Bệnh Lạ Trên Thanh Long Và Giải Pháp
Những ngày này xuống Châu Thành - Long An và Chợ Gạo - Tiền Giang, thủ phủ trồng thanh long ở ĐBSCL đều gặp các chủ vườn với nét mặt rầu rĩ, hoang mang vì một loại nấm bệnh lạ tấn công mà mức độ được ví không khác gì nấm Corynespora gây ra bệnh vàng rụng lá trên cây cao su từng bùng phát ở Đông Nam bộ vào năm 2011.
HOANG MANG VÌ “BỆNH LẠ”
Triệu chứng bắt đầu chỉ là những đốm trắng nhỏ khoảng 1 mm rải rác trên cành, 1 tuần sau mới to ra khoảng 2 - 3 mm chuyển sang màu nâu và sau đó lớn dần lên và khô đi. Nhiều vết khô dính liền lại với nhau làm cho chết cành, chết cây. Ở những vườn mới bị nhiễm lác đác đôi cành thì việc giảm năng suất chưa rõ nhưng ác thay là trái cũng mang đầy vết bệnh và bị thải loại.
Ông Đinh Văn Chiến, ấp Quang Ninh, xã Qươn Long, huyện Chợ Gạo có 360 trụ vừa mới bị nấm tấn công 2 tháng nay nhưng khi thu được 43 kg thì chỉ có 8 kg được mua với giá 6.000 đ/kg, còn lại đều bị thương lái lắc đầu, năn nỉ mãi họ mới chịu lấy với giá 1.000 đ/kg.
Sát vườn ông Chiến, bà Đinh Thị Hải ngồi thu lu cạnh đống thanh long, nơi gốc mít đầu hồi căn nhà lá, than thở: Năm 2011, tôi thấy người ta trồng thanh long ruột đỏ hốt bạc quá trời nên mới cố vay mượn để trồng được 280 trụ, năm nay có bói, ai dè bị nấm người ta chỉ trả giá 1.000 đ/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, xã Long Trì, huyện Châu Thành có 2 ha, nhưng chỉ sau vài tháng đã có tới 40% diện tích bị nhiễm và năng suất giảm 50%, tỷ lệ trái thải loại lên đến 60%. Ông Lê Đắc Xuân, xã Dương Xuân Hội có 20 năm gắn bó với 1,5 ha cây thanh long cho biết vườn của ông bị giảm doanh thu từ 80 - 100 triệu đồng. Theo Th.S Nguyễn Thị Điểu, Trạm BVTV Châu Thành thì đã có khoảng 40% diện tích thanh long của huyện này bị nhiễm.
Nhiều nhà vườn đã sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ nấm khác nhau, thậm chí hỗn hợp nhiều loại thuốc với nồng độ cao nhưng đều bất lực vì “hôm nay phun, mai khô, kia lại tái phát”.
Theo TS Nguyễn Như Cường, GĐ Trung tâm Nghiên cứu BVTV Nam bộ, tác nhân gây bệnh là một loài nấm. Năm 2009, bệnh lần đầu được ghi nhận ở Đài Loan và Bình Thuận của VN với nhiều tên gọi khác nhau như “đốm nâu”, “mắt cua”, “đốm trắng”, “tắc kè”. Vì mới chưa có “y văn” nên việc phòng trừ căn bệnh nguy hiểm này cũng đang trong vòng nghiên cứu.
PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP
Tuy chưa có thuốc đặc trị, chưa có quy trình phòng trừ nhưng quan sát ngoài đồng có thể thấy bệnh có quy luật lây nhiễm như một căn bệnh do nấm điển hình, đấy là mùa mưa nhiễm nặng hơn mùa nắng; nhất là trong điều kiện nắng mưa xen kẽ tạo nhiệt độ và ẩm độ cao.
Điều đặc biệt hơn, với những vườn thấp, trầm thủy, bón phân gà chưa ủ lấp bằng mụn dừa tươi thì bệnh càng nặng. Vườn ông Đinh Hải Bằng, ấp Quang Ninh, xã Qươn Long có 1.600 trụ thì chỉ có 800 ở phần vườn thấp và bón phân gà tươi bị nặng; còn phần vườn cao, thoát nước tốt hơn lại nhẹ hơn nhiều.
