Bình Phước Thiếu Thị Trường Cho Cao Su Giống
Những hộ sản xuất - kinh doanh cao su giống trong tỉnh Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là ở huyện Chơn Thành - vựa giống lớn ở Bình Phước. Nhiều hộ phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm cây giống khác. Song vẫn còn nhiều người bám nghề để chờ thời.
Thời gian qua, ở Chơn Thành có trên 500 hộ chuyên ươm và bán cao su giống, tập trung nhiều nhất tại 2 xã Thành Tâm và Minh Long. Năm nay, nhiều chủ vựa giống tiếp tục gặp khó khăn khi giá mủ cao su xuống thấp nên nông dân không có nhu cầu mở rộng hoặc trồng mới vườn cây cao su. Nhiều chủ vựa giống đang loay hoay tìm đầu ra cho cây giống để mong gỡ lại vốn.
Theo nhiều chủ vựa giống tại huyện Chơn Thành, hiện giá cao su giống là 1.000-1.100 đồng/stump trần, 2.200-2.500 đồng/stump bầu hạt, 3.500 đồng/stump bầu cắm. Giá bán cao su giống đang ở mức thấp nhất 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các khoản chi phí đầu tư cho stump cao su giống như: phân tro, ghép cây, xịt cỏ... lại tăng cao, khiến nhiều hộ kinh doanh cao su giống lỗ nặng.
Ông Phạm Đình Thành ở ấp 3, xã Minh Long cho biết: 5 năm trước tôi ươm hơn 30 ha cao su giống, nhưng năm nay chỉ làm 15 ha stump trần, bầu hạt và bầu cắm, chủ yếu là giống PB260, lai hoa 90952. Từ đầu mùa đến nay, gia đình chỉ bán được 700 ngàn stump bầu cắm. Gia đình tôi chỉ là số ít, hiếm hoi đảm bảo được đầu ra cho cây cao su giống nhờ các bạn hàng quen từ trước. Tuy bán ra được cây giống, nhưng giá thấp nên chúng tôi lỗ nặng.
Anh Phan Đức Thọ ở ấp 5, xã Minh Thắng chia sẻ: Tôi làm stump cao su giống từ năm 1996. 17 năm trong nghề và cũng có nhiều khách quen trong, ngoài tỉnh đặt ra, nhưng cao su giống trượt giá như hiện nay thì dù có bán được cũng lỗ nặng. Nếu ngưng sản xuất thì gia đình phải bán đất để trả nợ. 10 công nhân kỹ thuật và chăm sóc sẽ mất việc làm.
Được biết, ở Chơn Thành có rất nhiều hộ nông dân vay vốn ngân hàng, thuê mặt bằng để sản xuất cây giống. Anh Dương Văn Cường ở ấp 3, xã Nha Bích cho hay: Hiện tôi đang thu hẹp diện tích trồng stump cao su giống, bởi đầu ra không có, chủ yếu là phục vụ cho diện tích tái canh và những hộ tiểu điền đặt hàng loại giống cũ PB235, nhưng không đáng kể. Gia đình tôi đang chuyển hướng sang công việc khác, dù rất tâm huyết với nghề và có hơn 15 năm kinh nghiệm.
Với những khó khăn trên, các hộ sản xuất - kinh doanh cây cao su giống mong chính quyền các cấp có giải pháp để quảng bá, giới thiệu thương hiệu giống cây cao su của tỉnh nhà như sản phẩm đặc thù để có thị trường tiêu thụ cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát (Lào Cai), năm 2014, huyện xây dựng kế hoạch phát triển 150 ha cây đương quy.
Năm 2014, huyện có kế hoạch nhân rộng mô hình lên tổng cộng 6.000ha. Riêng vụ Đông Xuân 2013- 2014, đã thực hiện 2.121,85ha với 3.548 hộ nông dân tham gia ở tất cả các xã trong huyện (1 xã 1 mô hình).
Đến kỳ thu hoạch, tiêu cho hiệu quả hơn hẳn so với cây trồng khác nên bà Huệ đã cưa cà phê, nhãn để trồng thêm 6 sào tiêu. Năm 2013, hơn 1.000 nọc tiêu của gia đình bà cho năng suất gần 3 tấn, dự kiến năm nay tăng khoảng 1 tấn.
Nông dân Sóc Trăng đang bước vào thu hoạch vụ lúa Đông Xuân với sự phấn khởi về giá cả và năng suất. Hiện mức giá mà thương lái thu mua vẫn ổn định, tạo sự an tâm cho người dân.
Trung tâm Khuyến nông đã tiến hành bàn giao máy trước khi bước vào thu hoạch ngô và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng, vận hành và bảo quản máy cho các hộ.