Bỏ nghề may sang nuôi gà, tậu được xe hơi, xây biệt thự
Từng là thợ may nức tiếng, nhưng anh Phạm Đình Dừa (thôn Buộm, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, Hải Dương) lại tỏ ra có duyên với nghề chăn nuôi. Hiện cơ sở sản xuất giống gà lai chọi Lương Phượng của gia đình anh thuộc diện lớn nhất tỉnh, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng triệu con giống tốt.
Chuyên gia... ấp trứng
Trò chuyện với chúng tôi, anh Dừa cho biết anh lập gia đình năm 1996, lúc đó vợ chồng vẫn duy trì nghề may truyền thống. Do có tay nghề, lại giữ uy tín nên thời gian đầu, vợ chồng anh làm không hết việc, cứ ra sản phẩm tới đâu khách hàng lại đặt mua hết tới đó.
Nhưng đến năm 1999, sản phẩm quần áo giá rẻ của Trung Quốc bắt đầu tràn vào trong nước, khiến nghề may trở nên “thất sủng”, quần áo làm ra dù đẹp nhưng do giá thành cao hơn nên tiệm may của anh ngày càng vắng khách.
Nhờ nghề ấp nở, kinh doanh gà giống lai chọi, mỗi năm anh Dừa thu lãi hơn 2 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian đó, gia đình vợ anh gợi ý chuyển sang nghề sản xuất gà giống bằng thắp đèn điện. “Từ thợ may chuyển sang làm con giống, tôi thấy bỡ ngỡ lắm, làm gì cũng lóng ngóng. Nhưng may nhờ có bố vợ tôi kèm cặp, “cầm tay chỉ việc” nên cuối cùng, tôi cũng cho trứng nở thành công”- anh Dừa kể.
Thời gian đầu vừa thử nghiệm, vừa nghe ngóng thị trường nên anh Dừa chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Nhận thấy tiềm năng tiêu thụ gà giống trên thị trường dồi dào, năm 2000, vợ chồng anh quyết định vay vốn đầu tư máy ấp trứng công suất 2.000 quả/máy. Để có trứng duy trì máy hoạt động, anh Dừa phải thuê người đi thu gom trứng từ các vùng lân cận, chủ yếu là giống gà ta, gà chọi, gà tre sau đó phân loại, cho vào lò ấp.
Cùng anh Dừa vào thăm lò ấp trứng, chúng tôi thấy công nhân đang gấp rút tuyển chọn trứng để đưa vào lò ấp mới, không khí làm việc rất khẩn trương. Mở lò ấp đang nở ra kiểm tra, anh Dừa bảo: “Mỗi lò mới công suất ấp nở đạt khoảng 1,6 vạn trứng/đợt, đây là loại lò do tôi tự thiết kế và cải tiến dựa trên khuôn mẫu lò ấp của Trung Quốc (giá 85 triệu đồng/lò).
Lò cải tiến không những tiết kiệm được 50% chi phí so với mua mới (khoảng 40 triệu đồng), mà còn phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Việt Nam”.
Anh Dừa cho biết thêm: “Ngày mới mua máy ấp của Trung Quốc về để nghiên cứu chế tạo, lắp ráp, nhiều người cứ bảo đầu óc tôi có vấn đề, không bằng cấp gì về cơ khí, kỹ thuật mà đua đòi, thích thể hiện, kiểu gì cũng thất bại. Tôi bỏ ngoài tai tất cả, bởi nếu không làm thì sao biết không được, thất bại nhiều nhất định sẽ thành công”.
Sau khi đổ tiền vào mua trang thiết bị, tháo ra lắp vào nhiều lần, đến năm 2001 anh Dừa đã cải tiến thành công chiếc lò ấp đầu tiên với công suất đạt tới 1,6 vạn trứng/đợt. “Khi đưa vào ấp trứng thử nghiệm, lứa gà đầu tiên ra đời khỏe mạnh, vợ chồng tôi mừng quá ôm nhau khóc nức nở” – anh Dừa kể.
Theo quan sát của chúng tôi, lò ấp cải tiến của anh Dừa rộng khoảng 4,5m2, có 106 khay bằng nhựa, mỗi khay đựng được 150 quả trứng. Khoảng cách giữa các quả rất đều nhau, đảm bảo quá trình đảo lò, trứng nở đều và đạt tỷ lệ cao, lên tới 98%.
Tưởng rằng sau thành công đó, việc chăn nuôi của gia đình anh sẽ thuận lợi hơn, đùng một cái năm 2003, “bão” cúm gia cầm H5N1 tràn về làng khiến toàn bộ đàn gà bố mẹ hàng nghìn con ốm chết la liệt. Mất nguồn cung trứng, gần 10 lò ấp của gia đình anh Dừa phải ngừng hoạt động, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Anh Dừa nhớ lại: “Hồi đó bí quá tôi tới nhà bố vợ vay gà về nuôi”...
