Biển Tây Sốt Con Banh Lông
Thời gian gần đây, mỗi ngày có tới 8-15 tấn banh lông được mua tại cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc để vận chuyển đi các nơi nhưng chủ yếu là xuất sang Trung Quốc. Loại hải sản thuộc dòng họ hải sâm này, ngay cả nhiều ngư dân đánh bắt cũng chưa một lần ăn thử. Nhưng giờ thì người người, nhà nhà đang kéo nhau đi cào banh lông, khiến ngư trường biển Tây thêm một phen dậy sóng...
Chín giờ sáng, cảng An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang) nắng như đổ lửa. Chỉ một góc nhỏ cảng được làm bãi tập kết mực tươi, còn phần lớn trở thành bến tập kết gỗ, sắt thép với tiếng cưa, đục, hàn, tiện, khoan, cắt... inh ỏi tựa như xưởng tàu. Đó là vì gần như mọi phương tiện đánh bắt thủy sản đều được chủ đem đi chuyển đổi công năng sang cào con banh lông. Nhìn toàn cảnh, ngư dân Nguyễn Văn Lợi nói giọng chắc nịch: “Không cần biết ghe lớn ghe nhỏ, miễn kéo nổi là đem cào banh lông”.
Gần đây, thấy nhiều ghe cào banh lông trúng lớn, anh Lợi đã đầu tư sắm thêm thiết bị để chuyển hai ghe pha chuyên đánh bắt cá cơm sang cào banh lông. Anh phân bua: “Đáng lẽ phải làm cách đây vài tháng nhưng ngặt nỗi vốn yếu. Nhưng thà chậm còn hơn không, đánh cá cơm lỗ hoài...”. Rồi anh nói với vẻ tràn đầy hứng khởi:
“Ngày mai sẽ khởi hành chuyến đầu tiên”.
Các chủ ghe ở cảng An Thới cho biết để chuyển đổi từ ghe câu mực, cá thu hay đánh cá cơm sang cào banh lông, mỗi ghe phải trang bị thêm một cẩu chữ A, một động cơ, hai dàn cào, dây... Tùy theo công suất ghe mà trang bị dàn cào rộng hay hẹp nhưng chi phí dao động từ 40-50 triệu đồng/ghe.
Anh Đặng Viết Phong ngụ ở khóm 2, thị trấn An Thới cũng đang tất bật cùng mấy anh em và nhóm thợ cưa, đục để gắn thêm dàn cào cho chiếc ghe có công suất 60 CV chuyên câu cá thu chuyển sang cào banh lông, Phong nói: “Tranh thủ từng giờ, trễ quá banh lông không còn vì có đến 90% ghe câu thu, ghe pha, ghe mành và cả ghe mua cá cơm đều chuyển sang cào banh lông”.
Không chỉ dân tại chỗ, từ thị trấn Dương Đông, anh Nguyễn Văn Bình cũng đến cảng An Thới hỏi thăm cách đóng dàn cào, chi phí công thợ để chuyển ghe lặn biển thành ghe cào banh lông. Anh Bình cũng có nghe thấy một số chủ ghe lo lắng về đầu ra sản phẩm, nhưng anh nói tỉnh bơ: “Có chết thì chết hết, sợ gì!”.
Cảng An Thới mùa gió Nam này ghe đánh bắt hải sản từ Bãi Xếp về tránh sóng đậu chật kín. Ghe cào banh lông có gắn thêm cẩu chữ A mọc lên tua tủa, chiếc có thâm niên nhất trong nghề cũng chỉ được bảy, tám chuyến đi biển, còn đa số là đang chuẩn bị xuất bến chuyến đầu tiên.
Ghe mang số hiệu các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre... đánh bắt ở ngư trường Phú Quốc cũng ghé vô cảng An Thới tìm thợ, mua sắm, trang bị thêm dụng cụ để chuyển sang cào banh lông khiến không khí tại cảng càng thêm chộn rộn.
Đứng tại cầu cảng, nghe chủ ghe tìm bạn tàu (ngư phủ làm mướn) câu mực, câu cá thu hay đánh bắt cá cơm thì đều thấy câu trả lời: “Chỉ đi với ghe cào banh lông”, vì mau có tiền và tiền nhiều hơn. Ông Võ Văn Nhờ ở khu phố 3, thị trấn An Thới, than thở: “Ghe nào cũng đổ xô đi cào banh lông. Ở Phú Quốc mà cá biển mắc hơn đất liền là điều chưa từng có xưa nay”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Long - Viện Hải dương học Nha Trang, banh lông thuộc họ hải sâm, có giá trị dinh dưỡng cao.
Còn theo ngư dân Phú Quốc thì để ăn được, banh lông phải được hầm 5-6 tiếng đồng hồ, có thể chế biến làm món gỏi, nấu lẩu hoặc nấu chè.
Khi mới bắt lên, con banh lông tròn như trái banh lông, có màu đen, người bắt chỉ cần dùng dao móc bỏ ruột, sau đó dồn muối vô ướp và chở vô cảng bán cho thương lái.
Tận diệt
Trước Tết Giáp Ngọ, tại Phú Quốc, con banh lông được thương lái mua với giá 600.000 đồng/ki lô gam. Giá cao, dễ mua dễ bán nên đã tạo nên cơn sốt truy lùng con banh lông ở vùng biển Phú Quốc. Ngay sau Tết, nhiều ghe khai thác hải sản bắt đầu chuyển đổi sang cào banh lông mà đỉnh điểm là từ giữa tháng Tư Âm lịch đến nay. Việc khai thác ào ạt đã khiến banh lông có nguy cơ cạn kiệt.
