Bưởi da xanh được giá người trồng thu tiền tỷ
Bưởi da xanh loại 1 tiêu thụ hết ở thị trường nội địa, bưởi loại 2 mới xuất khẩu
Cây bưởi da xanh xuất hiện ở tỉnh Bến Tre từ những năm 1990 và liên tục được bà con nhân rộng nhờ quả ngon, được thị trường ưa chuộng.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 5.500 ha bưởi da xanh tập trung chủ yếu ở các huyện: Chợ Lách, Châu Thành, TP.Bến Tre, Mỏ Cày Bắc, Mõ Cày Nam, Giồng Trôm… Hiện tỉnh Bến Tre đang quy hoạch nâng tổng diện tích bưởi da xanh lên 7.000 ha để phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.
Nhờ bưởi da xanh có giá cao nên rất nhiều nông dân trở thành tỷ phú, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rất hiệu quả.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bưởi da xanh Thành Phước (ấp Thành Phước, Thành Triệu, Châu Thành, Bến Tre) cho biết: “Hiện tại cây bưởi da xanh cho thu nhập cao nhất so với các loại cây khác ở địa phương.
Nông dân chỉ cần trồng 1.000 m2 bưởi da xanh nếu chăm sóc tốt có thể thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, những hộ dân có diện tích trên dưới 1 ha sẽ thu nhập tiền tỷ”.
Theo ông Ẩn, hiện tổ hợp tác có 27 hộ dân trồng bưởi theo tiêu chuẩn Viet GAP và ký hợp đồng với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.
Mấy năm qua bưởi da xanh có giá ổn định, bưởi loại 1 được doanh nghiệp thu mua ngay tại vườn giá từ 40.000 đến 44.000 đồng/kg nên lợi nhuận đem lại cho bà con trồng bưởi khá cao.
Ông Lê Văn Hoa, trồng 0,5 ha bưởi da xanh ở xã Sơn Định (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Năm 1998 tôi qua TP.Bến Tre mua giống bưởi da xanh về trồng để thay thế hết 0,5 ha vườn đang trông sầu riêng.
Hiện tại bưởi đang cho trái với thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/năm.
Người trồng bưởi da xanh thu nhập cao là do đây là đặc sản được thị trường rất ưa chuộng, giá cả luôn ổn định”.
Theo tính toán của nhà vườn, chi phí đầu tư phân bón trong giai đoạn cho trái khá thấp, chỉ khoảng 3000 đồng/kg bưởi nên lợi nhuận người làm vườn thu được là rất lớn.
Thậm chí những vườn bưởi được chăm sóc tốt, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng theo tiêu chuẩn Viet GAP sẽ cho năng suất cao hơn, bán được giá hơn.
Bưởi da xanh hút hàng, thương lái vào lùng sục tận trong vườn để thu mua bưởi đem đến các chủ vựa bán lại kiếm lời.
Ông Nguyễn Văn Út (ở Phước Mỹ Trung, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết: “Hàng ngày tôi đi xe gắn máy đến tận nhà vườn thu mua bưởi bán kiếm lời.
Khi ở vùng Mỏ Cày mua hết, tôi đi phà qua tận cù lao Thanh Bình (xã Thanh Bình, Vũng Liêm, Vĩnh Long) để mua bưởi.
Mấy năm qua bưởi da xanh giá cao, nông dân thu lời lớn nên việc mua bán cũng khá dễ dàng.
Trung bình mỗi kg bưởi tôi lời 2.000 đồng, mỗi ngày thu mua vài trăm kg bưởi trừ chi phí cũng kiếm lời chút ít”.
Khi nói đến xuất khẩu trái cây, người ta nghĩ ngay đến việc xuất loại trái cây ngon nhất còn thị trường nội địa thì tiêu thụ loại 2, loại 3.
Tuy nhiên, đối với quả bưởi da xanh thì hoàn toàn ngược lại khi thị trường nội địa tiêu thụ quả ngon nhất còn loại 2 mới xuất khẩu.
Lý giải về vấn đề này, ông Đàm Văn Hưng, Chủ vựa bưởi Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) cho biết: “Bưởi da xanh là đặc sản ngon, việc tiêu thụ cũng có những điểm nghịch lý so với nhiều loại trái cây khác.
Hiện tại quả loại 1 đều được tiêu thụ ở thị trường nội địa với giá hơn 50.000 đồng/kg mà người tiêu dùng vẫn ưa chuộng; quả loại 2 mới đem đi xuất khẩu với giá trên 2 USD/kg.
Do loại quả ngon nên thị trường trong nước tiêu thụ khá mạnh nhất là ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội”.
Hiện tại, cơ sở ông Hưng đã ký hợp đồng bao tiêu cho 27 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh trồng bưởi theo tiêu chuẩn Viet GAP để xuất khẩu.
Trung bình hàng năm cơ sở của ông thu mua khoảng 10.000 tấn bưởi da xanh, trong đó chỉ xuất khẩu khoảng 500 tấn ở các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ…
Theo ông Hưng, suốt 3 năm qua giá bưởi da xanh luôn ổn định ở mức trên 30.000 đồng/kg (thương lái thu mua tại vườn).
Với mức giá này nông dân có thể nhu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Bây giờ bưởi da xanh không chỉ trồng ở tỉnh Bến Tre mà mở rộng sang các tỉnh ĐBSCL, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên…và có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu.
Nếu sắp tới đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn sản xuất theo mô hình tập thể và chú trọng xuất khẩu thì giá trị quả bưởi da xanh càng được nâng lên.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mô hình sản xuất mới không chỉ giúp cho sản phẩm sạch sẽ, an toàn và có giá trị dinh dưỡng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề.
Mưa dầm làm cho trà lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ trên diện rộng. Nước ngập, lúa không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thu hoạch thủ công. Các khoản chi phí không ngừng leo thang trong khi hạt lúa làm ra kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm. Nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước mương, vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng bởi ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Xác định công tác quản lý giống thuỷ sản là vấn đề trọng tâm, ngay từ đầu vụ sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã triển khai công tác kiểm tra chất lượng đàn thủy sản bố mẹ, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất giống. Qua đó, tình trạng tự gia hóa tôm thẻ chân trắng bố mẹ ở một số doanh nghiệp đã được phát hiện và chấn chỉnh.
Mô hình ương nuôi cá lóc giống thời gian gần đây phát triển rất mạnh ở các huyện Châu Thành, Châu Phú, Phú Tân của tỉnh An Giang. Điều đáng lưu ý là ở nhiều vùng nông thôn đang rộ lên phong trào lấy đất nông nghiệp để đào ao, vuông thả cá lóc.