Nhơn Hải (Ninh Thuận) Hướng Đến Mô Hình Nuôi Dê Vỗ Béo

Nhơn Hải là một trong ba xã thuộc vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông của huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Xác định việc được hưởng lợi từ dự án là điều kiện tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, nên địa phương đã tập trung triển khai hợp phần hỗ trợ sản xuất có hiệu quả.
Theo khảo sát của Ban Phát triển xã Nhơn Hải, địa phương có tổng diện tích đất tự nhiên gần 3.100 ha, trong đó, đất nông nghiệp 1.200 ha.
Ngoài đất sản xuất các loại cây trồng chủ lực như hành, tỏi, ớt 400 ha, số còn lại là đất gò cao dọc triền núi phù hợp trồng cỏ chăn nuôi. Phát huy tiềm năng lợi thế này, xã chú trọng phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập cho bà con. Hiện tổng đàn gia súc có sừng ở địa phương là 11.200 con; trong đó dê 4.200 con, còn lại là bò, cừu.
Xuất phát từ tình hình thực tế sản xuất của nông dân, tháng 6- 2013, được hỗ trợ của Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã thành lập 6 nhóm đồng sở thích nuôi dê ở thôn Khánh Tân, Khánh Phước, Khánh Nhơn 1, Mỹ Tường 1, Mỹ Tường 2, mỗi nhóm 10 thành viên.
Trước đây, khi chưa thành lập nhóm, các hộ nuôi thả, để dê tự kiếm thức ăn, nên chất lượng đàn thấp, dê con sinh ra thường chậm phát triển.
Từ khi vào nhóm đồng sở thích, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, các hộ đã biết trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi, nên dê sinh sản quanh năm, thu nhập hộ nuôi tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Tháng 7-2014, DASU huyện Ninh Hải hỗ trợ các nhóm đồng sở thích 33 con dê bách thảo giống (18 con đực, 15 con cái) tạo điều kiện cho cải tạo đàn theo hướng nâng cao trọng lượng, chất lượng thịt. Đồng chí Trần Đồng Quý, cán bộ Văn phòng UBND, Thường trực Ban Phát triển xã Nhơn Hải, cho biết: Dê giống dự án hỗ trợ đưa về chăm sóc ở 3 hộ: Võ Thị Năm (nhóm Mỹ Tường 2), Trần Thoái và Trần Duy Tuấn (nhóm Khánh Tân). Qua kiểm tra, dê phát triển tốt, đã phối giống với dê địa phương cho ra thế hệ dê lai có trọng lượng lớn hơn 20% so với dê thường, 8 con dê cái dự án cũng đã sinh sản lứa đầu.
Niềm vui đến với các nhóm đồng sở thích nuôi dê ở Nhơn Hải nữa là, vừa rồi Dự án Hỗ trợ Tam nông tiếp tục hỗ trợ vật tư cho 55 hộ có điều kiện kinh tế khó khăn mở rộng chuồng trại, với mức 4.800.000 đồng/chuồng.
Anh Nguyễn Ngọc Toàn, Trưởng nhóm đồng sở thích nuôi dê Khánh Tân, cho biết: Điều kiện chuồng trại quy củ, các thành viên nhóm đã trao đổi và đi đến thống nhất là mở rộng diện tích trồng cỏ để phát triển mô hình nuôi dê vỗ béo, liên kết với doanh nghiệp tạo ra chuỗi giá trị từ khâu nuôi đến tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới, nên chắc chắn thu nhập của hộ nuôi sẽ tăng lên, đời sống ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm

Là vùng thuần nông, đời sống của người dân huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên nhìn chung thu nhập của người dân còn thấp. Để tìm hướng phát triển mới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong chăn nuôi, thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ để phát triển mạnh đàn bò lai trên địa bàn nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Lâu nay, “bài toán” làm đau đầu người nuôi tôm sú trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là vấn đề chất thải của tôm, thức ăn thừa, phù sa tích tụ sau mỗi chu kỳ nuôi tồn lắng dưới đáy ao hồ cùng với nguồn nước thải từ ao nuôi tôm gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh thái.

Với phương châm: “Phát triển mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại phải gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ môi trường sinh thái”, thời gian qua, nhiều hộ dân ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã có hướng đi mới trong lao động, sản xuất và ý thức rất cao trong việc tích cực thực hiện tốt giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.

Đến từ một đất nước xa xôi nhưng các chuyên gia của Liên đoàn Hợp tác xã Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV) có những hiểu biết sâu sắc về tình hình phát triển kinh tế tập thể của Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Đặc biệt, họ đã chia sẻ những kinh nghiệm rất thiết thực về phát triển kinh tế tập thể, nhất là khu vực hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Sau khi đã tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng và cách chăm sóc giống cây hoa phong lan, Trạm Khuyến nông huyện Lấp Vò vừa phối hợp UBND xã Bình Thạnh Trung tổ chức cấp phát cây giống hoa phong lan cho 20 hộ nông dân trên địa bàn xã, mỗi hộ được nhận 100 cây giống.