Khai thác tiềm năng xuất khẩu trứng vịt muối
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, XK trứng vịt muối của nước ta đạt trên 27,1 triệu quả. Còn nửa đầu năm 2015, tổng số trứng vịt muối XK đạt hơn 10,2 triệu quả.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại năm 2010, cả nước đã từng XK hơn 34,1 triệu quả trứng muối, cho thấy ngành hàng này đang chưa thực sự tận dụng được lợi thế.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đánh giá: Trứng vịt muối là một trong những mặt hàng XK nhiều tiềm năng. Sản phẩm trứng vịt muối của Việt Nam được ưu chuộng bởi có hương vị khá đặc biệt mà các nước khác không có, nhất là trứng từ đàn vịt nuôi thả ở vùng ĐBSCL.
Mặc dù có tiềm năng XK lớn nhưng hiện nay cả nước mới có 3 DN XK trứng vịt muối và cũng chỉ XK chủ yếu sang 3 thị trường là Singapore, Malaysia và Hồng Kông (Trung Quốc). Một số chuyên gia đánh giá, điểm yếu nổi bật trong sản xuất, XK trứng vịt muối của Việt Nam là các DN chưa tổ chức sản xuất theo chuỗi, việc giao thương hầu như mang tính gia đình, truyền thống.
Bên cạnh đó, DN cũng chưa chủ động nghiên cứu, mở rộng khách hàng/thị trường sẵn có và phát triển những thị trường mới nhiều tiềm năng khác.
Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ mới và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP, G.GAP, EuroGAP, ASEANGAP… vào quá trình thu gom, xử lý và chế biến trứng muối còn nhiều vấn đề phải tính toán, trong đó việc hình thành các vùng, cơ sở an toàn dịch đối với cúm gia cầm của các cơ sở chăn nuôi cung cấp trứng cho 3 DN XK trứng vịt muối kể trên còn chưa hình thành liên kết sản xuất.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, muốn thúc đẩy XK trứng vịt muối, quan trọng là phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi. Theo đó, phải đầu tư đảm bảo khép kín từ khâu đầu vào thức ăn, con giống, vùng chăn thả cho đến nguyên liệu làm vỏ bọc cho quả trứng muối và tiêu thụ sản phẩm.
“Lâu nay, XK trứng vịt muối chủ yếu do DN quy mô vừa ở phía Nam tự tổ chức. Nhà nước chưa có bất kỳ chính sách nào tác động đến tổ chức sản xuất, XK ngành hàng này. Đối với riêng việc hình thành chuỗi sản xuất, tôi cho rằng vai trò của Nhà nước rất quan trọng trong khâu tổ chức kết nối trong toàn bộ chuỗi.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải đưa ra các chính sách để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường… cho sản phẩm trứng vịt muối”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đi vào từng khía cạnh cụ thể, một số chuyên gia đề xuất, muốn ngành hàng trứng muối đẩy mạnh XK, tận dụng tốt tiềm năng sẵn có, cơ quan Thú y phải tăng cường hơn nữa năng lực kiểm tra chất lượng trứng XK, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp chứng nhận an toàn dịch cúm gia cầm cho các cơ sở chăn nuôi vịt lấy trứng nguyên liệu cho XK.
Đối với các DN XK, việc cần thiết là chú trọng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; khẩn trương phát triển hệ thống các cơ sở chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh (mô hình chăn nuôi vịt khép kín, an toàn sinh học).
Bên cạnh đó, các DN cũng cần nghiên cứu đa dạng các sản phẩm trứng vịt muối như trứng muối nước, trứng muối hút chân không… đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, cùng với đó tăng cường công tác nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu sản phẩm trứng muối ở một số thị trường tiềm năng chưa khai thác như Australia, Brunei, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)…
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN - PTNT Bắc Giang, năm nay toàn tỉnh có 1,8 ngàn ha nhãn cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 15 ngàn tấn, tăng 2 ngàn tấn so với năm ngoái.
Bộ Tài chính vừa công bố giá thành lúa HT 2015 ở ĐBSCL. Theo đó, giá thành bình quân lúa vụ HT 2015 ở ĐBSCL cao hơn 196 đ/kg so với giá thành bình quân vụ HT 2014.
Đến tháng 6/2015, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu đã tăng lên 2.582 ha, chủ yếu tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, tuy nhiên không có diện tích nhiễm nặng. Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật, diện tích bị nhiễm và mức độ nhiễm bệnh đốm nâu trên cành non và các lứa trái chính vụ sẽ tiếp tục gia tăng trong mùa mưa.
Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trên biển Đông đã gây mưa lớn trên địa bàn huyện Tánh Linh từ ngày 7/7 cho đến nay, đồng thời nước sông La Ngà dâng cao đã gây ngập úng trên 661 ha lúa.
Tình trạng phá mía để chuyển sang cây trồng khác đang là một thực trạng diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.