Khống Chế Dịch Bệnh Trên Vật Nuôi
Năm 2015, ngành Thú y sẽ tiếp tục chủ động giám sát dịch bệnh, phòng chống và ngăn chặn từ xa các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh của động vật trên cạn lây lan sang người.
Năm 2014, dịch cúm A/H5N1 xuất hiện tại 158 xã, phường của 93 huyện, thị xã ở 33 tỉnh, thành phố. Dịch cúm gia cầm đã trở thành dịch địa phương với đặc điểm các ổ dịch phát sinh rải rác.
Trung bình hằng năm có khoảng 100 ổ dịch, và khoảng 200.000 con gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy…
Công tác phòng chống dịch của ngành Thú y đã góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Trong đó, kết quả nổi bật là ngăn chặn và khống chế kịp thời việc lây lan một số chủng virus mới như: Cúm A/H8N10, H7N9, H5N6 có nguồn gốc từ biên giới phía Bắc.
Đồng thời, xác định vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi; khống chế thành công dịch lợn tai xanh. Riêng dịch lở mồm long móng trên trâu bò đã khoanh vùng xử lý kịp thời các ổ dịch lây lan từ các đàn bò dự án.
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 23/1, đại diện Cục Thú y cho biết, nguyên nhân khiến dịch xảy ra thời gian qua là do công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng chống dịch ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, công tác tiêm phòng cho gia súc gia cầm ở nhiều địa phương hiệu quả chưa cao, thiếu kiểm tra đôn đốc và giám sát thực hiện.
Một số ý kiến cho rằng, cần tạo thế chủ động trong phòng chống dịch, có sự tham gia tích cực từ phía các địa phương, người chăn nuôi.
Trong đó, các địa phương chủ động xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, khuyến khích và hỗ trợ các trang trại chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tăng cường kiểm tra tại tuyến cơ sở nhằm phát hiện những sai phạm, bất cập trong công tác phòng chống dịch để chấn chỉnh kịp thời.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thú y trong năm 2015 là phải đảm bảo khống chế các loại dịch bệnh nguy hiểm, không để xảy ra các ổ dịch lớn như cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh… góp phần ổn định giá cả thị trường và phát triển chăn nuôi.
Quan trọng nhất là phải tiếp tục chủ động giám sát dịch bệnh, phòng chống và ngăn chặn từ xa các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh của động vật trên cạn lây lan sang người.
Đồng thời, ngành Thú y phải đặt mục tiêu năm 2015 giảm các ổ dịch gia súc gia cầm và thủy sản so với 2014.
Thị trường đầu ra tốt, giám sát dịch hiệu quả và hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn cho người chăn nuôi là mục tiêu của ngành nông nghiệp trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ đầu tư khoa học, sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, nhiều mô hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho hiệu quả kinh tế cao.
Bài học từ những lần thất bại “tối mắt, tối mũi” đã giúp anh Phùng Hoàng Giang (36 tuổi, xã Long Thạnh, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) thành công với nghề nuôi ba ba giống.
Tính đến cuối năm 2012, tổng đàn bò trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) có gần 18.500 con. Bà con nông hộ thường chọn nuôi các giống bò ngoại như: Bradman, RedShinhi, Sahiwal, Lymousine và bò lai tạo từ bò địa phương với các giống bò ngoại, phân bố tập trung tại các xã An Thạnh, Thành Thới A, Đa Phước Hội và Tân Trung.
Nhắc đến gà sạch thơm ngon Bắc Giang mọi người nghĩ ngay đến gà đồi Yên Thế. Thế nhưng đối với gà đồi của huyện Sơn Động cũng có chất lượng rất ngon được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tìm mua.
Từ vị thế một sản phẩm độc quyền của VN, chỉ sau vài năm mặt hàng cá tra xuất khẩu đã rớt giá thê thảm. Đáng buồn hơn, ngành này còn để lại một ấn tượng xấu cho khách hàng nước ngoài về kiểu làm ăn chụp giật, bát nháo, tự phá giá lẫn nhau của doanh nghiệp Việt…