Mát tay lai tạo giống gà mới
Sau vài năm làm nghề ấp trứng, thấy thị trường gà ta truyền thống có dấu hiệu bão hòa, khó tiêu thụ, anh Dừa nghĩ cách tìm hướng đi khác. Đầu năm 2006, qua những lần tham quan các mô hình nuôi gà bố mẹ sinh sản và gà thịt thương phẩm như gà Hồ lai Lương Phượng ở Hưng Yên, gà ri lai Lương Phượng ở Bắc Ninh, anh Dừa nảy ra ý tưởng lai tạo giống gà mới: Gà chọi lai Lương Phượng nhằm phát huy ưu thế của hai loại gà này.
Nghĩ là làm, anh tuyển chọn những con gà chọi khỏe, lớn nhanh, da vàng, chân vàng để làm gà bố mẹ. Đến năm 2008, anh bắt tay vào xây dựng trại gà giống chọi lai Lương Phượng với quy mô ban đầu 600 con gà bố mẹ theo công thức- gà chọi bố (do trang trại tự nhân giống) lai với gà Lương Phượng mẹ nhập từ Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương.
Lứa đầu tiên, anh Dừa cho ra lò 1.000 con gà giống, song lại không được các hộ chăn nuôi hưởng ứng. “Lúc ấy, tôi điêu đứng vì con giống chọi lai rất xấu mã, lông đen, không bóng mượt như các giống gà khác, ai cũng chê. Tôi phải chấp nhận bán lỗ con giống với giá 3.000 đồng/con để... kích cầu” – anh Dừa tâm sự.
Cùng với việc bán rẻ con giống, anh Dừa cũng đưa đàn gà giống mới vào nuôi thương phẩm tại trang trại của mình. Kết quả cho thấy gà tự thay màu lông khác đẹp hơn, thịt gà săn chắc, ngọt tự nhiên.
Tiếng lành đồn xa, các hộ chăn nuôi đua nhau tìm tới trại giống của anh để mua giống gà chọi lai Lương Phượng, đến nỗi cung không đủ cầu. Năm 2011, anh phải mở rộng quy mô đàn gà bố mẹ lên 3.000 con, và đến nay số gà bố mẹ đã đạt tới 6.400 con.
Ngoài trại gà giống của gia đình, anh Dừa còn chủ động xây dựng hệ thống trại chăn nuôi vệ tinh để cung cấp trứng cho lò ấp với khoảng 10.000 gà bố mẹ. Hiện, cứ 3 ngày anh Dừa xuất bán 1 lứa gà, bình quân mỗi lứa 2 vạn con giống. Mỗi năm, cơ sở của anh cung cấp cho thị trường trên 200 vạn con giống gà chọi lai Lương Phượng.
Hiện, cơ sở sản xuất gà giống và trại gà sinh sản của anh Dừa đang tạo việc làm cho 6 công nhân thường xuyên và 2 lao động thời vụ với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gần 20 trại gà vệ tinh được anh cấp giống, thức ăn và bao tiêu sản phẩm cũng có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/trại/năm.
Ngồi trò chuyện trong ngôi biệt thự mới xây khá hoành tráng, anh Dừa cho biết thêm: “Nhờ bỏ nghề may chuyển sang nuôi gà mà đến năm 2000, tôi đã tậu được xe hơi gần 1 tỷ đồng, xây một căn nhà trị giá 400 triệu đồng. Năm 2014 vừa qua, gia đình tôi lại xây thêm căn biệt thự này trị giá hơn 3 tỷ đồng...”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, một chủ trang trại vệ tinh của Đại lý kinh doanh gà giống Dừa Quyên ở xã Gia Lương, huyện Gia Lộc, Hải Dương từng biết đến là hộ khó khăn, nhờ sự giúp đỡ của anh Dừa về kỹ thuật, cơ sở chăn nuôi đến giờ gia đình anh đã vươn lên làm giàu, có thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Anh Hoàng bảo: “Anh Dừa không chỉ giỏi về kỹ thuật nuôi gà giống mà còn sống rất nghị lực và tình cảm, biết giúp đỡ người nghèo, nhờ thế mà giờ tôi đã tự tin hợp tác với anh chăn nuôi lớn, cho thu nhập cao”.
Nhờ thành tích xuất sắc trong sáng chế lò ấp mới và nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Phạm Đình Dừa đã được tỉnh Hải Dương chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV của T.Ư Hội ND Việt Nam tại Hà Nội ngày 4.9 vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Ông Đặng Đình Thông, xóm 1, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho biết, nhờ giống ngô mới mà 5 sào ngô gia đình ông thu được hơn 20 triệu đồng, trừ chi phí giống, vật tư, công lao động còn lãi 12 triệu đồng.
UBND tỉnh vừa phê duyệt Quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là 1 trong 3 mô hình nằm trong dự án CRSD được thực hiện trên địa bàn huyện này nhằm góp phần tái tạo nguồn sò huyết đặc sản đã bị khai thác cạn kiệt ở đầm Ô Loan.
Giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản trồng trên cánh đồng của huyện Tây Hòa, Đông Hòa và miền núi Sông Hinh. Đây là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình lúa giống chất lượng tốt, qua đó tuyển chọn giống phù hợp để triển khai sản xuất đại trà nhằm xây dựng thương hiệu cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao.
Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.