Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ca Cao Đầu Ra Ổn Định, Diện Tích Được Mở Rộng

Ca Cao Đầu Ra Ổn Định, Diện Tích Được Mở Rộng
Ngày đăng: 12/02/2014

Hơn 6 năm triển khai dự án ca cao trồng xen trong vườn dừa, đến nay dù trải qua nhiều thăng trầm, nhưng người dân trồng ca cao vẫn kiên trì giữ vững diện tích.

Tiền Giang hiện có trên 2.000 ha ca cao tập trung nhiều ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phú Đông, thị xã Gò Công, Châu Thành,... Xác định được trồng ca cao xen vườn dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, các ngành chức năng đã khuyến khích bà con tăng diện tích trồng và kêu gọi đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, phấn đấu đến năm 2015 diện tích ca cao sẽ tăng lên 5.000 ha.

Trồng ca cao xen canh trong vườn dừa vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại thu nhập cao: Sau 18 - 24 tháng cho thu hoạch lứa bói đầu tiên, 4 - 5 năm tuổi năng suất ổn định với mức 1,5 - 2 tấn/hạt khô hoặc 20 - 21 tấn trái tươi/ha; đầu ra của ca cao ổn định ở mức 3.800 - 4.200 đồng/kg trái tươi, trên 50.000 đồng/kg hạt khô và cho nông dân lợi nhuận 20 triệu - 30 triệu đồng/ha/năm, phù hợp với điều kiện kinh tế hộ nhỏ, lẻ, ít vốn và ít đất sản xuất, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo nông thôn.

Một trong những hộ dân trồng ca cao xen trong vườn dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao là gia đình anh Trần Liêm, ấp Mỹ Hạnh xã Hòa Định, nhờ chăm sóc tốt và đúng kỹ thuật mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể. "Tôi gắn bó với cây ca ca đã 8 năm rồi, nếu chăm sóc tốt, sai trái, giá 3.000 đồng/kg là người trồng có lãi. Nhờ ca cao mà con tôi học hành đến nơi đến chốn, đứa lớn vừa tốt nghiệp đại học giờ đã ra trường" - anh Liêm chia sẻ.

Thời gian gần đây, trước nhiều tin đồn thất thiệt như ca cao vào mùa thu hoạch không có người mua, giá thấp,... gây hoang mang cho nhiều người dân, có thời điểm ca cao rớt giá với mức 3.000 đồng/kg trái tươi, khiến nhiều nhà vườn chán nản, không đầu tư chăm sóc.

Anh Phan Minh Tuấn, Chủ nhiệm CLB ca cao xã Hòa Định khẳng định: "Bà con trồng ca cao được bảo vệ quyền lợi, được thu mua 100% trái và hạt khô, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, các lớp tập huấn được diễn ra liên tục. Đặc biệt nhiều chương trình khuyến mãi cho bà con bán tham gia trúng thưởng, giá cả được bao tiêu không lên xuống thất thường, tạo sự an tâm cho người trồng ca cao. Chính vì thế diện tích ca cao và sản lượng tăng lên".

Tuy nhiên, nhiều vùng sâu, vùng xa của tỉnh vẫn chưa có điểm thu mua ca cao, người trồng bị ép giá nên không mấy mặn mà với cây ca cao. Trước nhu cầu đó, mỗi khu vực trồng ca cao đều thành lập hợp tác xã thu mua để bảo đảm quyền lợi cho người trồng ca cao, với nhiều điểm thu mua nhỏ lẻ, lên men và sơ chế đảm bảo nhu cầu đầu ra cho trái ca cao.

Ông Đặng Hòa Bình - Giám đốc điều hành HTX ca cao Chợ Gạo cho biết: "Hợp tác xã ca cao Chợ Gạo hiện có 22 điểm thu mua lên men sơ chế với trên 50 CLB hoạt động tại 3 huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và Tân Phú Đông đảm bảo thu mua 100% ca cao của bà con. Sản lượng năm 2013 đạt khoảng 45 tấn hạt khô, tăng gấp nhiều lần so với năm 2012. Hướng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cho mở thêm các điểm thu mua ca cao tại các vùng sâu, vùng xa để tránh trường hợp người trồng bị ép giá như thời gian qua".

Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo bộc bạch: "Thời gian qua có nhiều tin đồn ca cao bán không ai mua, nhiều người đốn bỏ ca cao,... làm cho nhiều nhà vườn hoang mang. Đây chỉ là những tin đồn không căn cứ vì theo thực tế, diện tích ca cao của huyện nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung được tăng lên, nhiều gia đình trở nên khá giả từ cây ca cao.

Thời gian qua, chúng tôi luôn khuyên bà con nên bảo vệ diện tích ca cao, nhất là nên tăng thêm diện tích ca cao trồng xen vườn dừa và hướng dẫn bà con cách chế biến ca cao khô đạt chất lượng để bán được giá cao hơn".

Được biết Tỉnh đoàn Tiền Giang vừa phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai dự án trồng 5.000 ha ca cao trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, người dân sẽ được mua cây giống đảm bảo tiêu chuẩn với giá ưu đãi, được hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc, được thu mua 100% sản phẩm trái tươi và hạt ca cao khô lên men đạt tiêu chuẩn. Đây là những tín hiệu đáng mừng giúp người dân tiếp tục giữ vững, duy trì và mở rộng diện tích ca cao trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường

Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

13/08/2013
Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.

13/08/2013
Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi Nông Dân Cao Trung Kiên Khá Lên Nhờ Trồng Ổi

Gần đây có nông dân đột phá với mô hình trồng ổi xốp Đài Loan cho năng suất và lợi nhuận cao, đó là anh Cao Trung Kiên (người bên trái) - ấp Giồng Giữa B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu.

13/08/2013
Gần 20 Tỷ Đồng Đổi Mới Giống Chè Gần 20 Tỷ Đồng Đổi Mới Giống Chè

Diện tích chè này được áp dụng công nghệ chăm sóc, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn GAP, tạo vùng nguyên liệu chè an toàn (khoảng 1.600 - 2.000 tấn chè nguyên liệu/năm, tương đương 400 - 500 tấn chè thành phẩm/năm) đáp ứng nhu cầu khách hàng tại Mỹ và châu Âu.

13/08/2013
Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại Nên Cắt Vụ Nuôi Tôm Để Hạn Chế Thiệt Hại

Hiện đã thu hoạch được gần 6.000 ha, diện tích thiệt hại trên tôm nuôi là dưới 30%. Có thể thấy năm nay vùng nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đã có dấu hiệu hồi phục nhờ áp dụng tốt các biện pháp đối phó với thời tiết và có biện pháp nuôi an toàn. Điều đáng lo ngại hiện nay là người nuôi tôm vẫn có xu thế thả giống tiếp tục, bởi giá tôm ở mức khá hấp dẫn.

14/08/2013