là nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.
Việc xả nước là bất đắc dĩ, do ảnh hưởng cơn bão số 3 vừa qua nên nước trong đồng ruộng bị nhiễm mặn, mực nước lại khá cao có nguy cơ vỡ đê… Qua kiểm tra, từ khi xả nước thì cá bắt đầu chết và kéo dài cho đến nay.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là suy đoán ban đầu, còn nguyên nhân cụ thể thì chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra mới đưa ra kết luận chính thức. Về nguyên nhân không thông báo đến các hộ dân kịp thời, lãnh đạo xã Phú An cho biết là do hệ thống truyền thanh của xã bị “sự cố”, cán bộ thôn, xã không thể đến tận từng hộ để thông báo (!?).
Về phía Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh, ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng cho rằng, có thể nhiều nguyên nhân dẫn đến cá chết, đang thời điểm chuyển mùa, môi trường thay đổi đột ngột, diễn biến phức tạp.
Nhưng qua kiểm tra ban đầu, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cá chết là do việc xả nước trong đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nguồn nước trong các ao nuôi.
Chi cục đang tiếp tục theo dõi, kiểm tra nguyên nhân để đưa ra kết luận chính thức trong thời gian sớm nhất.
Trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, người dân thôn Triều Thủy vẫn vô cùng lo lắng, có chung nguyện vọng sớm được hỗ trợ để ổn định cuộc sống, có điều kiện tái đầu tư vụ sau.
Có thể bạn quan tâm
Trong rất nhiều nguyên nhân khiến tiến độ giao đất giao rừng trên địa bàn huyện Điện Biên chậm phải kể đến những khó khăn, vướng mắc trong khâu tổ chức họp dân tuyên truyền để bà con nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng. Nếu như ở một số địa bàn khác người dân tích cực phối hợp, nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, thì tại bản Nậm Ty 1, Nậm Ty 2, xã Hua Thanh dù đến nay đã qua vài ba lần họp dân, nhưng rừng vẫn chưa thể giao cho cộng đồng!
Đó là tâm sự của của ông Lèng Văn Vĩnh, Trưởng bản Mới 1, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) cũng như nhiều học viên được học nghề theo Đề án 1956 mà cán bộ Phòng Dạy nghề (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận được sau khi phỏng vấn trực tiếp. Điều đó nói lên rằng, tìm việc làm cho lao động sau học nghề luôn là “bài toán” khó!
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh. Hiện tại, toàn huyện có gần 500 hộ nuôi với trên 14 triệu con, sản lượng mỗi năm gần 5.000 tấn. Do nuôi số lượng nhiều nên có thời điểm giá ếch giảm sâu, người nuôi ếch không có lời, thậm chí lỗ vốn mà vẫn không tìm được thương lái đến mua.
Gắn bó với mô hình nuôi ba ba Nam bộ (cua đinh) trên 10 năm, ông Phan Văn Bá ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đã phát triển mô hình như một trang trại thu nhỏ với 20 bồn và 2 hầm nuôi diện tích 1.400m2, với số lượng gần 200 con giống.
Vừa qua, tại buổi tọa đàm “Những vấn đề đặt ra đối với hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững của nước ta trong tình hình mới” (do UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại TP. Cao Lãnh), thông qua những tham luận, trao đổi, các chuyên gia nhận định các địa phương cần chuẩn bị hành trang vững chắc cho việc vươn mình ra “biển lớn” - hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tiến tới tái cơ cấu kinh tế.