Tôm Thẻ Đã Đè Tôm Sú
Năm 2011, dù bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, nhưng tôm sú vẫn ở thế thượng phong so với tôm thẻ chân trắng, cả về diện tích lẫn sản lượng. Nhưng ở vụ tôm đầu tiên của năm nay, tôm thẻ đang vươn lên khá mạnh, “lấy” mất nhiều diện tích vốn trước đây chỉ nuôi tôm sú. Thậm chí, ở nhiều địa phương mà con tôm sú thống trị trong những năm qua, giờ diện tích thả tôm thẻ chân trắng lại đang chiếm thế thượng phong.
Xã Tân Chánh (Cần Đước, Long An) đến giờ này đã thả nuôi tôm được 450 ha, trong đó chỉ có vỏn vẹn 20 ha là tôm sú. Còn lại 430 ha là tôm thẻ chân trắng. Ông Dương Ngọc Hùng, cán bộ khuyến ngư xã Tân Chánh cho biết, so với thời điểm này năm ngoái, diện tích tôm chân trắng không cao hơn. Nhưng tính trên tổng diện tích đã thả nuôi, thì tỷ lệ tôm thẻ chân trắng đã tăng thêm rất nhiều so với năm ngoái. Vào thời điểm này của năm 2011, ở Tân Chánh, diện tích tôm thẻ chiếm 80% tổng diện tích thả nuôi tôm. Còn hiện nay, diện tích tôm thẻ lên tới 95,5%. Trên toàn tỉnh Long An, diện tích thả tôm thẻ chân trắng cũng đang lấn át diện tích tôm sú. Theo Sở NN-PTNT Long An, đến ngày 12/3, nông dân tỉnh này đã thả giống tôm trên diện tích 1.450 ha. Trong đó, diện tích tôm thẻ chân trắng chiếm tới 1.023,60 ha, gấp gần 2 lần rưỡi so với tôm sú (426,60 ha).
Theo ông Phan Hữu Hội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang, diện tích tôm thẻ chân trắng ở tỉnh này cũng đang tăng rất mạnh. Đến giữa tháng 3, Tiền Giang đã xuống giống được khoảng trên 1.000 ha tôm quảng canh, thì đại đa số là tôm thẻ chân trắng. Ở nhiều tỉnh ven biển khác thuộc ĐBSCL, diện tích tôm thẻ chân trắng cũng tăng nhanh không kém gì mấy so với ở Long An, Tiền Giang. Chẳng hạn, ở Cà Mau, nếu như đến cuối năm ngoái, diện tích tôm thẻ mới chỉ chiếm khoảng 1/4 trên tổng diện tích khoảng 2.500 ha nuôi tôm công nghiệp của tỉnh này, thì đến nay diện tích tôm thẻ đã lên tới khoảng 60%.
Trước, giá tôm thẻ chân trắng giống luôn thấp hơn giá tôm sú giống. Nhưng do hàng loạt các tỉnh ven biển ĐBSCL diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng đang tăng quá nhanh, trong khi diện tích tôm sú lại giảm, thành ra lần đầu tiên trong lịch sử nuôi tôm ỏ ĐBSCL, đã có chuyện giá tôm thẻ chân trắng giống lại cao hơn giá tôm sú giống.
Do diện tích tôm thẻ chân trắng tăng mạnh nên nhu cầu con giống tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL cũng tăng vọt so với tôm sú. Chẳng hạn, ở Long An, đến thời điểm này, nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng đã lên tới 409 triệu con, trong khi nhu cầu tôm sú giống mới ở mức 85 triệu con. Giá giống tôm thẻ chân trắng theo đó cứ tăng liên tục và đã có dấu hiệu của một cơn sốt. Hồi cuối tháng 2, ông Ba Mẽ, nông dân ấp Đông Nhì, xã Tân Chánh, cho biết giá giống tôm thẻ chân trắng đã lên tới 50 đ/con, cao hơn tới 20 đ/con so với cùng kỳ năm 2011. Đến giữa tháng 3, ông Ba Mẽ báo lại giá giống tôm thẻ chân trắng ở đây đã tăng lên tới 60 đ/con. Theo ông Dương Ngọc Hùng, đó là giá tôm thẻ giống loại bình thường. Còn với những con giống loại tốt nhất, giá lên tới 75-80 đ/con, gấp gần 3 lần so với năm ngoái. Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Long An, giá tôm thẻ giống trên địa bàn tỉnh này hiện ở mức bình quân là 65 đ/con, cao hơn tới 5 đ/con so với tôm sú giống.
So với Long An, giá giống tôm thẻ chân trắng ở Tiền Giang còn cao hơn nhiều. Ông Phan Hữu Hội cho biết hiện nay giá tôm thẻ chân trắng giống ở tỉnh này đã lên tới trên dưới 100 đ/con, cao hơn tới vài chục đồng so với tôm sú giống (giá tôm sú giống ở Tiền Giang hiện khoảng 70-80 đ/con).
Có thể bạn quan tâm
Từ cuối tháng 10 trở lại đây, mía tím Khánh Sơn (Khánh Hòa) rớt giá, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khiến nhiều gia đình lo lắng vì phải đối mặt với vụ mía thua lỗ và ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ tiếp theo.
Tình hình nắng nóng, khô hạn tiếp tục diễn ra gay gắt, người dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đang phải gồng mình chống hạn. Đặc biệt, cây hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương và là nguồn thu nhập chính của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Điều kiện khí hậu tại TP.HCM nóng ẩm quanh năm, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển cây rau, do vây cây rau được trồng quanh năm và càng ngày có nhiều vùng sản xuất tập trung.
Tái cơ cấu nông nghiệp là gì, những việc gì cần làm ngay, ưu tiên làm gì trước, tái cơ cấu vào đâu?... là những câu hỏi nhiều ngành từ T.Ư đến địa phương đang đặt ra hiện nay.
Từ xã vùng núi khó khăn, sau 3 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã bứt phá về đích ngoạn mục, làm tấm gương sáng cho các xã trong và ngoài huyện học tập.