Anh Phạm Thanh Ngọc, chủ ghe cào banh lông kể hồi đầu tháng Ba Âm lịch, ghe của anh khởi hành chuyến đánh bắt đầu tiên cách bờ khoảng 20 hải lý và cào ở độ sâu 40 sải nước, cứ 30 phút đánh một giã cào có đến 50-60 con banh lông, nay chỉ bắt được 15-20 con. Hiện nay, các ghe cào banh lông đã phải đánh bắt xa bờ 40-50 hải lý.
Để bắt được banh lông, mỗi chiếc ghe cào phải trang bị dàn cào là hai rọ sắt, mỗi rọ cao 30 cen ti mét, dài 2,8-3,2 mét. Một hàm của rọ có một dãy răng thép tựa như răng lược, chính răng thép này sẽ cày sâu xuống mặt đất và sẽ xới tung banh lông lọt vào rọ sắt. Chị Hồng Lan, thương lái mua hải sản ở cảng An Thới, nói: “Đào xới kiểu này thì chẳng những banh lông bị tận diệt mà môi trường sống của các loài khác cũng bị ảnh hưởng”.
Anh Nguyễn Ngọc Vũ, một ngư dân chuyên đánh bắt banh lông, cho biết ngư trường Phú Quốc vẫn còn banh lông nhưng rất “thưa”. Nhiều ghe còn phải sang vùng biển Campuchia mua “vé” cào banh lông với chi phí rất cao. Điều đáng nói là hiện giá banh lông tại cảng An Thới (nơi mua banh lông tập trung ở huyện đảo Phú Quốc) đã giảm chỉ còn 180.000-200.000 đồng/ki lô gam tùy kích cỡ lớn hay nhỏ, dày hay mỏng.
Mù mịt
Với những ngư dân chuyên sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản ở biển Tây, hầu như ai cũng thiếu, thậm chí mù mịt thông tin về con banh lông cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Chủ ghe cào Phạm Thanh Ngọc cho biết từ trước đến nay, anh chưa từng ăn con banh lông bao giờ, chỉ nghe nói bán được giá, dễ đánh bắt nên anh và những ngư dân khác chuyển sang nghề cào banh lông.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu thị trường tiêu thụ banh lông có ổn định không, ngư dân Nguyễn Ngọc Vũ tỏ ra lo lắng: “Cào thì cứ cào chứ không biết khi nào thương lái ngừng mua. Từ khi có phong trào cào banh lông tới giờ, giá cả banh lông cũng liên tục trồi, sụt. Cũng có một dạo thương lái không mua, nhiều người cũng không ăn vì dai nhách, đành đem phơi khô, cứng như đá”.
Nêu thêm bằng chứng cho sự mù mịt thông tin, bấp bênh về đầu ra sản phẩm của người ngư dân, chị Hồng Lan kể: “Mấy tháng cuối năm 2012, Phú Quốc rộ lên phong trào cá cơm luộc sấy xuất sang Trung Quốc. Mấy chuyến đầu, mỗi người lời năm bảy trăm triệu đồng, nhưng sau vài chuyến bị ép giá sản phẩm, hàng chục người thành ra mang nợ”.
Ông Võ Văn Nhờ, chủ cơ sở cá cơm sấy, cho biết ông đã đầu tư cả tỉ đồng làm bao che, lò hơi, vỉ thép nhưng hoạt động chỉ duy nhất một lần rồi ngưng luôn vì không ai hỏi mua cá cơm sấy nữa. “Tôi sợ làm banh lông một thời gian rồi khổ nữa! Biển cả bị xới tung, đục nước, cá đẻ cũng khó mà banh lông cũng hết...”, ông nói trong lo lắng.
Có thể bạn quan tâm
Cụ thể Philippines đang có nhu cầu nhập 500.000 tấn, giao hàng từ tháng 10 - 12 và có khả năng sẽ nhập thêm. Sau khi mở thầu không thành công vào ngày 27.8 do giá chào cao hơn mức giá trần quy định, Philippines sẽ phải điều chỉnh tăng mức ngân sách theo giá thị trường để mở thầu lại. Indonesia cũng có nhu cầu nhập khẩu 400.000 - 500.000 tấn gạo từ nay đến cuối năm.
“Tại các chợ trung tâm, nơi nhu cầu rau sạch rất lớn thì tiền mặt bằng đủ để kinh doanh lên đến vài chục triệu đồng. Trong khi đó, bán rau VietGAP ít lời, lại chịu các ràng buộc về giá, thương hiệu, chất lượng với đơn vị cung cấp nên tiểu thương vẫn trung thành với rau trôi nổi ngoài thị trường thay vì kinh doanh rau VietGAP” - bà Ngọc than.
Thị trường Mỹ vừa mở cửa cho nhập khẩu nhãn và vải của Việt Nam. Trước đó quả thanh long đã xuất vào thị trường này.
Sau thời gian giá trăn giảm mạnh do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, đến nay giá trăn đã tăng và ổn định trở lại, giúp các hộ nuôi trăn ở ĐBSCL có thêm nguồn thu nhập khá.
Sáng 25/9, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ NN-PTNT giao ban về công tác quản lí chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) tháng 8, và triển khai kế hoạch tiếp theo với rất nhiều vấn đề nổi cộm cần phải giải quyết.