Đặc biệt với những vườn không bón phân gà tươi, không dùng mụn xơ dừa ủ gốc mà chỉ dùng phân hữu cơ công nghiệp thì mức độ nhiễm nhẹ hẳn. Bên căn biệt thự mới xây 3 tỷ đồng từ lợi nhuận thanh long, ông Đoàn Hùng Minh, ấp Cầu Hàng, xã An Lục Long, huyện Châu Thành thách chúng tôi tìm được vết bệnh ở 1.300 trụ của vườn ông.
Khác với những vườn khác, vườn của ông không “láng o”, dưới gốc thanh long có nhiều cây rau trai mọc lẫn cỏ nhưng sao lại không bị nhiễm? Ông cho biết, trước đây ông dùng phân gà tươi nhưng từ năm 2009 đến nay chỉ dùng duy nhất phân hữu cơ Trimix - N1 của Cty Điền Trang kết hợp với NPK 20-20-15 của Bình Điền, chia nhiều lần bón mà tuyệt nhiên không dùng phân gà hay phân gì khác nhưng năng suất vẫn đạt 40 tấn/ha, tỷ lệ thải loại dưới 1%. Và điều đặc biệt, thanh long nhà ông đều có vỏ dày, có tai xanh mướt “gảy đờn được”.
Lúc đầu nhiều người không tin nên đến rình xem ông bón phân gì mà hiệu quả cao như vậy, nhưng khi thấy ông chỉ bón Điền Trang với NPK Bình Điền nên mọi người dùng theo và kết quả của những vườn khác cũng đạt “xêm xêm”.
Cũng như ông Minh, ông Nguyễn Văn Út, ấp Quang Ninh, xã Qươn Long đã dùng phân Trichomix Điền Trang 3 năm nay, mỗi năm 80 -100 bao (4 - 5 tấn) chung với NPK 20.20.15 của Bình Điền cho vườn thanh long rất hiệu quả, không bị nấm bệnh; trong khi vườn của anh ruột cạnh đấy dùng phân gà tươi lại đang bị “bệnh lạ” tấn công. Những vườn dùng phân hữu cơ Điền Trang thì độ pH đều trên 5, còn vườn dùng phân gà thì độ pH chỉ 4,2 - 4,3.
Theo ông Lê Minh Mẫn, Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, do mấy năm liền được giá nên diện tích thanh long đang tăng nóng. Toàn huyện hiện có 2.156 ha, trong đó 600 ha trồng mới và việc dùng phân hữu cơ Điền Trang đang được bà con nông dân tin tưởng.
Cũng theo ông Mẫn, để hạn chế “bệnh lạ”, cán bộ khuyến nông đang ráo riết khuyến cáo bằng mọi cách phải tạo độ thoát nước tốt, cắt bỏ cành trái bị bệnh, không vứt cành bệnh lại trong vườn mà thu gom vào một chỗ để xử lý. Tuyệt đối không vứt xuống mương, kinh rạch để tránh mầm bệnh lây lan theo nguồn nước.
Với những vườn dùng phân gà tươi và mụn xơ dừa tươi cần bón ngay vôi, sử dụng thuốc trừ nấm phổ rộng để ngăn chặn việc bùng phát, sử dụng phân hữu cơ Trichomix đi đôi với việc hạn chế phân đạm.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp với Trạm KNKN TP. Bà Rịa triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nuôi gà ta thả vườn an toàn sinh học” tại xã Long Phước (TP.Bà Rịa). Đến nay, mô hình này bước đầu đã đạt những kết quả tốt.
Cách đây 3 – 4 năm về trước, phong trào nuôi động vật hoang dã ở các địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra khá rầm rộ. Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu thị trường trầm lắng, "đầu ra" khó khăn, nhiều hộ gia đình chăn nuôi chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế khác.
Mô hình nuôi gà chuồng lạnh của hộ gia đình anh Trần Xuân Sơn, ở xóm Nghĩa Nhân, xã Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn - Nghệ An) được xem là mô hình mở ra hướng làm giàu mới.
Những ngày qua, khi gió bắt đầu chuyển bấc cũng là lúc các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu thả giống, đón đầu đợt tiêu thụ thịt trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Ngày 2-11, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tỉnh Tiền Giang vừa phát hiện 2 ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn bò.